Trong tỉnh

Những quả “bom khí” giữa khu dân cư: Nhà máy chưa được cấp phép

Liên quan đến hoạt động của Nhà máy chiết nạp Oxygen, Nitrogen, Argon, Acetylene, Carbon - Chi nhánh Nghi Sơn, Thanh Hóa, thuộc Công ty TNHH Khí công nghiệp Việt Nam, theo khẳng định của lãnh đạo Sở Công Thương Thanh Hóa thì đơn vị này chưa được cấp phép hoạt động về lĩnh vực khí trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lữ Minh Thư, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Thông tin trên báo chí chúng tôi mới tiếp nhận. Tuy nhiên, trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành thì Sở Công Thương đã nắm lâu rồi”.

Theo lãnh đạo Sở Công thương Thanh Hóa, đơn vị này đã đi vào hoạt động từ lâu nhưng chưa được cấp phép

Theo ông Thư giải thích, sở dĩ chưa kiểm tra thực tế mà mới kiểm tra trên cơ sở thủ tục hành chính là vì vừa qua, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc tham gia ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 19 của Chính phủ về kinh doanh khí. Từ đó, Sở Công Thương Thanh Hóa đã tiến hành rà soát lại tất cả các cơ sở chiết nạp gas, các loại khí trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Tĩnh Gia có 3 doanh nghiệp, trong đó, có một doanh nghiệp hóa chất và một doanh nghiệp chiết nạp gas đã được Sở Công Thương và các Sở, ngành liên quan kiểm tra, xem xét các phương án phòng chống cháy nổ để được xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện.

Còn đối với Công ty TNHH Khí công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Nghi Sơn, Thanh Hóa, theo ông Thư khẳng định: Trước đây, nếu theo Nghị định 107 thì không thuộc đối tượng phải cấp phép. Nhưng theo Nghị định 19 của Chính phủ về kinh doanh khí thì đơn vị này thuộc đối tượng phải được Sở Công thương cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đơn vị trên chưa được cấp phép.

Những quả "bom khí" nằm giữa khu dân cư, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn

Trên cơ sở đó, theo lãnh đạo Sở Công Thương thì ngành sẽ có chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát lại. Đây là những mặt hàng kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao nên thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 19.

Liên quan đến trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương, theo ông Thư trước hết, nhà máy nằm trong Khu kinh tế Nghi Sơn thì trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp.

Về phía chính quyền địa phương vẫn chưa nắm được hoạt động của doanh nghiệp, ông Thư cho rằng, chính quyền địa phương còn thờ ơ, lỏng lẻo trong công tác quản lý.

Còn đối với vấn đề quản lý chuyên ngành của nhà nước về mặt hàng kinh doanh của lĩnh vực này thuộc trách nhiệm của Sở Công Thương. Trường hợp, đơn vị này thuộc đối tượng chi phối của Nghị định 19 thì phải được Sở xem xét cấp giấy phép. Không có giấy phép mà vẫn hoạt động thì thuộc trách nhiệm của Sở Công Thương, trong đó Chi cục Quản lý thị trường là đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành.

“Lực lượng Quản lý thị trường thực hiện thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực này. Nếu doanh nghiệp này hoạt động không có giấy phép thì thuộc trách nhiệm của Quản lý thị trường. Trong quá trình thực hiện, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh mà hoạt động kinh doanh có điều kiện, nếu không có giấy phép thì có chế tài để xử lý”, ông Thư cho biết thêm.

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, sẽ có văn bản chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường xuống kiểm tra ngay. “Kiểm tra thực tế mới nắm được doanh nghiệp có tuân thủ các quy định trong vấn đề quản lý khí công nghiệp hay không. Nắm bắt sơ bộ là anh không có giấy phép. Đương nhiên, kiểm tra mà thuộc đối tượng phải cấp phép mà không có phép thì phải chỉ đạo tạm dừng”, ông Thư khẳng định.

Dân trí sẽ tiếp tục phản ánh về vấn đề trên đến bạn đọc.

Tác giả: Duy Tuyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok