Giáo dục

Nguyên hiệu trưởng nói về vụ tiếp nhận 11 học sinh trước ngày nghỉ hưu

Nguyên hiệu trưởng THPT Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá, Kiên Giang) cho rằng tiếp nhận học sinh chuyển trường là bình thường khi phụ huynh có nhu cầu và đã được thông qua "bộ tứ".

Ngày 17/1, ông Nguyễn Xuân Phượng, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trung Trực (TP Rạch Giá, Kiên Giang), cho biết trước khi nghỉ hưu, ngày 29/12/2018, ông có ký danh sách tiếp nhận 11 học sinh của 6 trường chuyển vào một số lớp của khối 10. Đây là việc làm được ông Phượng cho là thường xuyên và không có gì mờ ám, bởi danh sách có tên người xin rất rõ ràng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết đã tạm dừng việc chuyển trường đối với 9 học sinh vì chưa đúng quy định. Hai em còn lại đã hoàn thiện hồ sơ chuyển trường, sở tạo điều kiện cho học tại THPT Nguyễn Trung Trực.

Vợ phó giám đốc sở GD&ĐT xin học cho con của đồng nghiệp

Theo cựu hiệu trưởng, các học sinh được chuyển trường vào THPT Nguyễn Trung Trực dựa vào 2 tiêu chí. Thứ nhất là học sinh, phụ huynh có nguyện vọng; hai là trường có chỗ xếp lớp.

"Một điều nữa là chúng tôi họp thông qua 'bộ tứ' gồm Đảng ủy mở rộng, Ban giám hiệu, Công đoàn và Đoàn thanh niên. Cuộc họp đưa ra từng trường hợp, đọc tên người xin để rồi thống nhất", ông Phượng nói.

Trường THPT Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, Kiên Giang. Ảnh: Việt Tường.

Trường THPT Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, Kiên Giang. Ảnh: Việt Tường.

Đối với việc Sở GD&ĐT Kiên Giang cho dừng chuyển trường 9/11 trường hợp vì THPT Nguyễn Trung Trực chưa nhận hồ sơ mà đã có tên trong lớp, ông Phượng lý giải rằng đó là giai đoạn chuyển tiếp giữa học kỳ I và II nên có sự cập rập.

Về trường hợp vợ của một phó giám đốc Sở GD&ĐT xin chuyển trường cho nam sinh trường THPT Ngô Sĩ Liên, ông Phượng nói đó là vợ anh Viên (Ninh Thành Viên - PV) làm bên bưu điện. "Đồng nghiệp, bạn bè cô ấy năn nỉ quá nên cô gửi thì tôi nhận, dù anh Viên có kêu tôi không nhận", ông Phượng nói.

Trường hợp đặc biệt mới được chuyển trường giữa năm học

Trao đổi với Zing.vn, ông Ninh Thành Viên, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, xác nhận trong danh sách 11 người do ông Phượng ký, có một học sinh do vợ ông xin chuyển trường. Theo ông Viên, chuyển trường cho các em là bình thường, nhưng THPT Nguyễn Trung Trực làm sai thủ tục khi chưa có hồ sơ mà ghi tên các em vào một số lớp.

"Em nào không có hồ sơ thì trả lại trường cũ. Nơi nhận chuyển trường đã làm sai bởi chưa chuyển hồ sơ nên tên các em ở hai trường thì không được. Anh Phượng ký danh sách khi sắp về hưu nên chuyện đó hơi nhạy cảm", ông Viên chia sẻ.

Trường hợp vợ ông Ninh xin chuyển trường cho con của đồng nghiệp, vị phó giám đốc khẳng định: "Tôi nói anh Phượng là không giải quyết rồi mà sao anh ấy lại đưa vô danh sách. Những trường hợp này nếu có nhu cầu chuyển trường thật sự thì hết năm học mới giải quyết, đặc biệt lắm mới giải quyết giữa năm học".

Phần "người xin" của danh sách chuyển trường có đề tên vợ ông Ninh Thành Viên và Phó bí thư Thành ủy Rạch Giá Nguyễn Văn Nhỏ

Phần "người xin" của danh sách chuyển trường có đề tên vợ ông Ninh Thành Viên và Phó bí thư Thành ủy Rạch Giá Nguyễn Văn Nhỏ. Ảnh: Nhật Tân.

Danh sách 11 học sinh chuyển đến các lớp 10 của THPT Nguyễn Trung Trực có 2 em được Sở GD&ĐT đồng ý vì đầy đủ hồ sơ. Theo danh sách học sinh chuyển trường học kỳ II năm học 2018-2019 có đóng dấu và ông Phượng ký, phần "người xin" có ông Nguyễn Văn Nhỏ, Phó bí thư Thành ủy Rạch Giá. Trong số 11 học sinh chuyển trường, cháu ông Nhỏ và một em nữa được giải quyết vì có hồ sơ đầy đủ.

Ông Nhỏ cho hay xin học cho cháu và gửi hồ sơ đàng hoàng. Nữ sinh này học giỏi ở cấp 2, thi tuyển sinh lớp 10 tại trường THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt thiếu 0,25 điểm. Do không ghi nguyện vọng 2 tại trường THPT Nguyễn Trung Trực, em phải vào học lớp 10 tại THPT Nguyễn Hùng Sơn.

"Học hết học kỳ I thấy cháu học khá nên làm đơn gửi trường Nguyễn Trung Trực để chuyển. Đây là đứa cháu, chuyển trường thứ nhất là điều kiện học tập, thứ hai cho gần nhà để thuận lợi chứ ở đây có gửi gắm gì đâu", ông Nhỏ nói.

Đối chiếu danh sách của ông Phượng ký, cháu của ông Nhỏ là một trong 5 em có học lực trung bình. Danh sách này có 6 học sinh khá và tất cả 11 em đều học xếp loại đạo đức tốt.

Trường THPT Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang (chấm đỏ)

Trường THPT Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang (chấm đỏ). Ảnh: Google Maps.

THPT Nguyễn Trung Trực là trường điểm. Để được vào học, các em phải tham dự kỳ thi tuyển sinh đầu vào lớp 10, với điểm trúng tuyển khá cao. Năm học 2018-2019, THPT Nguyễn Trung Trực có 635 học sinh trúng tuyển lớp 10 (trong tổng số 1.093 thí sinh dự thi). Điểm đầu vào 3 môn là 25,4.

Tác giả: Việt Tường

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok