Giáo dục

Nạn quà vặt độc hại ở cổng trường: Đừng đầu độc ‘mầm non’ đất nước

Vấn nạn quà vặt bẩn ở cổng trường học đã được nêu ra trong cuộc họp Quốc hội ngày 5/6 vừa qua

Thực phẩm bẩn là vấn đề mà người dân, các cấp chính quyền vô cùng quan tâm. Tuy nhiên, dường như với không ít người, vấn nạn đó chỉ dừng lại ở những sạp hàng thực phẩm hay những những nhà hàng, quán cóc vỉa hè…

Người ta bức xúc khi “nghe nói” kết quả kiểm tra nồng độ hóa chất ở sạp rau, phản thịt ngoài chợ quá mức cho phép; người ta tẩy chay những hàng quán bị “dính phốt” sử dụng, chế biến nguyên liệu không rõ nguồn gốc… Nhưng người ta lại thờ ơ với những mẹt hàng rong, những thức quà xanh đỏ, những gói bò, mực, cá tẩm gia vị không rõ nguồn gốc ở cổng trường. Thậm chí, không ít người còn coi đó là những “biểu tượng”, những kỷ niệm thiêng liêng, đáng nhớ, bất khả xâm phạm của thời áo trắng.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo cho rằng "Cần có một đầu mối làm chủ quản trong lĩnh vực này, tăng chế tài đối với vi phạm". (Ảnh: Quốc hội)

Ấy thế mà những “kỷ niệm tuổi thơ” đó đã đầu độc sức khỏe biết bao “mầm non tương lai” của đất nước. Chẳng ai biết nguồn gốc của những gói kẹo xanh đỏ, những gói thịt khô tẩm gia vị được sản xuất ở đâu, cũng chẳng ai rõ người ta đã tẩm thứ hóa chất gì để tạo hương vị? Liệu những hương liệu để tẩm ướp, những miếng thịt, miếng mực… có đảm bảo chất lượng, có an toàn cho sức khỏe hay không khi nó chỉ có giá 1 – 2 nghìn đồng. Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo cho rằng: “Những món quà vặt nói trên chưa gây hậu quả tức thời, mà chất độc dần ngấm vào, tích lũy trong người và đến lúc nào đó mới gây bệnh như tiểu đường, béo phì, tổn thương thần kinh, suy gan, suy thận, thậm chí ung thư.”

Ngoài những nguyên nhân không thể chối cãi như sự yếu kém trong khâu quản lý của cơ quan chức năng, lòng tham của người bán hàng thì chúng ta còn thấy được một nguyên nhân nữa góp phần không nhỏ vào “sự bùng nổ” của nạn thực phẩm bẩn. Đó là sự kém thông thái của người tiêu dùng. Tuy nhiên, với những vị “khách hàng” nhỏ tuổi, không thể lấy sự “kém thông thái” của các em ra để phớt lờ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc quản lý những hàng quà bẩn ở cổng trường.

Rất nhiều thứ quà bánh bắt mắt không rõ nguồn gốc được bày bán ở cổng trường. (Ảnh minh họa)

Bởi các em còn quá nhỏ để nhận thức được thứ gì lợi, thứ gì hại cho sức khỏe của mình. Cũng bởi cơ thể các em luôn đòi hỏi nhiều chất dinh dưỡng để phát triển thể chất, bù đắp năng lượng sau những giờ học mệt mỏi. Và với số tiền tiêu vặt ít ỏi mà phụ huynh cho để “dắt túi” thì những hàng quà, những gói bánh, gói kẹo có mức giá bèo bọt, màu sắc hấp dẫn ở cổng trường luôn là sự lựa chọn hàng đầu.

Chúng ta vẫn cứ truyền tai nhau câu nói rằng “Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước”, “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”… Ấy vậy mà việc bảo vệ sức khỏe của những “mầm non tương lai” đó lại không được thực sự quan tâm. Tương lai đất nước sẽ ra sao khi vài chục năm nữa, thay vì lao động, học tập, nghiên cứu để tạo ra những giá trị cho xã hội thì những “mầm non” đó lại sống dặt dẹo trong bộ quần áo bệnh nhân vì suy gan, suy thận, ung thư… do những chất độc ở thực phẩm bẩn “phát tác”.

Nhiều gói bò khô, sườn cay, xúc xích được bán với giá vài nghìn đồng. (Ảnh minh họa)

Và đương nhiên, viễn cảnh nói trên có xảy ra hay không, phần lớn phụ thuộc vào sự nghiêm túc trong việc quản lý “thực phẩm bẩn” ở cổng trường của các cơ quan chức năng.

Cuối cùng, tôi xin phép được gửi lời cảm ơn sâu sắc tới đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (giáo viên trường THPT Giao Thủy, Nam Định) vì đã đưa ra vấn đề quà vặt bẩn ở cổng trường trong cuộc họp Quốc hội ngày 5/6 vừa qua.

Tác giả: Bảo Trang

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok