Kinh tế

Ngân hàng “tuyên chiến” với tín dụng đen

Đó là mục tiêu đặt ra tại hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen.

Ngân hàng

Ngân hàng đơn giản thủ tục, đa dạng sản phẩm để người dân có thể tiếp cận nguồn vốn. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Hội nghị do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 26/12.

Tín dụng đen “núp bóng” công ty

Ông Phạm Văn Tám, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, ví tín dụng đen như cơn bão càn quét ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ở các khu công nghiệp, nhà máy...

Với thủ tục nhanh gọn, lãi suất cao và áp dụng các hình thức thu hồi nợ gắn liền với băng nhóm tội phạm, bất hợp pháp như bắt người, giết người, gây thương tích, đổ chất thải vào nhà gây bức xúc trong xã hội.

Đối tượng hoạt động tín dụng đen thường núp bóng dưới hình thức công ty đòi nợ thuê, công ty tài chính bất hợp pháp, cầm đồ, ủy thác đầu tư, hụi họ phường theo hình thức đa cấp, cho vay trên các trang mạng mời chào với lãi suất cao.

Nhiều người không phải đối tượng cho vay chuyên nghiệp nhưng do hám lợi đã vay của người thân, hoặc của các tổ chức tín dụng rồi cho người khác vay lại lãnh lãi cao hơn, đến khi đổ vỡ thì dẫn đến dây chuyền và trở thành con nợ, bị tín dụng đen siết nợ. Đối tượng đi vay là hộ nghèo, học sinh, sinh viên, công chức, kinh doanh nhỏ lẻ… với mục đích sản xuất kinh doanh thì ít mà chủ yếu vay tiêu dùng, giải quyết những khó khăn đột xuất là nhiều. Trong những sới bạc mà công an bắt giữ, có cả tín dụng đen cung cấp tín dụng cho các con bạc.

Tín dụng đen

Tín dụng đen len lỏi, nở rộ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: Ngọc Thắng

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ trong năm 2018, có 84 vụ giết người, 855 vụ gây thương tích, 105 vụ cướp tài sản, 1.309 vụ lừa đảo tài sản liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Thời gian qua, tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến tín dụng đen diễn biến phức tạp, len lỏi vào vùng sâu, vùng xa, nhất là các tỉnh Tây nguyên. Ở khu vực này những năm qua sôi động về trồng cây nông nghiệp nhưng mất mùa nên nhu cầu vốn rất nhiều. Một lý do nữa là ở các thành phố lớn tập trung trấn áp nên các đối tượng “dạt” về các vùng này hoạt động.

Theo ông Tám, các đối tượng cho vay tín dụng đen không bao giờ ghi lãi suất trong giấy biên nhận và hợp đồng vay. Đa phần là gói ngắn, vay ngày, tuần, tháng... chứ không cho vay dài như ngân hàng. Hết thời hạn vay, người vay không trả nợ sẽ bị tính lãi và gốc vào, do đó có trường hợp người vay 5 triệu, 50 triệu đồng nhưng vài tháng sau lên đến vài trăm triệu đến cả tỉ đồng và rất khó có thể trả hết.

Báo cáo về tình trạng tín dụng đen, ông Phạm Huyền Anh, Phó chánh thanh tra Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đánh giá: “Do hoạt động ngầm nên phần lớn các vụ chỉ được phát hiện khi đổ vỡ. Mặc dù cơ quan thanh tra đã phát hiện xử lý nhiều vụ việc và cảnh báo nhưng tình trạng này vẫn tồn tại và mở rộng khắp nơi”.

Tăng vay tín chấp lên gấp đôi

Để ngăn chặn tín dụng đen, ông Vũ Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho biết Nghị định 116/2018/NĐ-CP sẽ nâng gấp đôi mức cho vay không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình.

Cụ thể, cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được vay từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng. Việc này góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đồng thời góp phần hạn chế tình trạng khách hàng thiếu vốn sản xuất kinh doanh và không có tài sản bảo đảm phải tìm đến tín dụng đen.

Ở góc độ ngành công an, ông Tám cho biết: Trong vài tuần nữa, cơ quan công an sẽ có số liệu đầy đủ có bao nhiêu đối tượng, băng nhóm hoạt động tín dụng đen trên cả nước, từ đó có giải pháp đấu tranh.

"Dù ngành NH đã có những đóng góp hạn chế tín dụng đen nhưng cần quan tâm hơn nữa về thủ tục vay nhanh gọn, phổ biến, tuyên truyền để khách hàng có thể tiếp cận vay, đồng thời NH chủ động tiếp cận khách hàng nhiều hơn; giáo dục đạo đức đối với nhân viên bởi có trường hợp nhân viên NH đưa dữ liệu khách hàng cho công ty tài chính bất hợp pháp bên ngoài", ông Tám góp ý.

Để xử lý nghiêm các hoạt động tín dụng đen trong thời gian tới, ông Tám kiến nghị NHNN chỉ đạo các NH giám định nhanh lãi suất trong các vụ án cho vay nặng lãi, không giống một vụ cho vay nặng lãi ở Thanh Hóa, gần 2 tháng sau mới có giám định về lãi suất cho vay nặng lãi hay không, khi công an ra lệnh bắt thì đối tượng đã bỏ trốn.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú chỉ đạo các NH, công ty tài chính tiếp tục đẩy mạnh chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; cải cách thủ tục hành chính trong tín dụng; đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ. Xem xét gia hạn nợ, giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn. Giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.

Tác giả: THANH XUÂN-ANH VŨ

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok