Trong tỉnh

Ngư dân Thanh Hóa phản ánh tàu cá vỏ thép liên tục hư hỏng

Ngày 28/6, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Quyền, phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành chức năng kiểm tra các tàu được đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng, trục trặc.

Tàu của ông Lê Văn Lực (xã Hoằng Trường) liên tục bị hư hỏng. Ảnh: Hoàng Lam.

Nhiều tàu mới sử dụng đã hư hỏng

Tính đến tháng 6/2017, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 23 chiếc tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định số 67/2914/NĐ-CP của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 67). Trong số đó, có nhiều tàu mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng, trục trặc.

Tại TP.Sầm Sơn có 7 chiếc tàu vỏ thép đang hoạt động, tàu hạ thủy sớm đã đi khai thác trên biển được hơn 6 tháng. Trong 7 chiếc thì có 4 chiếc thường xuyên hư hỏng, trục trặc phải nằm bờ sửa chữa. Cụ thể, tàu số hiệu TH-93968 TS của ông Nguyễn Duy Muộn (ở phố Tiến Lợi, phường Quảng Cư) có công suất 829CV, hành nghề lưới chụp, tổng vốn đầu tư hơn 17,7 tỉ đồng (trong đó vốn vay ngân hàng 17 tỉ đồng, còn lại vốn của gia đình) do Công ty CP Đại Dương (địa chỉ tại xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đóng. Hiện tàu đang phải nằm bờ để sửa máy phát điện chính.

Tàu của gia đình ông Muộn được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đóng theo Nghị định 67 từ tháng 2/2015. Đến tháng 8/2016, tàu được hoàn thành bàn giao cho gia đình ông Muộn. Hai tháng sau (10/2016) ông Muộn cùng 9 thuyền viên xuống nghề chuyến đầu tiên nhưng vừa thả lưới xuống biển thì máy tời bị vỡ, hư hỏng nặng không thể đánh bắt.

Ông Muộn phải đánh tàu vào xưởng sửa chữa của Công ty CP Đại Dương (ở Thái Bình) để sửa, mất 10 ngày mới xong. Chuyến ra khơi thứ 2 vừa đánh bắt được 2 hôm thì máy phát điện chính bị hỏng, ông Muộn lại đánh tàu về bến ở cảng Hới (TP Sầm Sơn) để sửa. Các chuyến đi tiếp theo khi thị bị gãy neo, thủy lực bị bung khỏi bệ, máy phát điện hỏng…

Trên con tàu liên tục hư hỏng của ông Nguyễn Duy Muộn.

Theo ông Muộn thì cả 8 chuyến đi biển từ khi nhận được tàu đều gặp trục trặc từ các thiết bị trên tàu, phải dừng đánh bắt giữa chừng, chi phí hao tổn mất từ 40 đến gần 100 triệu đồng cho mỗi chuyến. Trong khi đó, mỗi quý ông Muộn phải nộp cho ngân hàng khoảng 270 triệu đồng và trả lương cho lao động 8 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ riêng tàu của ông Muộn, nhiều tàu vỏ thép khác cũng liên tục gặp sự cố, hư hỏng. Như tàu của ông Lê Văn Lực (ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa), số hiệu TH-91709 TS, công suất 811CV do Công ty TNHH đóng tàu Đại Nguyên Dương (địa chỉ tại tỉnh Nam Định) đóng. Tàu mới đi biển được 4 tháng nay nhưng thường bị hư hỏng cẩu tời, bục ti ô dầu nhờn thủy lực, cháy chấn lưu…; Tàu cá của ông Trần Văn Thượng (ở xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia) do Công ty TNHH đóng tàu Đại Nguyên Dương đóng. Tháng 2/2016 tàu bắt đầu hoạt động, hiện nay tàu đã bị rỉ sắt, bong tróc sơn, xuống cấp, hư hỏng cẩu tời…

Báo cáo, đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra

Liên tục gặp sự cố về chất lượng thiết bị trên tàu khi ra khơi, ông Muộn đã có báo cáo tổng hợp những hư hỏng, trục trặc của tàu gửi cơ quan chức năng.

Theo ông Muộn thì vỏ tàu được đóng bằng tôn Hàn Quốc (theo thiết kế) chất lượng tốt nhưng sơn vỏ tàu chất lượng không tốt. Tàu có máy chính hoạt động tốt nhưng 2 máy phụ để phát điện thì là máy cũ hoạt động không đảm bảo đã hư hỏng 2 lần; hệ thống lái trục thủy lực không đảm bảo, các mố hàn không đảm bảo liên tục hư mối hàn dẫn đến hư chân vịt và phải lên đà sửa chữa; ngoài ra hệ thống neo tàu cũng không đảm bảo, thép làm neo không đúng thiết kế dẫn đến 2 neo bị gãy khi neo đậu…

Tiếp nhận kiến nghị của các chủ tàu gặp trục trặc khi vận hành khai thác trên biển, chính quyền các địa phương như phường Quảng Tiến, phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn), xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa)… đều cho rằng, chính sách để hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị Định 67 rất ý nghĩa. Tuy nhiên, nhiều tàu vỏ thép sau một thời gian ngắn khai thác đã có nhiều hư hỏng. Cơ quan chức năng cần phải vào cuộc điều tra xem lỗi của bên nào. Nếu lỗi từ phía công ty đóng tàu sai thì công ty phải có trách nhiệm với ngư dân, nếu ngư dân mắc lỗi thì phải có cách giúp đỡ.

Nhiều ngư dân (chủ tàu) hiện rơi vào cảnh vô cùng khó khăn khi tàu hư hỏng, trục trặc thường xuyên, nhưng vẫn đang phải loay hoay để trả tiền cho ngân hàng định kỳ và các chi phí khác.

“Đầu tháng 6/2017, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa có báo cáo về tình hình khai thác, vận hành các tàu vỏ sắt. Tuy nhiên, báo cáo này không như thông tin mà báo chí phản ánh, vì vậy tôi đã có chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, xác minh thông tin chi tiết để có hướng xử lý cụ thể”- ông Nguyễn Đăng Quyền, phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm.

Tính đến hết tháng 5/2017, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt 67 chiếc tàu đóng theo Nghị định 67. Hiện 46 tàu đã đóng hoàn thành và đang hoạt động, trong đó có 23 tàu vỏ thép còn lại là tàu vỏ gỗ.

Tác giả: Hoàng Lam

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

  Từ khóa: Ngư dân Thanh Hóa , ngư dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok