Thể thao

Nghi án bán độ, cầu thủ bỏ cuộc sau thất bại U23 Việt Nam năm 2003

Tại SEA Games 2003 diễn ra trên sân nhà, U23 Việt Nam không có lực lượng mạnh nhất khi bước vào giải đấu và thất bại ở trận chung kết trước Thái Lan.

Ngay trước ngày bước vào SEA Games 2003, U23 Việt Nam chịu ám ảnh bán độ với những lùm xùm trong quá trình chuẩn bị. Kết quả, đội bóng của HLV Alfred Riedl có biến động lớn về lực lượng.

Theo HLV Nguyễn Thành Vinh, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nhân sự và kết quả ở trận chung kết khi chúng ta thất bại 1-2 trước người Thái.

Lứa cầu thủ tài năng sớm nở tối tàn

- Thưa HLV Nguyễn Thành Vinh, U23 Việt Nam ngày đó là đội hình như thế nào?

- Tôi nhận nhiệm vụ ở U23 Việt Nam từ cuối năm 2002 cho đến tháng 7/2003 thì lui về làm trợ lý số một cho HLV Alfred Riedl. U23 Việt Nam thời điểm đó là tập hợp của những cái tên xuất sắc như Quốc Vượng, Văn Quyến, Như Thành, Thanh Phương...

Đó là một đội bóng hoàn hảo. Phải nói rằng chúng ta có một đội hình đầy đủ và rất hoàn thiện. Chính U23 Việt Nam khi đó đánh bại cả đội bóng hạng tư thế giới Hàn Quốc tại vòng loại giải châu Á.

Năm ấy, thái độ, tư tưởng và trách nhiệm của cầu thủ không như bây giờ. Nếu không, chúng ta đã vô địch SEA Games rồi.

- Mục tiêu đặt ra tại SEA Games 22 cho U23 Việt Nam có phải là vô địch?

- Chắc chắn là vô địch, không một giải đấu này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam không đặt mục tiêu cao nhất. Năm đó, chúng ta có địa lợi, có nhân hòa, chỉ còn chờ thiên thời nữa thôi.

HLV Nguyễn Thành Vinh từng dẫn dắt lứa Văn Quyến ở U23 Việt Nam. Ảnh: Hoàng Tam.

- Sau thất bại ở trận chung kết, HLV Riedl có nói gì với ông không?

- Ông ấy không than vãn hay chỉ trích gì. Khi về khách sạn, ông ấy chỉ nói với tôi rằng hãy đến thăm và cảm ơn Giám đốc kỹ thuật Jainer đang sống tại Tây Hồ. Ông ấy là người đặt nền móng cho việc sử dụng sơ đồ 4-4-2 tại Việt Nam. Tôi may mắn là một trong những người đầu tiên làm quen với chiến thuật được coi là khoa học nhất thế giới ở thời điểm đó, tại Việt Nam.

Ông Jainer cũng rất vui vẻ chào mừng. Khi gặp gỡ, mọi người nói chuyện vui vẻ. Ông ấy có đưa một số tài liệu phân tích chiến thuật, chỉ ra những sai sót, điểm yếu của U23 Việt Nam cùng nhiều băng hình kỹ thuật phục vụ công tác huấn luyện sau này.

Nếu đủ lực lượng, chúng ta đã thắng Thái Lan

- Sau 16 năm, ký ức của ông về SEA Games 2003 còn lại những gì, thưa ông?

- Tôi vẫn nhớ những chuyện xảy ra trước ngày khai mạc SEA Games năm đó. Chúng ta khai trương sân Mỹ Đình bằng trận giao hữu với đội Thanh Niên Thượng Hải. Hôm sau, Quốc Vượng có mách Ban huấn luyện việc Như Thành can thiệp vào trận đấu.

Khi chúng ta đang thắng 1-0, Như Thành chạy đến bảo Quốc Vượng thôi không đá nữa. Kết quả, chúng ta thua 1-2. HLV Riedl nghe tin rất giận dữ, yêu cầu phải đuổi Như Thành ngay lập lức. Ông ấy sai tôi làm quyết định loại Như Thành khỏi đội tuyển.

Buổi tối, tôi gặp riêng Như Thành, khuyên cậu ấy nên xin ông Riedl được ở lại. Nếu cần, tôi sẽ đứng ra bảo lãnh, chịu mọi trách nhiệm để cậu ấy được tham gia SEA Games năm đó. Như Thành làm theo, nhưng ông Riedl rất quyết liệt, không đồng ý. Ông ấy tỏ rõ thái độ dứt khoát, một tuyển thủ quốc gia mà có hành động như vậy là không được. Người phương Tây mà.

Phải 5 năm sau thất bại tại SEA Games 22, bóng đá Việt Nam mới được ăn mừng chiến thắng trên Mỹ Đình. Ảnh: Hoàng Khánh.

- Đó không phải là vấn đề duy nhất ở U23 Việt Nam năm đó phải không, thưa ông?

- Đúng vậy. Trước SEA Games một tuần, khi mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, chúng tôi có trận giao hữu với CLB Hải Phòng, để thua 0-1. Hải Nam khi đó đá hậu vệ cánh phải, phong độ không ổn định dẫn đến nhiều sai sót. Ngay sau trận, cả đội hội ý chiến thuật, HLV Riedl trách cậu ấy đá không tốt. Đúng thôi, phong độ không đảm bảo thì bị quở trách, đơn thuần về phong độ thôi chứ không phải do chuyên môn không đảm bảo.

Cậu này không nói với ai câu nào, sáng hôm sau tự xin HLV Riedl rút lui. Khi đó, tôi không kịp trở tay can thiệp gì. HLV nhắc đúng mà nó tự ái xin nghỉ. Ông Riedl lập tức đồng ý.

Tôi và anh Nguyễn Sỹ Hiển, khi đó là trưởng đoàn, phải tìm cách, "chơi chiêu" với Hải Nam, dọa nó: "Nếu cậu từ chối phục vụ đội tuyển quốc gia thì sẽ không được tham gia bất cứ giải đấu nào nữa, kể cả ở SLNA". Nó nghe thấy cũng sợ, khóc, rồi lên ban huấn luyện xin được ở lại.

Tôi nhận thấy vấn đề cực kỳ căng. Giải chỉ còn một tuần, trước đó đã loại Như Thành, giờ lại đến Hải Nam xin về. Báo chí, truyền thông chắc chắn đặt dấu hỏi về tư tưởng của đội. Vấn đề không đơn giản chỉ là lực lượng.

Cuối cùng, tôi gặp riêng ông Riedl, nói rằng chúng ta đang ở tình thế này, cần phải giữ lại Hải Nam. Nếu không, rất khó khăn về mặt tư tưởng, chưa nói chuyên môn. Ông ấy đồng ý, nhưng nhất quyết không đăng ký Hải Nam cho giải đấu.

U23 Việt Nam hồi 2003 thất bại trước người Thái vì thiếu hụt lực lượng.

- Điều này dẫn đến hậu quả gì, thưa ông?

- Lực lượng thiếu hụt, U23 Việt Nam mất hai vị trí quan trọng ở hàng hậu vệ, cuối cùng thua Thái Lan ở trận chung kết vì lực lượng không đảm bảo. Lê Văn Trương (Trương "Huế), không đảm nhận được vai trò đá cặp với Huy Hoàng. Hải Nam không đá, ai thay thế?

Cuối cùng, chúng tôi đưa ra giải pháp: Trương "Huế" đá bên trái, Minh Phương tạm thời trám chỗ Hải Nam bên phải, trên là Tuấn Phong. Đến trận, chung kết, cậu Trương nhận đủ số thẻ, phải nghỉ thi đấu. Ông Riedl chọn Đức Tuấn đá thay, nó cả đời chỉ đá tiền vệ.

Khi hỏi, Tuấn cũng tự tin đảm nhận được. Cuối cùng, vừa vào trận đã thua ngay vị trí đó. Mình gỡ hòa rồi lại thua ở đúng vị trí trung vệ. Chơi đội hình chắp vá, đủ chỗ này lại thiếu chỗ kia. Kết quả là thua cuộc.

Nếu đầy đủ đội hình, Như Thành đá trung vệ, Trương "Huế" đừng có thẻ vàng thứ hai, Hải Nam đá cánh phải bình thường, Minh Phương đá hậu vệ cánh trái, có lẽ chúng ta đã ăn được họ. Bóng đá là thế, muôn hình vạn trạng và thời đó, chúng tôi không thể kiểm soát được như bây giờ.

Sự khác biệt giữa hai thế hệ

- Sau SEA Games năm đó, đội tuyển có được thưởng không?

- Có chứ, cũng có những doanh nghiệp, cơ quan hứa thưởng. Tuy nhiên, số tiền không lớn tới hàng tỷ đồng như bây giờ. Có nơi hứa thưởng 10 triệu, 20 triệu, cao lắm là 50 triệu đồng. Tổng kết lại, cũng được đâu đó vài trăm triệu. Đó là con số rất lớn ở thời điểm đó rồi.

- Ông có thể so sánh bóng đá hồi đó với bây giờ?

- Cầu thủ ngày xưa chưa có ý thức, trách nhiệm như bây giờ. Cầu thủ bây giờ có hoài vọng, ý chí tiến thủ. Điều đó quyết định thành công của họ. Họ thấy vai trò của mình có tính chính trị. Người hâm mộ cảm thấy vui sướng là trách nhiệm của các cầu thủ. Các cháu bây giờ cũng không có biểu hiện tiêu cực như trước đây.

Cầu thủ ngày xưa không có động lực và chí tiến thủ như bây giờ. Ảnh: Minh Chiến

Trình độ thể lực, tư duy của cầu thủ bây giờ cũng tốt hơn hẳn ngày xưa. Họ được chăm chút về tư duy, kỹ năng chơi bóng. Trước đây, HLV trưởng kiêm nhiệm tất cả, từ thể lực, chuyên môn và cả tâm lý. Bây giờ, thầy Park có đội ngũ trợ lý chuyên trách, đảm nhận công việc giúp cầu thủ đạt tầm cao hơn, chất lượng hơn. HLV Chung Hae-seong còn có tới 14 trợ lý đi kèm, mỗi người chuyên trách một việc để hiệu quả trên sân bóng được cao nhất.

Phải nói là cầu thủ bây giờ làm việc khoa học hơn, đỉnh cao hơn. Chế độ đãi ngộ cũng là động lực, tiền nhiều hơn thì trách nhiệm cũng tăng lên, thúc đẩy cầu thủ nỗ lực và phấn đấu hơn.

- Nhiều người nói thành công hiện tại cũng tạo động lực nhiều hơn cho các cầu thủ?

Đúng vậy, bên cạnh đó còn là động lực từ danh dự cá nhân. Chưa khi nào người dân tề tựu đông đảo như ngày đón U23 trở về từ Thường Châu. Năm 2003, trên đường từ sân Mỹ Đình về Trung tâm Nhổn, chúng tôi cũng được chào đón ở hai bên đường, nhưng như năm 2018 thì không bằng.

Đây là thời điểm chúng ta có U22 Việt Nam tốt nhất, có sự kết hợp giữa hai lứa cầu thủ từng tham dự SEA Games và U23 châu Á 2018, cùng những người lứa U20 World Cup. Nhiều người đang đá chuyên nghiệp. Xét về chuyên môn so với các đội trong khu vực, kể cả Thái lan, chúng ta không hề thua kém.

- Cám ơn ông về cuộc trao đổi.

Tác giả: Đỗ Hải

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok