Trong nước

Mạnh tay với kẻ trục lợi

Tại cuộc họp báo vào cuối tuần qua, ông Nguyễn Ngọc Điệp - Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình - khẳng định thông tin nhiều cán bộ, đảng viên của 2 xã Quý Hòa và Tân Lập lọt vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để hưởng hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, là đúng sự thật.

Trước đó, kiểm tra theo đơn thư tố cáo về khuất tất trong đối tượng hưởng hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng, cơ quan chức năng huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa xác định trong 11 hộ cận nghèo theo nội dung đơn thư tố cáo, 9 hộ có nhà tầng kiên cố, có ôtô... Trong khi đó, tại xã Yên Thọ của huyện này có 6 hộ hoàn cảnh khó khăn nhưng lại không thuộc diện được hỗ trợ. Ở xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, ông Hách Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã và một số cán bộ đưa tên người thân vào diện hộ nghèo, cận nghèo để hưởng hỗ trợ...

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, cả nước đã góp công góp sức cùng Chính phủ, cùng một lòng phòng chống dịch. Nhiều cụ già lâu nay sống tằn tiện đã không nhận tiền hỗ trợ, xin ra khỏi diện hộ nghèo để nhường suất hỗ trợ cho người khác, mang tiền tiết kiệm đến gửi giúp người nghèo. Ngân sách có hạn nên sau khi triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, những người làm công ăn lương phải chấp nhận thắt lưng buộc bụng trong khó khăn chung. Lộ trình tăng lương cán bộ, công chức dự kiến từ tháng 7-2020 đã được đề xuất lùi lại.

Ngân sách chính là tiền dân đóng góp, sử dụng đúng lúc, đúng nơi. Khi ban hành Nghị quyết 42, Chính phủ quán triệt phải chi đúng đối tượng, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Nhiều người lo ngại tái diễn câu chuyện bò dê cấp cho người nghèo làm sinh kế thì lại "đi lạc" vào nhà cán bộ xã như đã từng xảy ra. Thế mà nay xảy ra chuyện trục lợi từ gói 62.000 tỉ đồng, bất chấp khuyến cáo có tính răn đe của Chính phủ, sự quan tâm theo dõi của dư luận.

Với những vụ tham nhũng vặt, cái lợi vật chất có thể không lên đến tiền tỉ nhưng gây nguy hại không nhỏ. Những kẻ trục lợi chính sách đều xem thường chủ trương chính sách và bất chấp dư luận, họ không còn xứng đáng là công bộc của dân. Với vụ ở xã Thiệu Thành, Huyện ủy Thiệu Hóa đã xử lý bằng cách đưa những người sai phạm ra khỏi quy hoạch nhân sự lãnh đạo sắp tới (?!). Nếu không bị xử lý, không biết các vị trên sẽ lèo lái địa phương mình về đâu khi chỉ lo vun vén làm giàu cho gia đình cùng những món lợi có được từ lợi dụng quyền thế.

Hiện nay, hầu hết các địa phương đều thực thi khá nhanh việc hỗ trợ gói 62.000 tỉ đồng đối với người có công và đối tượng bảo trợ. Tuy nhiên, việc hỗ trợ với lao động tự do một số địa phương còn chậm. Ngoài lý do cần xác minh, thẩm định kỹ, còn có hiện tượng chậm chạp vì năng lực kém, ngại trách nhiệm.

Cán bộ cấp nào cũng quan trọng, riêng với cấp cơ sở, cán bộ địa phương, những nơi gần dân nhất phải thể hiện năng lực, tâm huyết, phải hết mình thì dân mới tin. Nếu không làm tròn trách nhiệm, làm không đúng, thậm chí sai lạc chủ trương thì hậu quả gây ra là không nhỏ, vừa giảm đi mặt tốt đẹp của chính sách vừa làm giảm lòng tin của nhân dân.

Tác giả: Quý Hương

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok