Giáo dục

Những hạn chế trong việc tuyển sinh - Nhìn từ một trường ĐH ở Thanh Hóa

Những năm gần đây, tỷ lệ tuyển sinh của Trường đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Thanh Hóa luôn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được giao...

Tuyển sinh đại học chính quy chưa đạt yêu cầu

Theo thông tin từ Phòng Quản lý đào tạo Trường đại học VH-TT&DL Thanh Hóa, năm 2019, nhà trường được giao 1.000 chỉ tiêu. Tuy nhiên, qua thực tế tuyển sinh từ 2 phương thức theo kết quả học THPT và kết quả kỳ thi THPT được gần 500 sinh viên và tuyển liên thông chính quy được gần 300 sinh viên.

Tuyển sinh đại học chính quy của Trường đại học VH-TT&DL Thanh Hóa chưa đạt yêu cầu.

Trong kỳ tuyển sinh năm 2020, nhà trường được giao gần 1.000 chỉ tiêu. Đến thời điểm này, theo Phòng Quản lý đào tạo, nhà trường mới tuyển sinh được hơn 100 thí sinh theo phương thức xét tuyển theo kết quả học THPT; còn theo phương thức sử dụng kết quả thi THPT có gần 400 hồ sơ đăng ký.

Tuy nhiên, theo đánh giá của TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường đại học VH-TT&DL Thanh Hóa thì thực tế, thí sinh nhập học sẽ thấp hơn nhiều so với con số đăng ký; thường số thí sinh nhập học chỉ đạt khoảng 50% số thí sinh đăng ký.

Trong đó, ngành sư phạm Mầm non và Du lịch là những ngành có thế mạnh của nhà trường có số thí sinh đăng ký vào học giảm đặc biệt cao. Trong khi đó, theo TS Nguyễn Văn Dùng thì nhu cầu thực tế của các ngành này là rất lớn.

Nguyên nhân ngành sư phạm Mầm non của nhà trường khó tuyển sinh theo TS Dũng là do yêu cầu cao (điểm xét tuyển theo kết quả học THPT là 24 điểm, còn theo phương thức sử dụng kết quả thi THPT là 18,5 điểm). Đây là ngành có điểm nhận đăng ký xét tuyển đầu vào cao nhất trong tất cả các ngành của Trường đại học VH-TT&DL Thanh Hóa.

Cũng theo TS Nguyễn Văn Dũng, trước đây ngành Du lịch của nhà trường rất đông thí sinh đăng ký theo học, nhưng những năm gần đây ngày càng giảm do nhu cầu học ngày càng đa dạng, người học lựa chọn các trường nghề.

Trong thời gian qua, nhà trường đã quảng bá, tổ chức hội nghị hiệu trưởng các trường THPT; có chính sách miễn giảm học phí học kỳ đầu tiên cho sinh viên có điểm đầu vào từ 21 điểm trở lên…

Tuy nhiên, qua đánh giá kết quả đạt được cũng như hạn chế và nguyên nhân trong hoạt động đào tạo thì tuyển sinh đại học chính quy chưa đạt yêu cầu, mới chỉ đạt gần 30% chỉ tiêu; nhiều ngành học số lượng tuyển sinh ít và sụt giảm. Thậm chí, có ngành học không có sinh viên buộc phải đóng ngành như Hội họa.

Nguyên nhân được đưa ra là nhiều ngành học xã hội không có nhu cầu, thí sinh chuyển hướng học nghề hơn là học đại học; nhiều trường đại học, cao đẳng có cùng ngành, học sinh có nhiều lựa chọn.

Theo đánh giá của Phòng Quản lý đào tạo, đội ngũ giảng viên có vai trò quyết định đến chất lượng đào tạo. Trong nhiều năm qua, đội ngũ giảng viên nhà trường đã được tăng cường về số lượng và có bước tiến rõ rệt về chất lượng. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như thiếu về số lượng, giảng viên trực tiếp lên lớp mỏng (chưa đạt 10 giảng viên/ngành đào tạo); giảng viên giảng dạy có chuyên môn tốt được điều động làm cán bộ quản lý; giảng viên kiêm nhiệm nhiều.

Bên cạnh đó, thiếu về chất lượng, khi toàn trường có 600 học phần/17 ngành đại học, 1 ngành cao học, do vậy mỗi giảng viên phải dạy từ 2- 3 học phần (thậm chí 4 học phần), khiến chất lượng không đảm bảo, đặc biệt một số ngành mới.

Giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên vẫn còn thấp (chưa đạt 20%), nhà trường vẫn phải hợp đồng Tiến sĩ đứng ngành để đủ điều kiện đào tạo.

Đội ngũ giảng viên trẻ, độ tuổi trung bình của giảng viên là 35 tuổi (chiếm hơn 70%), chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học…

Giảm thời lượng lý thuyết, tăng thời lượng thực hành

Từ thực tế tuyển sinh ngày sụt giảm, giải pháp được đưa ra là tiếp tục công tác thông tin, quảng bá tuyển sinh chính quy. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của nhà trường, gắn trách nhiệm tuyển sinh với các khoa chuyên môn và từng giảng viên; đa dạng hóa công tác quảng bá tuyển sinh, trong đó làm việc với cán bộ tuyển sinh của các trường THPT trên địa bàn.

Đến năm 2025, nhà trường phải đạt 25% giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên (Ảnh Websile Trường đại học VH-TT&DL Thanh Hóa).

Chú trọng quảng bá những ngành học mà xã hội có nhu cầu lớn, ngành học mũi nhọn như: Quản trị khách sạn, Du lịch, Giáo dục Mầm non, Thanh nhạc; tiếp tục linh hoạt tuyển sinh chính quy, liên thông chính quy đảm bảo theo quy định, quy chế.

Về nâng cao chất lượng đào tạo, giảng viên phải tích cực tự đào tạo, tự nghiên cứu, ưu tiên, tạo điều kiện cho giảng viên học nghiên cứu sinh; ưu tiên cho giảng viên có trình độ Tiến sĩ làm Phó giáo sư, Giáo sư. Đến năm 2025, nhà trường phải đạt 25% giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên.

Phải ưu tiên giảng viên dạy các lớp chính quy trong trường để nâng cao chất lượng, hạn chế dạy ngoài trường và giảm giờ dạy đối với giảng viên là trưởng khoa, phòng, trung tâm…

Các khoa/bộ môn cần tiếp tục rà soát, bổ sung, chỉnh sửa chương trình đào tạo, trong đó nhất thiết phải giảm thời lượng lý thuyết, tăng thời lượng thực hành (tỷ lệ 50/50) để người học sau tốt nghiệp thích ứng với nghề nghiệp; chương trình đào tạo tăng hệ thống học phần tự chọn để tạo tính linh hoạt, chủ động cho người học; khi xây dựng chương trình đào tạo cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, cơ quan sử dụng lao động thuộc ngành/chuyên ngành.

Ngoài ra, tăng cường kiểm soát chặt chẽ giờ dạy, lịch dạy, kỷ cương lên lớp; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý đào tạo để cán bộ giảng viên, học sinh, sinh viên truy cập thông tin của cá nhân và nhà trường; rà soát, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ lưu trữ đảm bảo theo quy định, phục vụ công tác quản lý đào tạo và kiểm định...

Tác giả: Duy Tuyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok