Giáo dục

Nhiều tranh cãi về nhân sự trong hội đồng trường

Góp ý dự Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, nhiều đại biểu dồn sự quan tâm đến việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, thành viên của hội đồng trường bởi việc này cũng liên đới đến việc bầu hiệu trưởng, quyết định chiến lược và kế hoạch phát triển của các cơ sở.

Tại cuộc họp diễn ra chiều 5/12, ban soạn thảo cũng xin ý kiến ở khoản 2 mục d Điều 16 với 2 phương án chọn về nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường. Phương án 1 là hội đồng trường sẽ tổ chức thực hiện quy trình bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng trình Bộ GD-ĐT công nhận và phương án 2 là trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các trường đại học, học viện phía Bắc. Ảnh: Thanh Hùng.

Ông Đào Văn Đông, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải nghiêng về phương án 2 bởi theo ông điều này đảm bảo nếu sau này không còn cơ chế bộ chủ quản thì vẫn áp dụng được.

Theo ông Đông, với hội đồng trường không nên quy định “cứng nhắc” với các thành viên trong trường là có 1 phó hiệu trưởng.

“Cần xem xét thực tế rằng 1 trường thường có 2 đến 3 phó hiệu trưởng. Mỗi người thường được hiệu trưởng giao phụ trách một số lĩnh vực nhất định. Trong khi thành viên hội đồng trường cần sâu về từng lĩnh vực để góp ý xây dựng định hướng, chiến lược phát triển. Nếu giả sử chỉ lấy 1 phó hiệu trưởng thiên về đào tạo thì mảng tài chính hay khoa học công nghệ lại hụt,…”. Do đó, ông Đông cho rằng nên thay bằng quy định hội đồng trường có ít nhất 1 phó hiệu trưởng.

Về điều này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) lý giải: “Dự thảo đưa ra 1 phó hiệu trưởng nhằm mục đích để bộ máy của hội đồng trường không trùng với bộ máy quản lý hành chính của hiệu trưởng. Nó là cơ quan quyền lực chứ không phải cơ quan điều hành. Do đó chỉ cần 1 hiệu trưởng và 1 phó hiệu trưởng tham gia mà thôi”.

Ông Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) thì cho rằng việc đưa vào dự thảo nhiệm vụ và quyền hạn cho hội đồng trường “quyết nghị chủ trương về thu, chi tài chính; mua sắm tài sản thiết bị hằng năm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để phát triển nhà trường” là chưa hợp lý.

“Công việc đó dành cho hội đồng trường tôi nghĩ là không thực sự cần thiết. Theo tôi, chỉ nên dừng ở việc thông qua kế hoạch tài chính hàng năm và báo cáo quyết toán tài chính hằng năm là đủ rồi”.

Ông Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội cũng đồng tình phương án 2 vì cho rằng nếu việc bầu hiệu trưởng trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận thì sẽ thuận lợi hơn.

“Bởi như trường chúng tôi, nếu chỉ trình Bộ GD-ĐT thôi thì vai trò của Bộ chủ quản như thế nào? Nếu sau này cơ chế bộ chủ quản xem xét lại thì việc này cũng giúp dễ khắc phục hơn sau này về luật”

Đồng tình với ông Nội, ông Thi cho rằng vai trò của hội đồng trường là về mặt định hướng, chiến lược phát triển thay vì quyết định đến từng việc mua sắm gì. “Hội đồng trường theo tôi chỉ nên có nhiệm vụ là định hướng và thông qua tất cả những chiến lược phát triển, chủ trương chính, chứ không phải vai trò là can thiệp quá sâu vào những việc hành chính “hậu cần”.

Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng việc sửa đổi luật cần chuẩn bị chu đáo, mang tính chiến lược và đảm bảo khi ban hành ra không chỉ chặt chẽ mà còn phải có tính thực tiễn, khả thi.

Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thanh Hùng.

Bà Lan cũng thẳng thắn cho rằng nếu hội đồng trường muốn mạnh lên thì vai trò bộ chủ quản phải giảm đi.

“Tiêu chuẩn người được bầu làm chủ tịch hội đồng trường cũng phải đạt được tầm nào đó chứ không thể chỉ chung chung có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học 5 năm. Cấp bộ môn, cấp khoa hay cấp trường? Tôi nghĩ cần ít nhất như trải qua 1 nhiệm kỳ hiệu trưởng hoặc ban giám hiệu thì tầm nhìn mới vĩ mô được”, bà Lan nói.

Theo bà, nếu quy định chung chung sẽ không chọn được con người dẫn đến hội đồng cũng không thực hiện được hoặc sẽ không có quyền lực.

Đại diện một trường đại học khác cũng nói "Nếu không đủ phẩm chất để hoạch định chính sách phát triển của trường đại học thì không nên đưa vào hội đồng trường”.

Trường ĐH Hàng hải Việt Nam là một trong số ít có hội đồng trường rất sớm nhưng đến nay vai trò thực chất của hội đồng trường vẫn chưa rõ ràng.

Ông Nguyễn Khắc Khiêm, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: "Khi họp để ra quyết sách cuối cùng thì hiệu trưởng và bí thư Đảng ủy vẫn là người quyết định”.

Ông Khiêm cũng đặt ra băn khoăn liệu có mâu thuẫn khi luật giáo dục nêu ra việc hội đồng trường sẽ bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng nhưng hiện nay rất nhiều bộ ngành đã tiến hành thi chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó.

Trước nhiều tranh luận về sự xuất hiện của sinh viên trong hội đồng trường, bà Lê Minh Thắng, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng nếu khuyết vị trí đại diện sinh viên trong hội đồng trường thì sẽ dẫn đến nhiều bất lợi, thậm chí rất khó để vượt qua được kiểm định quốc tế.

Kiến nghị giảm thành viên ngoài trường

Ông Trương Huy Hoàng, Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực cho rằng một hội đồng trường có nhiều thành viên từ bên ngoài thì độ sâu sát với trường không thể như các thành viên trong trường.

Ông Trương Huy Hoàng, Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực. Ảnh: Thanh Hùng.

Nếu chúng ta để hội đồng trường phải phê duyệt cả những việc thu chi, mua sắm,… thì sẽ phải có một ban bệ để xem xét được những báo cáo đó, như vậy hội đồng trường sẽ “phình” lên rất lớn.

Đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học cho rằng quy định thành viên bên ngoài trường chiếm tỷ lệ tối thiểu 30% tổng số thành viên hội đồng trường là hơi cao.

Ông Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội nói: “Các đại diện từ bên ngoài vào họ có thể nắm chuyên môn của họ nhưng nếu nói về quy trình, tổ chức đào tạo thì không chắc. Chúng ta cần họ để hiểu nhu cầu thực tế của xã hội trong lĩnh vực đó nhằm đưa ra kế hoạch đào tạo, nhưng để tốt hơn cho việc đưa ra những quyết định chiến lược phát triển cơ sở thì tôi nghĩ nên chỉ quy định ở mức tối thiếu 20%. Trong trường hợp cơ sở muốn bổ sung thêm thì vẫn có “độ mở”.

Theo ông Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), để xác định rõ vai trò của hội đồng trường thì tỷ lệ cán bộ giảng viên các bộ môn, các khoa phải được tăng lên, thay vì nâng số lượng thành viên bên ngoài lên tối thiểu 30%.

“Các thành viên bên ngoài trường nếu chiếm tối thiểu 30%, tức là gần 1/3, tôi cho là quá nhiều nhiều và tôi nghĩ hợp lý chỉ nên quy định tối thiểu 20%. Hội đồng trường bám sát các hoạt động, mục tiêu của nhà trường và thậm chí đề xuất các hoạt động rất cụ thể của nhà trường trong từng năm một. Bởi vậy số lượng các cán bộ, giảng viên trong các khoa, bộ môn cần tăng lên chứ không chỉ như dự thảo đưa ra là chỉ tối thiểu 25% tổng số thành viên”.

Ông Đào Văn Đông cũng cho rằng nên chỉ để con số ở mức tối thiểu 20%: “Bởi có các doanh nghiệp bên ngoài là rất tốt nhưng những quy định sẽ gây khó khăn cho các trường khi muốn tìm kiếm đối tác để tham gia vào hội đồng trường”.

Đại diện một trường đại học chia sẻ thực tế: “Ở Việt Nam rất ít doanh nghiệp có thể dành thời gian để tham gia vào các hoạt động khoa học cụ thể. Chúng tôi cũng đã có hội đồng trường được 1 năm nhưng qua 3 lần họp thì thực sự là vẫn không mời được doanh nghiệp. Đây là một khó khăn, nên con số 30% tôi nghĩ nên giảm xuống 20%”.

Trước các ý kiến cho rằng thành viên của hội đồng trường có tỷ lệ tối thiểu 30% là bên ngoài trường là quá cao, bà Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT) cho hay: “Nếu tham khảo luật cũng như thực tế ở những trường có hội đồng trường phát triển ở các nước phát triển thì có khoảng 50-60% từ thành viên bên ngoài, họ sẽ là những người mang những định hướng thị trường vào để trường phát triển đúng với cơ chế thị trường”.

Tuy nhiên, bà Phụng cho hay Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Tác giả: Thanh Hùng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok