Kinh tế

Ngân hàng đồng loạt tung gói kích cầu tín dụng

Ngân hàng đồng loạt “tung” các gói kích cầu cuối năm bằng hàng loạt ưu đãi như: Giảm lãi suất, miễn phí giao dịch, tư vấn hỗ trợ khách hàng...

Xuất khẩu đạt kỳ tích, tín dụng dành nhiều ưu đãi

Ông Nguyễn Trọng Tĩnh, Giám đốc trung tâm kênh phân phối và bán hàng của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cho biết, ngân hàng này đang thực hiện một gói giải pháp toàn diện dành cho đối tượng trọng điểm là các doanh nghiệp lĩnh vực xuất, nhập khẩu.

Cụ thể, MSB cho vay tín chấp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tổng hạn mức 200 tỷ đồng, số tiền vay đến 100 tỷ đồng với đảm bảo bằng các hợp đồng đầu ra.

Các ngân hàng ồ ạt tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm kích cầu “mùa” cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh cuối năm. Ảnh: Tạ Hải

Ngoài ra, MSB có thể cấp hạn mức tín chấp ban đầu lên tới 5 tỷ đồng. Trường hợp doanh nghiệp có tài sản bảo đảm có thể được cấp hạn mức tín dụng gấp 2,5 lần giá trị tài sản.

“Ngoài ra, chúng tôi có giải pháp chuyên biệt dành cho nhóm đối tượng doanh nghiệp nhập khẩu với gói tài trợ các khoản L/C lên tới 80% giá trị L/C hợp đồng đầu ra. Còn với doanh nghiệp xuất khẩu thì có gói tài trợ trước giao hàng cũng lên tới 90% giá trị xuất khẩu và chiết khấu bộ chứng từ tới 89%”, ông Tĩnh cho biết.

Bên cạnh tín dụng, đại diện MSB cũng cho hay, ngân hàng còn ưu đãi lãi suất và phí. Cụ thể, lãi suất vay USD tùy từng doanh nghiệp từ 2,5%/năm trở lên, còn với VNĐ từ 5,5%/năm; hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm 30% phí tài trợ thương mại, 40% phí giao dịch thông thường, cắt giảm 100% phí giao dịch nếu doanh nghiệp giao dịch trên Internet Banking.

Sở dĩ MSB “thừa thắng xông lên” trong kích cầu tín dụng trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu bởi thời gian qua xuất, nhập khẩu là điểm sáng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác như: Vận tải, du lịch, lưu trú… gần như tê liệt.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá rất cao nỗ lực của các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trong những tháng vừa qua: “Trong bối cảnh thị trường quốc tế không ít khó khăn, trong nước bị tác động bởi làn sóng dịch thứ 4 từ đầu quý II đến nay nhưng kim ngạch xuất, nhập khẩu vẫn đạt con số chúng ta mơ ước lâu nay là 600 tỷ USD cả năm, gấp đôi so với quy mô GDP, nhất là GDP 2021 đã được điều chỉnh”.

Ông Ánh nhấn mạnh, có thể không ngoa khi nói rằng xuất, nhập khẩu đã đạt kỳ tích. Trong khi các lĩnh vực khác đang vật lộn với khó khăn thì đến hết tháng 10, lĩnh vực này tăng trưởng 16,6% là kỳ kích bất ngờ.

Có 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 10 nhóm hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, giúp kinh tế Việt Nam không chỉ đứng vững mà còn góp phần phục hồi lớn.

Trở lại với MSB, theo thông tin ông Tĩnh tiết lộ, trong 10 tháng đầu năm, doanh số phát hành thư tín dụng L/C tại MSB tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2020, doanh số giao dịch ngoại tệ tăng 150% so với cùng kỳ năm 2020.

Kết quả trên đã đưa MSB vào top 3 ngân hàng có giao dịch ngoại tệ lớn nhất thị trường hiện nay. Đây cũng là lý do khiến MSB tiếp tục đẩy mạnh vốn vào lĩnh vực xuất, nhập khẩu đang có đà này.

Mở cơ chế cho mùa tín dụng

Nguồn vốn tại MSB hiện khá dồi dào, ngân hàng này cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho nới chỉ tiêu tín dụng năm 2021 lên 16%.

Bên cạnh MSB, còn 12 ngân hàng khác vừa được chấp thuận nới chỉ tiêu tín dụng đợt 3 trong năm nay là: TPBank (lên 17,4%), Techcombank (lên 17,1%), MB (lên 15%)...

Đây đều là các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn quy định ở mức cao, danh mục đầu tư rộng, không tập trung quá nhiều vào các ngành nghề rủi ro và đều thuộc danh sách các ngân hàng cam kết hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở nguồn vốn dồi dào, lại được mở cơ chế tín dụng, hàng loạt ngân hàng đã “tung” nhiều gói cho vay thời điểm cuối năm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) dành 20.000 tỷ đồng đến hết ngày 31/12/2021 cho vay doanh nghiệp, cá nhân tháo gỡ khó khăn do Covid-19 và tăng tốc phục hồi sản xuất kinh doanh với lãi suất từ 4,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng; 5,5%/năm với thời hạn 6 tháng.

Nhóm khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh, mua/xây sửa bất động sản, mua xe ô tô cũng được hạ lãi suất vay còn từ 6,5%/năm, thời hạn 12 tháng.

Trong lĩnh vực tiêu dùng, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) cũng dành 20.000 tỷ đồng, lãi suất 6,5 - 7%/năm, hạn mức vay tối đa 4 tỷ đồng, thời gian vay 12 tháng, vay thấu chi qua thẻ tại khu vực nông nghiệp phục vụ chi tiêu đột xuất như thanh toán vật tư nông nghiệp, thanh toán dịch vụ công…

Hay Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng giảm lãi suất cho vay còn 5,2%/năm cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa để trả lương cho người lao động, cho vay các đơn vị và cán bộ, nhân viên tuyến đầu chống dịch và cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp tại Vĩnh Phúc…

Lãnh đạo phụ trách mảng tín dụng tại một ngân hàng cổ phần cho biết, chạy đua tín dụng cuối năm, ngân hàng đã giao chỉ tiêu đến từng các bộ phận, nhân viên để mở rộng mạng lưới, đẩy nhanh thời gian hoàn thành hồ sơ giải ngân…

Ngân hàng cũng cử nhân viên xuống tận siêu thị, của hàng thực phẩm, trung tâm mua sắm… để kết nối. Với nhóm doanh nghiệp xuất, nhập khẩu thì hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp giao kết hợp đồng, lập bộ chứng từ, giao dịch L/C chỉ trong vài giờ.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp vừa trải qua khó khăn do đại dịch, tài sản bảo đảm đã mang đi thế chấp các khoản vay rồi nhưng vẫn đang khát vốn để phục hồi sản xuất thì việc ngân hàng cho vay theo dòng tiền, cho vay tín chấp là điều mà cả doanh nghiệp và ngân hàng đều mong muốn.

“Cách làm này đơn giản, tháo gỡ được vướng mắc lâu nay là thiếu tài sản đảm bảo của nhiều khách hàng”, ông Lực nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cần công khai, minh bạch, phản ánh đúng thực trạng tình hình tài chính và tiềm lực khả năng sinh lời của dự án. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp khai báo số liệu tài chính không trung thực, như vậy sẽ gây khó cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 29/10, tăng trưởng tín dụng của hệ thống đạt 8,72% so với cuối năm 2020. Con số này cao hơn so với mức tăng 6,5% ở cùng kỳ năm trước.

Chỉ tiêu tín dụng cả năm 2021 được đặt ra từ đầu năm nay là 12%, tuy nhiên theo Ngân hàng Nhà nước, chỉ tiêu này hoàn toàn linh hoạt, khi doanh nghiệp và nền kinh tế cần vốn để phục hồi sản suất kinh doanh, tổng tín dụng cả năm có khả năng tăng cao hơn chỉ tiêu 12% nói trên.

Tác giả: Cao Sơn

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok