Kinh tế

Nhiều dự án ngành Công Thương vẫn ngập trong nợ

Tổng nợ của 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương đến hết tháng 6/2019 là hơn 20.060 tỷ đồng.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa thừa uỷ quyền Chính phủ gửi tới Quốc hội báo cáo về tình hình 12 dự án yếu kém, thua lỗ sau hơn một năm xử lý. Theo báo cáo này, hai trong số 12 dự án đã có lãi trở lại là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng và Nhà máy thép Việt Trung, lần lượt 7,3 tỷ đồng và 271 tỷ. Tuy nhiên, thị trường khó khăn từ đầu năm khiến các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của 2 dự án này giảm so với cùng kỳ 2018.

Do xử lý được cơ bản những tồn tại, sản xuất có lãi trở lại, Chính phủ đề xuất đưa dự án DAP số 1 Hải Phòng ra khỏi danh sách các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Cũng theo báo cáo, 2 trong số 3 dự án phân bón của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã khôi phục lại sản xuất từ giữa năm 2018, nhưng vẫn chưa hết khó khăn. Cụ thể, Nhà máy Đạm Hà Bắc lỗ 342 tỷ đồng, tăng lỗ gần 139 tỷ so với cùng kỳ 2018. Quá trình vận hành dự án đạm Hà Bắc, hệ thống thiết bị đã xảy ra nhiều sự cố, tuy không lớn, chi phí sửa chữa không nhiều nhưng phải ngừng toàn bộ hệ thống, tốn thời gian vận hành và chi phí chạy thử (10 tỷ đồng một lần).

Còn Nhà máy Đạm Ninh Bình sau khi vận hành trở lại vào đầu 2017 thì đến năm 2018 chỉ chạy máy 117 ngày, tạm dừng 7 lần do sự cố, trong đó lần kéo dài nhất 3,5 tháng. Tám tháng năm nay, đạm Ninh Bình vẫn lỗ hơn 400 tỷ đồng.

Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai lỗ gần 209 tỷ, tăng lỗ 94 tỷ đồng.

Một góc Nhà máy đạm Ninh Bình. Ảnh: Anh Tú

Một góc Nhà máy đạm Ninh Bình. Ảnh: Anh Tú

Trong nhóm dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), dự án xơ sợi Đình Vũ (PVtex) sau khi vận hành trở lại vẫn không thoát cảnh thua lỗ. Đơn vị này ghi nhận lỗ hơn 340 tỷ đồng tính đến hết tháng 8/2019, tăng lỗ trên 138 tỷ so với cùng kỳ 2018. Khó khăn PVTex vấp phải vẫn là do giá nguyên liệu đầu vào tăng, thị trường đầu ra khó. Luỹ kế đến hết tháng 8, PVTex lỗ hơn 5.100 tỷ đồng, tổng nợ phải trả khoảng 7.806 tỷ.

Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất lỗ luỹ kế hơn 3.841 tỷ đồng, tăng lỗ 1,4%. Tổng nợ phải trả của dự án này hơn 6.918 tỷ.

Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi lỗ luỹ kế 983.70 tỷ, tăng lỗ 14,8%, tổng nợ 1.304,90 tỷ.

Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước lỗ luỹ kế 1.396,64 tỷ, tổng nợ 1.842,97 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ phải trả của dự án nhà máy bột giấy Phương Nam đến 31/8/2019 là hơn 3.059 tỷ. Sau thất bại đấu giá lần đầu, phương án xử lý tổng thể dự án này đang được Tổng công ty Giấy Việt Nam trình Thủ tướng phương án xử lý tổng thể, trong đó gồm phương án bán đấu giá lần 2.

Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra loạt khó khăn, vướng mắc của các dự án này. Khó khăn lớn nhất là hai phần ba dự án thua lỗ chưa xử lý được tranh chấp quyết toán hợp đồng EPC, khiến các dự án chưa thể quyết toán, chưa có cơ sở để xác định giá trị dự án, doanh nghiệp thoái vốn. Có dự án không thể dàn xếp được và phải giải quyết tranh chấp tại toà hoặc trọng tài quốc tế. Điển hình nhất là 3 dự án phân bón của Vinachem, gồm Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai.

Ngoài ra, số dự án này còn vấp phải vấn đề tài chính. Chính phủ khẳng định nguyên tắc "không rót thêm vốn xử lý số dự án này", nên quá trình xử lý cổ đông Nhà nước lúng túng trước quyết định góp thêm vốn hay không để có nguồn lực tài chính cho các dự án này.

Một số dự án, đặc biệt là các dự án sản xuất phân bón của Vinachem gặp khó khăn về vay vốn lưu động để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh do các ngân hàng thương mại áp dụng cho vay vốn theo phương thức "thu về 10 phần và chỉ cho vay lại 9 phần", dẫn đến thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh và làm giá thành nguyên liệu tăng cao.

Bên cạnh đó, một số dự án, doanh nghiệp chưa được giãn khấu hao và tái cơ cấu lại các khoản nợ vay nên tiếp tục khó khăn trong bố trí nguồn tài chính để xử lý các tồn tại, vướng mắc và sắp xếp vốn lưu động cho sản xuất, kinh doanh.

Một khó khăn khác được Chính phủ đề cập, là quá trình thoái vốn Nhà nước. Chính phủ cho biết, nhiệm vụ quan trọng nhất thời gian tới là xử lý vướng mắc, tranh chấp ở các hợp đồng EPC. Xử lý được vướng mắc này sẽ là cơ sở xử lý dứt điểm việc quyết toán hoàn thành dự án và các vấn đề khác liên quan.

Tác giả: Anh Minh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok