Trong tỉnh

Nhiều bất cập trong thực hiện công tác dân số ở Thanh Hóa

Công tác dân số ở Thanh Hóa trong những năm qua đạt được một số kết quả khả quan. Nhưng hiện đang tồn tại những bất cập, có những chỉ tiêu không đạt như: không đạt mức sinh thay thế, tỷ suất sinh còn chênh lệch nhiều giữa các vùng miền, tỷ lệ sinh con thứ ba có chiều hướng gia tăng...

Cán bộ dân số tuyên truyền, tư vấn về dân số, kế hoạch hóa gia đình tại xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh.

Thanh Hóa hiện là tỉnh đông dân thứ ba của cả nước, diện tích rộng, địa hình phức tạp. Toàn tỉnh có tới 11 huyện miền núi, giao thông đi lại khó khăn… là một trong những thách thức cho việc cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cho người dân. Khó khăn là vậy, nhưng những năm qua, công tác dân số vẫn đạt được một số kết quả khả quan như: từng bước khống chế được tốc độ gia tăng dân số; quy mô dân số gia đình hai con cơ bản được xã hội chấp nhận; chuyển từ cơ cấu dân số trẻ sang cơ cấu dân số vàng, chất lượng dân số từng bước được nâng lên góp phần đáng kể vào việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn. Tỷ lệ tử vong mẹ giảm đều hằng năm. Hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh được chú trọng, đến nay đã có 30% số bà mẹ mang thai và 60% số trẻ em sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp các bệnh bẩm sinh.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa Nguyễn Bá Cẩn, tuy đạt được những kết quả nêu trên, song công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn nhiều hạn chế, bất cập. Kết quả giảm sinh chưa bảo đảm được tính bền vững, tỷ suất sinh còn cao và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tăng sinh trở lại. Chưa phát huy được lợi thế cơ cấu dân số vàng. Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên vẫn ở mức cao và có chiều hướng gia tăng; số con trung bình của một phụ nữ trong tuổi sinh đẻ còn cao (2,54 con/phụ nữ). Đáng chú ý, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở nhóm cao trong cả nước (115 trẻ trai/100 bé gái); tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, tâm lý, tập quán muốn có đông con và phải có con trai để nối dõi tông đường còn rất nặng nề, nhất là ở vùng biển, miền núi... Địa phương chưa có phương án thích ứng đối với già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Vấn đề sức khỏe sinh sản cho nhóm dân cư yếu thế như: người dân tộc thiểu số, vị thành niên, thanh niên, người di cư, người khuyết tật... chưa được giải quyết tốt; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao.

Lý giải cho những chỉ số chưa đạt được, lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa cho rằng, là do một số cấp ủy, chính quyền buông lỏng quản lý, chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được; chưa nhận thức đầy đủ về công tác dân số và phát triển. Đáng chú ý, đến nay các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, kế hoạch triển khai đã được phê duyệt, ban hành nhưng hiệu lực thi hành yếu; thậm chí không triển khai được do chưa được sự quan tâm và đầu tư đúng mức. Mặt khác, nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn hạn chế, nhất là tuyến xã, thôn, bản (giai đoạn 2016 - 2020 giảm hơn 60% với giai đoạn trước 2011 - 2015) dẫn đến khó triển khai nhiều hoạt động chuyên môn. Công tác phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Hệ thống cơ quan chuyên trách dân số - KHHGĐ ở cấp xã và thôn, bản còn bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ. Sau sáp nhập tổ chức bộ máy làm công tác dân số thiếu ổn định, chưa phủ kín toàn bộ địa bàn xã và thôn.

Để công tác dân số của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới khắc phục được hạn chế, bất cập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền cho biết: Sẽ tăng cường chỉ đạo hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền. Nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội. Lồng ghép nội dung công tác dân số và phát triển vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kiện toàn, ổn định bộ máy làm công tác dân số và phát triển ở các cấp; nhất là tuyến xã và thôn, bản nhằm bảo đảm đủ mạnh để thực hiện các nhiệm vụ về dân số và phát triển. Xây dựng và hoàn thiện các quy định, chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ làm công tác dân số và phát triển. Kiện toàn ban chỉ đạo dân số và phát triển các cấp; nâng cao năng lực hoạt động, vai trò phối hợp liên ngành; huy động toàn xã hội tham gia công tác dân số và phát triển. Đáng chú ý, sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi; tăng cường đầu tư cho dịch vụ dân số - KHHGĐ; nâng cao chất lượng dân số và giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến cơ cấu dân số...

Năm 2020, theo Nghị quyết số 232/2019/NQ-HĐND tỉnh Thanh Hóa thì không còn chức danh cán bộ dân số xã. Hiện Ban chỉ đạo thực hiện công tác dân số ở các địa phương đã tạm giao nhiệm vụ công tác dân số cho một cán bộ tại xã (không có chuyên môn về dân số ) phụ trách. Còn 139 trong tổng số 559 xã chưa có người phụ trách. Tại thôn, bản, tổ dân số thì nhiệm vụ của cộng tác viên dân số sẽ được y tế thôn, bản kiêm nhiệm, tuy nhiên tại các tổ dân số không có nhân viên y tế thì đồng nghĩa với việc cũng không có cán bộ hay công tác viên dân số.

Tác giả: Thanh Mai

Nguồn tin: Báo Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok