Thế giới

Mỹ-Iran trả đũa khốc liệt: "Bàn cờ" Syria rung chuyển, ông Putin đến lúc chuyển "kế hoạch B"?

Ở cấp độ chiến lược, sự leo thang hơn nữa giữa Iran và Mỹ có thể làm xáo trộn cán cân địa chính trị mà Nga đang duy trì ở Syria. Tuy nhiên, Tổng thống Putin không thể giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện giữa Mỹ và Iran - một cuộc chiến mà Iran không thể thắng.

Tổng thống Putin đang theo sát căng thẳng Mỹ-Iran.

Tướng Qassem Soleimani bị ám sát, Iran trả đũa Mỹ bằng cuộc tấn công vào căn cứ quân sự ở Iraq. Diễn biến căng thẳng những ngày qua không can dự gì đến Nga nhưng sự leo thang sau cái chết của tướng Soleimani có khả năng thay đổi những tính toán của Tổng thống Vladimir Putin trong khu vực.

Đã có những đồn đoán cho rằng Nga – với tư cách là một trong những thế lực chi phối ở Syria – sẽ hưởng lợi từ việc Iran suy yếu về sức mạnh sau cái chết của vị tướng nổi danh, đồng thời sẽ có động thái giúp Iran trả đũa. Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh Syria, mọi thứ sẽ đi theo chiều hướng rất khác.

Vì sao Nga sẽ không giúp Iran trả đũa?

Một số nhà phân tích cho rằng, lý do Nga luôn muốn hạn chế vai trò của Iran ở Syria là vì nước này không thể kiểm soát được hành động của Iran hay Hezbollah tại điểm nóng Trung Đông.

Viết trên Bloomberg, chuyên gia phân tích Leonid Bershidsky nhận định, ông Putin chưa bao giờ muốn một mình kiểm soát toàn bộ cuộc khủng hoảng Syria mà chỉ muốn thúc đẩy lợi ích kinh tế và quân sự của Nga vượt trội hơn Mỹ.

Chính vì điều này, Nga không hề muốn hạn chế ảnh hưởng của Iran đối với Syria, thậm chí thừa nhận rằng, một liên minh mạnh mẽ giữa Damascus, Tehran và Hezbollah là không thể lay chuyển, đồng thời nó sẽ vẫn tồn tại như vậy trong tương lai.

Trên thực tế, các nhà ngoại giao Nga và chính ông Putin cũng luôn tránh gọi Iran là đồng minh. Đối với Điện Kremlin, Iran chỉ là một lựa chọn thỏa thuận địa chính trị phù hợp vì họ không muốn bắt tay với một thế lực thân Mỹ.

Một liên minh phải được xác định bởi cam kết qua lại giữa đôi bên. Nhưng khi nói đến Iran, ông Putin đã tránh mọi cam kết nghiêm túc. Trong nỗ lực thiết lập Nga như một trung gian hòa giải ở Trung Đông, ông Putin đã làm việc với một loạt các đối thủ của Iran, như Israel và với Thổ Nhĩ Kỳ, thay vì chọn một phe trong cuộc xung đột.

Cái chết của tướng Soleimani sẽ không thay đổi gì về định hướng cơ bản này. Như một phép lịch sự, tất cả những gì Nga cảm thấy cần phải làm là gửi lời chia buồn và tiếp tục hợp tác quân sự với người kế nhiệm của chỉ huy Iran. Tương tự như vậy, Tổng thống Putin sẽ không giúp đỡ bất kỳ nỗ lực trả đũa nào của Iran.

Tuy nhiên, Nga sẽ buộc phải phản ứng nếu Iran trả đũa Mỹ và khi tình hình vượt qua tầm kiểm soát. Nhà phân tích quân sự Nga Pavel Felgenhauer thậm chí đã ví vụ ám sát tướng Soleimani với vụ ám sát Thái tử Franz Ferdinand của Áo vào năm 1914, sự kiện khai mào cho Thế chiến I.

Một kịch bản tương tự có thể xảy ra đó là Iran tấn công Israel và một phản ứng của Israel ở Syria có thể gây nguy hiểm cho quân đội Nga.

Tổng thống Putin đã lên kế hoạch thăm Israel trong tháng này; giải quyết các nguy cơ rủi ro ở Syria sẽ là một trong những chủ đề chính mà ông thảo luận với Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Kế hoạch B

Trong trường hợp Mỹ-Iran leo thang, cán cân địa chính trị Syria cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Ở cấp độ chiến lược, sự leo thang hơn nữa giữa Iran và Mỹ có thể làm xáo trộn cán cân địa chính trị mà Nga đang duy trì ở Syria. Tuy nhiên, Tổng thống Putin không thể giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện giữa Mỹ và Iran - một cuộc chiến mà Iran không thể thắng.

Để dự phòng cho một tình huống như vậy, Tổng thống Putin sẽ cần một sự thay thế cho sức mạnh của Iran ở Syria - một sự sắp xếp nào đó giúp Nga không cần thiết phải đưa thêm quân đội nhưng vẫn ngăn chặn sự quay trở lại của Mỹ - qua đó cho phép Nga duy trì ảnh hưởng tại đây.

Các lựa chọn thay thế Iran của Tổng thống Putin hiện tại dường như chỉ còn lại mỗi Thổ Nhĩ Kỳ, thế lực mạnh mẽ nhất trong khu vực không phải là đồng minh bền vững của Mỹ.

Mặc dù Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang đứng ở hai bờ chiến tuyến trong cuộc xung đột Libya, hai nhà lãnh đạo Putin và Erdogan vẫn có những sợi dây ràng buộc để làm việc cùng nhau. Trước đó, cả hai đã có với nhau thỏa thuận ngừng bắn khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự chống lại người Kurd ở Syria.

Tổng thống Erdogan là kế hoạch B duy nhất có thể giúp ông Putin tiếp tục hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Assad.

“Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trước đó vẫn có quan điểm lật đổ chính quyền Assad, và nếu Iran rơi vào cuộc chiến với Mỹ, buông lỏng ở Syria, Tổng thống Putin nhiều khả năng phải thỏa hiệp với người đồng cấp Erdogan hơn là tiếp tục chống đỡ một mình”, chuyên gia phân tích Leonid Bershidsky nhận định.

Về phần mình, giới lãnh đạo Damascus có lẽ nên mong chờ Iran không nên làm gì quá manh động trong căng thẳng với Mỹ.

Tác giả: Mạnh Kiên

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: Bàn cờ , Mỹ-Iran , ông Putin , Syria

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok