Trong tỉnh

Loay hoay chọn tên xã khi sáp nhập

Thanh Hóa đang khẩn trương triển khai kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Tuy nhiên, nhiều địa phương đang gặp khó trong việc chọn tên gọi của xã mới, cũng như trong sắp xếp cán bộ dôi dư.

Toàn tỉnh Thanh Hóa có 66 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 26 huyện, thành phố phải tiến hành sắp xếp. ẢNH MINH HẢI

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã với lãnh đạo các sở, ngành và đặc biệt là các huyện có xã phải sắp xếp lại.

Theo Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 24.12.2018 của Bộ Chính trị, toàn tỉnh Thanh Hóa có 66 xã, thị trấn thuộc 26 huyện, thành phố (riêng TX.Bỉm Sơn không có xã, phường phải sắp xếp lại) thuộc diện phải sắp xếp lại, do chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Trong đó, một số huyện có nhiều xã phải sắp xếp là Thọ Xuân (11 xã, 1 thị trấn), Hoằng Hóa (9 xã), Hà Trung (7 xã), Quan Hóa (3 xã, 1 thị trấn)…

Tham vấn Hội sử học

Tại hội nghị, tất cả ý kiến của lãnh đạo các huyện đều phản ánh khó khăn, lúng túng trong việc chọn tên gọi cho xã mới, việc sắp xếp lại cán bộ khi sáp nhập, cũng như chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư.

Ông Lê Xuân Thu, Bí thư Huyện ủy H.Hoằng Hóa (Thanh Hóa), cho biết huyện này có 9 xã phải sắp xếp, nhưng trong quá trình sắp xếp sẽ ảnh hưởng đến 14 xã lân cận.

“Khó nhất hiện nay là lựa chọn tên và chọn địa điểm ở xã nào để làm trung tâm xã mới, vì xã nào cũng muốn tên gọi mới liên quan đến xã của mình. Chúng tôi cũng đang bàn luận giữ lại hay không giữ lại chữ Hoằng trong chữ đầu tiên của các xã mới ở huyện, vì chữ này là chữ vua ban. Hơn nữa, huyện chúng tôi có đến 9 xã phải sắp xếp lại, đơn vị hành chính giảm nhiều, nên đội ngũ cán bộ thừa nhiều. Do vậy, đề nghị tỉnh có chủ trương sớm để hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với một số cán bộ sắp nghỉ hoặc nghỉ sớm, nghỉ trước tuổi”, ông Thu nói.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy H.Thọ Xuân, cho hay huyện này là đơn vị có số lượng xã sắp xếp lại nhiều nhất, với 11 xã và 1 thị trấn, khi triển khai sắp xếp lại sẽ ảnh hưởng đến 19 xã lân cận. Và tổng số cán bộ, công chức dôi dư là 231, tổng số cán bộ chuyên trách là khoảng 207 người.

“Cái khó nhất bây giờ là bố trí người đứng đầu, ai làm bí thư, ai làm chủ tịch và ai đứng đầu các đoàn thể. Về tên gọi của xã mới cũng đang lúng túng, khó khăn nên chúng tôi phải nhờ đến Hội Sử học của huyện bàn bạc, xem xét, sau đó sẽ đưa ra cho người dân lựa chọn”, ông Hùng nói.

Đại diện khu vực các huyện miền núi, ông Phạm Bá Diệm, Bí thư Huyện ủy H.Quan Hóa, cho biết thuận lợi của huyện là cả 4 xã, thị trấn phải sắp xếp đều tương đồng về văn hóa, dân tộc, phong tục tập quán. Nhưng khó khăn lớn nhất của khu vực miền núi là địa hình, nếu nhập nguyên trạng các xã với nhau thì rất khó vì có thôn, bản địa hình chia cắt, ngăn cách bởi sông, đồi núi, do vậy, phải cắt một số bản, thôn từ xã này sang xã khác.

Đặc biệt, việc mở rộng địa giới hành chính TT.Quan Hóa (H.Quan Hóa), ông Diệm cho rằng, phải mở rộng theo hướng quốc lộ chứ không thể mở rộng theo hướng vào rừng được, nên huyện này sẽ sáp nhập xã Xuân Phú về với thị trấn.

Về công tác cán bộ, hiện nay công chức 4 xã sắp sáp nhập của H.Quan Hóa đều đang rất lo lắng, tâm tư. Lo lắng sau sáp nhập không có chỗ để bố trí thì không có công ăn việc làm.

Từ 1.12 hoạt động theo đơn vị cấp xã mới

Trước những băn khoăn của các huyện trong lựa chọn tên gọi cho xã mới và công tác sắp xếp cán bộ, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến gợi ý cho các địa phương nên nghiên cứu theo hướng lấy tên theo lịch sử để tạo đồng thuận cao trong dân các xã.

Trong công tác sắp xếp cán bộ, ông Chiến yêu cầu các địa phương phải dừng việc bổ nhiệm, tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ. Riêng việc điều động, bổ nhiệm từ xã sắp sáp nhập đến các xã khác, hoặc lên cấp huyện thì nên tiến hành để giảm bớt số lượng cán bộ, công chức dôi dư. UBND tỉnh Thanh Hóa phải xây dựng và hướng dẫn cụ thể về chế độ, chính sách để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ khi tiến hành sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã.

Ông Chiến đặt ra 2 mốc thời gian cho việc sắp xếp kể trên. Thứ nhất là công việc chuẩn bị phải hoàn tất để trình HĐND tỉnh thông qua vào kỳ hợp cuối tháng 6 tới. Thứ hai là bắt đầu từ 1.12, tất cả hoạt động phải theo đơn vị cấp xã mới, không địa phương nào được xin lùi thời gian.

Ông Chiến thông tin thêm tạm thời trong năm 2019 chưa thực hiện sắp xếp lại cấp huyện. Nếu ổn định xong việc sắp xếp cấp xã và điều kiện cho phép thì năm 2020 mới sắp xếp cấp huyện, hoặc để sang nhiệm kỳ sau.

Tác giả: Minh Hải

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok