Trong tỉnh

Nhà máy nước 80 tỷ khởi công 4 năm rồi bỏ hoang

Nhà máy nước sạch ở xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) vẫn dang dở, người dân trong vùng thấp thỏm nỗi lo nguồn nước trên địa bàn bị ô nhiễm.

Dự án nhà máy nước sạch bị dang dở do đói vốn

Được đầu tư trên 80 tỷ đồng, nhưng sau 4 năm khởi công, đến nay Nhà máy nước sạch ở xã Cẩm Vân (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) vẫn dang dở, trong khi người dân trong vùng thấp thỏm nỗi lo nguồn nước trên địa bàn bị ô nhiễm.

Dở dang vì “đói” vốn

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trương Công Hòa, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân cho biết: Sau khi vụ việc Công ty Nicotex Thanh Thái chôn trộm thuốc sâu dưới lòng đất bị phát hiện xử lý thì UBND tỉnh đã có quyết định đầu tư dự án nhà máy nước sạch cung cấp nguồn nước sạch cho bà con nhân dân 3 xã. Theo kế hoạch thì dự án sẽ xong vào năm 2018, nhưng đến nay nhiều hạng mục, công trình bị bỏ giữa chừng, không được xây dựng tiếp do thiếu vốn. Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân cũng đã kiến nghị và xã cũng đã đề nghị với huyện xem xét trình UBND tỉnh có chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đầu tư xây dựng.

Năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Dự án nhà máy cấp nước sạch với tổng mức đầu tư là 80,03 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng trên diện tích 4,5ha thuộc địa phận xã Cẩm Vân vào năm 2015 và dự kiến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành.

Mục tiêu của dự án nhằm đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho hơn 20.000 người dân thuộc 3 xã Cẩm Vân, xã Cẩm Tâm (huyện Cẩm Thủy) và xã Yên Lâm (huyện Yên Định). Tuy nhiên, khi khối lượng xây dựng đạt được gần 60% thì tháng 4/2017, dự án bất ngờ dừng hoạt động do thiếu vốn, nhà thầu đã rút sạch máy móc, thiết bị, để lại một công trình ngổn ngang.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông ngày 10/8, dự án nhà máy nước sạch nằm trên địa phận thôn Tiên Lăng, xã Cẩm Vân chỉ mới xây dựng được 3 khu nhà điều hành, bể chứa, hồ chứa nhưng đều dang dở. Những tấm bê tông nhỏ vương vãi, trong và ngoài các khu nhà cỏ mọc rậm rạp; đường ống vứt chỏng chơ… Trên các tuyến đường giao thông, nhà thầu thi công sau khi cào bóc mặt đường để chôn ống dẫn nước vẫn chưa thảm trả lại nguyên trạng, gây bụi bặm.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Thanh Hóa, dự án này được UBND tỉnh cho phép gia hạn tới ngày 30/10/2019. Tuy nhiên, hiện tiến độ thực hiện mới đạt khoảng 57,2%, không đáp ứng được kế hoạch đề ra do khó khăn về nguồn vốn. Hiện nay, tổng số vốn mới giải ngân được 43 tỷ đồng. Ngoài ra, các nhà thầu cũng bị vướng không có mặt bằng triển khai thi công tuyến ống chính và tuyến ống dịch vụ, các hạng mục điện.

Phập phồng nỗi lo nguồn nước nhiễm độc

Đoạn ống nước đấu đến cửa nhà bà Lê Thị Sỹ, thôn 1, xã Cẩm Vân hơn 1 năm nay nhưng nhà bà vẫn chưa có nước

Bà Lê Thị Sỹ (63 tuổi, ngụ ở thôn 1 Đồi Vàng, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy) chia sẻ, khi thấy có dự án nước sạch, trưởng thôn đã đến từng hộ dân để các hộ đăng ký. Đường ống dẫn nước thì đã kéo tới cửa nhà từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa thấy nước đâu. “Bà con chúng tôi tha thiết được có nước sạch để không phải dùng nước giếng khoan nữa. Bởi ngoài việc phải vất vả khoan sâu tìm nguồn nước, bà con ở đây còn lo ngại khi sử dụng nguồn nước giếng khoan, bởi trước kia ở xã kế bên có Công ty CP Nicotex Thanh Thái chôn thuốc trừ sâu xuống đất”, bà Sỹ nói.

Tìm hiểu được biết, trước đó vào năm 2013, hàng trăm người dân ở xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm và Yên Lâm đã mật phục bắt quả tang Công ty CP Nicotex Thanh Thái (đóng trên địa bàn xã Cẩm Vân) đã chôn và tẩu tán hàng chục tấn thuốc trừ sâu dưới lòng đất. Sự việc sau đó được cơ quan công an vào cuộc làm rõ. Kết quả phân tích đã phát hiện có rất nhiều chỉ tiêu vi phạm quy định, có những chỉ tiêu cao gấp hàng nghìn lần tiêu chuẩn cho phép như: Chất Cypermethrin (thuốc trừ sâu độc nhóm 2), vượt mức cho phép 9.276 lần; chất Isoprothiolane (thuốc trừ bệnh độc nhóm 2), vượt mức cho phép 37,8 lần; chất Petacyperthrin vượt cho phép 7.710 lần; chất Fenoucard vượt 60 lần so với quy định…

Chỉ tay về phía khu Nhà máy Nicotex Thanh Thái, chị Nguyễn Thị Nguyệt (48 tuổi, Thôn 5, xã Cẩm Vân) lo lắng: “Nhà chúng tôi ở cách không xa khu nhà máy này, lo lắm khi vẫn phải lấy nước giếng khoan từ lòng đất đã bị chôn chất độc hại. Chúng tôi ngóng trông nhà máy nước sạch được hoàn thành từng ngày, từng giờ”.

Tác giả: Phúc Tuấn

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok