Trong tỉnh

Nỗ lực giảm thiểu tình trạng nhiễm HIV từ mẹ sang con

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS. Song nếu phụ nữ mang thai được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn 2 - 6%, thậm chí là 0%.

Lễ diễu hành hưởng ứng Tháng hành động phòng chống HIV/AIDS tại huyện Thiệu Hóa

Thanh Hóa là tỉnh đông dân, có 11 huyện miền núi, địa hình hiểm trở, đa số phụ nữ khu vực này ít được quan tâm đến sức khoẻ bà mẹ khi mang thai, không đi khám thai định kỳ, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế… Những năm qua, nhờ nhiều giải pháp tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nên đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó tỷ lệ tình trạng nhiễm HIV từ mẹ sang con đã giảm đáng kể.

Giảm được tình trạng trẻ em bị nhiễm HIV từ mẹ truyền sang

Theo số liệu từ Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Thanh Hóa cho biết: Số người lũy tích nhiễm HIV/AIDS đến nay là 8.180 người, người còn sống và quản lý được trên 4000. Số người đang điều trị ARV 3.779 người, số tử vong do AIDS 2.072. 100% số huyện, thị xã, TP đều có số người nhiễm HIV/AIDS, 93% số xã, phường, thị trấn có người bị nhiễm HIV. Nếu từ năm 2008 – 2010, số người nhiễm HIV tăng cao thì nay số người nhiễm mới tuy có giảm, song lại có chiều hướng gia tăng ở đối tượng nghiện chích ma túy (NCMT), phụ nữ bán dâm (PNBD)…

Được biết, Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được tỉnh Thanh Hoá thực hiện từ năm 2009, và đã được triển khai sâu rộng từ tỉnh xuống đến 27 huyện thị,và 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 22 phòng khám ngoại trú đặt tại các bệnh viện đa khoa huyện và 19 xã có triển khai khám, cấp thuốc điều trị thuốc kháng virus ARV. Tại các điểm cung cấp dịch vụ này, phụ nữ mang thai khi đến khám thai sẽ được tư vấn, xét nghiệm HIV. Nếu phát hiện nhiễm HIV, phụ nữ mang thai (PNMT) được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng ARV từ tuần thai thứ 14.

Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đang quản lý tại các cơ sở có triển khai chương trình toàn diện, được hỗ trợ sữa ăn thay thế sữa mẹ, được điều trị dự phòng bằng ARV trong 4 tuần sau sinh. Trẻ còn được điều trị dự phòng các nhiễm trùng cơ hội và chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV bằng phương pháp xét nghiệm tìm kháng nguyên (PCR). Tất cả các dịch vụ này được cung cấp miễn phí.

Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền

Để giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với PNMT nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, ngành Y tế của tỉnh cũng tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con… giảm bớt nỗi đau và gánh nặng cho những phụ nữ đang sống chung và chịu ảnh hưởng bởi AIDS.

Mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV cho PNMT tại tuyến xã, sử dụng phương pháp lấy mẫu máu thuận tiện như lấy máu đầu ngón tay. Tăng cường hình thức xét nghiệm lưu động tại nơi có tình hình dịch cao, bảo đảm đủ test để xét nghiệm HIV cho PNMT, đặc biệt đối tượng có nguy cơ cao; tăng cường cơ chế phối hợp để chuyển gửi hiệu quả giữa cơ sở phát hiện PNMT nhiễm HIV với cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, bảo đảm PNMT nhiễm HIV được đồng thời chăm sóc thai nghén và điều trị bằng thuốc ARV...

Ông Lê Trường Sơn - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Việc xét nghiệm sớm HIV đối với phụ nữ mang thai rất quan trọng, nếu được phát hiện sớm và có phác đồ điều trị sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không có bất kỳ sự can thiệp nào để dự phòng là khoảng 36%, còn nếu người mẹ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng thuốc chống HIV ngay từ tuần thứ 28 thì khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con giảm xuống chỉ còn từ 2-5%”.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được triển khai bằng nhiều hình thức như truyền thông trực tiếp tại các buổi tập huấn, thảo luận, tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân, truyền thông lưu động. Đến nay đã có hơn 10.000 PNMT được tư vấn và xét nghiệm HIV quay lại lấy kết quả tại các cơ sở tư vấn và điều trị. Điều đáng nói là sau khi tham gia chương trình, tỷ lệ trẻ em sinh ra từ bà mẹ có HIV/AIDS bị nhiễm HIV thấp hơn nhiều so với số bà mẹ không được điều trị. Đặc biệt, các trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV được điều trị thông qua chương trình đều cho kết quả âm tính với HIV.

Thời gian tới, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Thanh Hóa tiếp tục tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV sớm ngay trong những tháng đầu của thai kỳ, giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”.

Giới thiệu địa chỉ các cơ sở cung cấp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẵn có tại địa phương; mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV cho PNMT tại tuyến xã, giúp các bà mẹ mang thai nhiễm HIV được phát hiện sớm để có biện pháp dự phòng kịp thời. Song song với đó là cung cấp dịch vụ can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, như đẩy mạnh công tác tư vấn xét nghiệm HIV cho PNMT, tư vấn và xét nghiệm HIV ngay từ lần đầu khi PNMT đến khám thai tại các cơ sở y tế. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hoá tiếp tục tăng cường hình thức xét nghiệm lưu động tại nơi có tình hình dịch cao, bảo đảm đủ test để xét nghiệm HIV cho PNMT, nhất là đối tượng có nguy cơ cao...

Tác giả: TƯỜNG LÂM

Nguồn tin: Báo Dân sinh

  Từ khóa: tình trạng , nhiễm HIV , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok