Kinh tế

Nhiều lao động phải làm thêm giờ, tăng ca vượt quy định

Thực tế những năm qua ở nhiều doanh nghiệp, người lao động (NLĐ) đã phải tham gia làm thêm, tăng ca vượt quy định, thậm chí đến 500-600 giờ/năm. Do vậy, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị, việc xem xét tăng thời giờ làm thêm phải đặt trong mối quan hệ với các yếu tố khác như việc làm, thất nghiệp, sức khỏe của NLĐ…

Ngày 3/6, tại Hà Nội, Hội nghị phản biện dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa.

Lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì Hội nghị phản biện

Phản biện dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), TS Nguyễn Quang Minh - Trưởng Ban dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, dự thảo có nhiều quy định liên quan đến việc bảo đảm quyền lợi của NLĐ nhưng không có tính khả thi, do chưa tính đến yếu tố bất bình đẳng và chịu chi phối trong quan hệ lao động giữa một bên là người sử dụng lao động (thường là ở thế mạnh) và một bên là NLĐ (thường là ở thế yếu, phụ thuộc), nên đã thể hiện theo hướng cho hai bên tự thỏa thuận.

Theo đó, ông Minh đề nghị rà lại tất cả các quy định mang yếu tố thỏa thuận giữa hai bên, những quy định nào cần thiết phải quy định là quyền, quyền lợi của NLĐ bắt buộc phải bảo vệ thì cần quy định lại rõ theo hướng là quyền của NLĐ và trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động.

Góp ý vào vấn đề làm thêm giờ, bà Đàm Thị Vân Thoa - Phó Ban chính sách - pháp luật Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất, việc tăng giờ làm thêm cần tính toán kỹ tác động đối với NLĐ, nhất là lao động nữ, lao động ở những ngành nghề nặng nhọc, vì họ cần thời gian để tái tạo sức lao động, nghỉ ngơi, chăm lo gia đình. Chính vì vậy, Luật cần quy định rõ những ngành nghề nào được làm thêm giờ cũng như quy định rõ cách tính lũy tiến tiền làm thêm giờ, bảo đảm NLĐ phải được bảo đảm quyền lợi khi làm thêm.

Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu phản biện

Qua thu thập ý kiến từ phía NLĐ, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, phần lớn NLĐ không mong muốn mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm so với quy định hiện tại, mà đề xuất cần tập trung các giải pháp để nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho NLĐ. Một bộ phận đồng ý tăng thời gian làm thêm vì thu nhập còn quá thấp hoặc do nhà trọ chật hẹp, nóng bức, muốn tiếp kiệm tiền điện nên chấp nhận làm thêm.

Thực tế những năm qua ở nhiều doanh nghiệp, NLĐ đã phải tham gia làm thêm, tăng ca vượt quy định, thậm chí đến 500-600 giờ/năm. Do vậy, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị, việc xem xét tăng thời giờ làm thêm phải đặt trong mối quan hệ với các yếu tố khác như việc làm, thất nghiệp, sức khỏe của NLĐ, môi trường làm việc, an toàn lao động, tổng số giờ làm chính thức của NLĐ, các vấn đề về xã hội… và cả xu hướng tiến bộ của thế giới hiện nay (giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ ngơi).

“Việc tăng giờ làm thêm phải tính toán trong mối tương quan với thời giờ làm việc chính thức, đảm bảo tái tạo kịp thời sức lao động cho NLĐ. Hiện nay, quy định về thời giờ làm việc chính thức của Việt Nam rất cao (48 giờ/tuần, mức cao nhất trong khuyến nghị về thời giờ làm việc hàng tuần của ILO và là mức cao nhất trên thế giới), trong khi hầu hết các nước đang duy trì 40 giờ hoặc 35 giờ/tuần, số ngày nghỉ lễ, tết còn ít so với các nước trong khu vực và thế giới”, ông Lê Đình Quảng phản biện.

Cũng theo đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, thực tế cho thấy, tăng thời giờ làm thêm tỷ lệ thuận với lợi ích người sử dụng lao động thu được. Trong khi, NLĐ làm ngoài giờ tuy có tăng thu nhập nhưng phải đối diện với nhiều chi phí phát sinh và nguy cơ tai nạn lao động, quấy rối, bạo hành, như: Chi phí trông con nhỏ ngoài giờ (có nơi 10.000 đồng/giờ trông trẻ ngoài giờ); chi phí tái tạo sức lao động; nguy cơ bị hành hạ, ngược đãi từ người quản lý do áp lực công việc; nguy cơ bị quấy rối do phải đi làm vào buổi tối, đặc biệt là với lao động nữ…

Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này gồm 17 chương, 221 điều, sửa đổi 171 điều trong tất cả các chương và có liên quan đến 14 chính sách lớn, là sự sửa đổi toàn diện Bộ luật Lao động 2012, là vấn đề rất được người dân quan tâm.

Với vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, MTTQ Việt Nam trong những năm qua đã tổ chức nhiều hội nghị phản biện xã hội với sự tham gia, đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, những nhà hoạt động thực tiễn, đại diện các tổ chức, thể hiện ý chí, nguyện vọng, trí tuệ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định trên cơ sở ghi nhận ý kiến của đại diện NLĐ, người sử dụng lao động, các chuyên gia, nhà khoa học, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp gửi tới Ban soạn thảo để có thêm thông tin, ý kiến trong các tầng lớp nhân dân đối với những nội dung sửa đổi, nhất là những vẫn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội, từ đó tạo sự đồng thuận, tính khả thi của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trong thực tiễn cuộc sống.

Cần phải lắng nghe ý kiến trực tiếp từ NLĐ

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, với trách nhiệm của mình, Công đoàn Việt Nam đã tổ chức nhiều hình thức lấy ý kiến NLĐ và mong muốn chuyển tải ý kiến đến Ban Soạn thảo.

Pháp luật là ý chí, nguyện vọng của nhân dân nên cần phải lắng nghe ý kiến trực tiếp từ NLĐ nhiều hơn. Chỉ có như vậy, Bộ luật mới mang tính khả thi, có tuổi thọ dài, khắc phục tình trạng nhiều luật có đời sống rất ngắn.

Tác giả: B.D

Nguồn tin: Báo Lao động thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok