Cuộc sống

Nguy cơ tan vỡ khi khen sếp quá nhiều trước mặt chồng

Chị thuộc mẫu nhân viên trách nhiệm, yêu công ty như nhà mình, việc công ty như việc của gia đình. Thế nên trong câu chuyện của anh chị, sếp xuất hiện thường xuyên như một người anh, một thần tượng.

Mười một giờ đêm, chị bật dậy mở máy tính sau cuộc điện thoại của sếp. Ánh sáng chói mắt khiến anh lồm ngồm bò dậy với những nếp nhăn xếp dày trên mặt.

Thấy vợ mở laptop, anh liền gập màn hình lại và lẩm bẩm: “Ông sếp ấy tốt gì mà 11 giờ đêm còn bắt nhân viên làm việc. Thôi, để mai làm. Mà sao ông ấy nói gì em cũng nghe, trong khi anh...”. Đã không ít lần, anh bỏ ngỏ câu nói tương tự khi nhắc tới sếp của chị.

Ảnh minh họa

Sếp của chị là “mì chính cánh” ở công ty toàn phụ nữ. Với nhân viên, sếp không chỉ là người lãnh đạo hài hòa, ai ai cũng ngưỡng mộ mà còn là mẫu đàn ông tâm lý, có duyên. Sếp cũng rất lắng nghe nỗi niềm của chị em.

Còn chị, thuộc mẫu nhân viên trách nhiệm, yêu công ty như nhà mình, việc công ty như việc của gia đình. Thế nên trong câu chuyện của anh chị, sếp xuất hiện thường xuyên như một người anh, một thần tượng.

Lúc đầu, anh cũng gật gù tán thưởng câu chuyện của chị, hưởng ứng với những vui buồn diễn ra ở công ty vợ. Anh từng cùng vợ xuất hiện trong những hoạt động chung của công ty chị và trò chuyện với sếp của chị. Người đàn ông ấy đủ để anh tin tưởng rằng đó một người đứng đắn, tử tế và dễ khiến người ta muốn trở thành bạn.

Nhưng sự xuất hiện của vị sếp khả kính ấy trong câu chuyện của chị ngày càng giống như chuẩn mực cho mẫu đàn ông và mẫu ấy đang chạm ngưỡng tuyệt chủng. Thế nên, anh cảm thấy mình bị... kém đi! Chị thường xuýt xoa: “Cả cơ quan em, chị em nào cũng bảo, sao trên đời lại vẫn còn đàn ông như anh ấy nhỉ”; “Hôm nay, con Lan giận chồng khóc sưng mắt, chị em chả ai động viên được, thế mà anh ấy nói gì, nó tươi tỉnh hẳn”...

Vì tin tưởng và trân quý sếp nên nhiều khi chị về muộn, làm thêm giờ, sếp gọi là bật dậy cả lúc đã khuya. Và lý do mà chị thường nói là: “Anh ấy tốt với bọn em thế, làm sao mình lỡ... “; “Có làm có thưởng, anh ấy có bao giờ để nhân viên thiệt đâu, công ty ít người nên mình cố một tí”... Anh ấy trở nên như anh cả trong nhà vậy!

Ấm ức, ghen thầm thành xấu bụng, có lần anh bảo: “Sao em có thể nói về một người đàn ông lý tưởng mà như đang không có chồng mình ở đấy thế? Em đe gió anh hay em không tôn trọng anh? Anh ấy thật biết lấy lòng nhân viên nữ, còn có đảm bảo tốt với vợ không thì chưa chắc nhé!".

Ảnh minh họa

Em cứ bảo anh ấy đừng giao việc cho nhân viên khi về nhà, làm thế nào tắt ánh hào quang của anh ấy đi, thì anh ấy không phải đi động viên cấp dưới nữa đâu! Thật là biết tận dụng sức lực của nhân viên. Trong khi biết thừa rằng làm nhiều thì nhân viên còn thời gian đâu cho bản thân và gia đình! Cũng chỉ là biết tính cho riêng mình...”.

Thế là từ đó, chị giảm ngay tần suất khen ngợi và kể về sếp. Mỗi lần có việc phải làm thêm ở nhà, chị lại phải lựa lấy lý do cô đồng nghiệp A có con ốm cầu cứu làm giúp, chị tổ trưởng giao thêm vì đang cắt giảm nhân sự... Lúc đó, chị cũng mới nhận ra, sếp thì cũng là một người đàn ông có thể kích thích mầm ghen tuông cho chồng chứ sếp đâu có phải như anh trai mình. Mà suy cho cùng, có anh chồng nào muốn vợ tha việc về nhà đâu.

Tác giả: Như Bình

Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam

  Từ khóa: khen sếp , tan vỡ , tâm sự , hôn nhân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok