Kinh tế

Ngân hàng tăng lãi suất, lượng tiền huy động vẫn giảm dịp sát Tết

Một số ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn 0,1-0,5% khi lượng vốn huy động ghi nhận có sụt giảm gần đây.

Từ ngày 25/1, Ngân hàng Á Châu - ACB áp dụng biểu lãi suất mới, trong đó tăng 0,2-0,3% ở hầu hết kỳ hạn. Theo đó, khách gửi tiết kiệm kỳ hạn 6-9 tháng hưởng lãi suất 6,4-6,7% một năm, tăng 0,3 điểm phần trăm so với trước đó. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng với khoản tiền từ 200 triệu là 5,4% một năm, tăng 0,2 điểm phần trăm. Ngoài ra, tùy vào số tiền gửi, nếu càng nhiều thì lãi suất cộng thêm càng cao.

Tương tự tại Techcombank, từ ngày 21/1 ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 tháng thêm 0,2-0,3 điểm phần trăm; tăng kỳ hạn 9 tháng và các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên thêm 0,1 điểm phần trăm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm. Lãi suất các kỳ hạn còn lại được giữ nguyên.

Tại một số ngân hàng khác như MBBank, VIB, TPBank..., lãi suất sau khi được điều chỉnh tăng hồi cuối năm 2018, giờ vẫn được giữ ở mức cao.

Giao dịch tại một ngân hàng thương mại

Giao dịch tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: PV.

Tuy nhiên, hiện cũng có một vài ngân hàng đang "lội ngược dòng" khi điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi ở một số sản phẩm. Cụ thể, BIDV mới thay đổi biểu lãi suất huy động, theo đó nhà băng này hạ lãi suất tiết kiệm 5 tháng từ mức trần quy định (5,5% một năm) xuống còn 5,2% mỗi năm. Các kỳ hạn khác vẫn được giữ nguyên. Biểu lãi suất mới được áp dụng từ ngày 22/1. Trước đó, cuối tháng 12/2018, BIDV đã tăng mạnh lãi suất kỳ hạn 5 tháng thêm 0,5% mỗi năm.

Cùng ngày này, VPBank cũng điều chỉnh giảm 0,1-0,5% lãi suất kỳ hạn từ 6 đến 36 tháng. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm thường của nhà băng này với kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng hiện nay là 7%, giảm 0,2%. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 7,05%; lãi suất kỳ hạn 13 tháng và 15 tháng là từ 7,2-7,4%, đều giảm 0,2 điểm phần trăm so với trước đó.

Riêng kỳ hạn 18-36 tháng của tiết kiệm Phát lộc Thịnh vượng tại ngân hàng này vẫn giữ mức lãi suất 8,6% một năm. Đây được xem là mức lãi suất thuộc loại cao nhất nhì thị trường hiện nay.

Các chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh giảm lãi suất ở một số ngân hàng như BIDV, VPBank... có thể chỉ nhằm cơ cấu lại cho phù hợp nhu cầu vốn, chưa phản ánh được xu hướng của lãi suất huy động sắp tới. Bởi trên thực tế, trước Tết Nguyên đán vẫn là thời gian nhu cầu vốn trong nền kinh tế ở mức cao, chưa kể đây là dịp doanh nghiệp rút tiền ra chi trả lương thưởng, còn người dân thì cần dùng nhiều tiền mua sắm Tết.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết gần đây huy động vốn tại các ngân hàng giảm. Theo ông, đây là một hiện tượng đáng lưu ý và các ngân hàng tới đây phải rà soát nguyên nhân xem nguồn vốn đi đâu, vào kênh bất động sản hay sản xuất kinh doanh, hay kênh khác để có hướng điều chỉnh hợp lý.

Theo ông Tú, trong năm 2018 sức ép về tăng lãi suất rất lớn, nhưng Ngân hàng Nhà nước kiên định ổn định lãi suất. Không ít ngân hàng thương mại nhỏ đẩy lãi suất huy động lên hút vốn, phục vụ cho thanh khoản và cơ quan này lại phải bơm tiền ra hoặc có công cụ để hạn chế, làm sao giữ được ổn định lãi suất cho doanh nghiệp.

Vị lãnh đạo này cho rằng, doanh nghiệp thì muốn giảm, ngân hàng và người gửi tiền muốn tăng nên phải lấy lãi suất nào phù hợp cho nền kinh tế, bảo đảm năng lực tài chính cho các nhà băng trong điều kiện tái cơ cấu.

Năm 2019, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là tăng trưởng tín dụng chỉ 14%. Do đó, năm nay các ngân hàng thương mại cũng sẽ phải rà soát lại chất lượng tín dụng và cho vay một cách thận trọng hơn để hạn chế phát sinh nợ xấu. .

Tác giả: Lệ Chi

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok