Giáo dục

Lỗ hổng trong đào tạo sinh viên sư phạm

Chương trình đào tạo hiện nay dành quá ít thời gian dạy kỹ năng nghề nghiệp, khiến nhiều thầy cô lúng túng khi gặp tình huống khó.

TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ bất cập trong việc đào tạo giáo viên hiện nay.

Tháng 3 và đầu tháng 4 liên tiếp xảy ra các sự vụ liên quan đến ứng xử giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh. Một cô giáo ở TP HCM 3 tháng không nói gì khi đứng lớp; một phụ huynh ở Long An bắt giáo viên quỳ xin lỗi vì phạt học sinh; thầy giáo ở Nghệ An tát học sinh rồi bị đánh dập sống mũi. Mới đây nhất là cô giáo trường tiểu học ở Hải Phòng ép học sinh uống nước giẻ lau bảng. Những câu chuyện khiến dư luận đặt câu hỏi: tại sao mối quan hệ giữa thầy - trò - phụ huynh lại xa cách? Giáo viên đã được đào tạo thế nào về nghiệp vụ sư phạm?

Từ góc độ học sinh, chúng ta phải thừa nhận thực tế trẻ em ngày nay được chiều chuộng quá sức nên có không ít hành xử thiếu tôn trọng thầy cô. Nhiều cựu sinh viên của tôi từng than thở bị học sinh thách thức khi nhắc nhở các em: Cô làm thế em về mách bố, bố em đánh chết cô đấy; Cô phạt em thì mai em nghỉ học...

TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Công việc chuyên môn nhiều, những ràng buộc, khuôn phép khi luôn phải hành động theo chuẩn mực xã hội, việc dạy dỗ những đứa trẻ được nuông chiều ấy khiến giáo viên áp lực vô cùng. Họ không được thoải mái khi lên lớp mà phải thận trọng và khép mình. Nếu không, rất dễ dàng họ có thể trở thành đề tài bàn luận trên mạng xã hội, qua các video, chia sẻ mà phụ huynh, học sinh đăng tải. Khi không có chữ nhẫn, nhiều việc đau lòng sẽ xảy ra.

Khi học sinh được nuông chiều, giáo viên chịu nhiều áp lực thì việc trang bị các kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm rất quan trọng, giúp nhà giáo đứng trước tình huống khó sẽ biết cách xử trí hợp lý. Tuy nhiên, chương trình đào tạo sinh viên ngành sư phạm hiện nay dành quá ít thời gian để dạy kỹ năng nghề nghiệp.

Như ở Đại học Sư phạm Hà Nội, năm nào sinh viên cũng được học môn Thực hành sư phạm với nửa kỳ lý thuyết, nửa kỳ thực hành, nhưng môn này chỉ nghiêng về xử lý tình huống thường thấy trong lớp như: học sinh hỏi quá nhiều, nói chuyện riêng… Chương trình thiếu các nguyên tắc, chuyên đề cụ thể giúp giáo viên đánh giá trước hành động, suy nghĩ của học sinh để dự đoán biểu hiện cụ thể và tính toán cách giải quyết.

Việc ứng xử với phụ huynh được thể hiện ở mục Ứng phó với tình huống, nhưng số lượng tình huống còn ít, thiếu ví dụ bất ngờ, hay liên quan đến phụ huynh cá biệt. Chương trình cũng không nêu thành chuẩn quy tắc thế nào là đúng đạo đức, thế nào cho an toàn… Ngoài ra, cũng không có bộ môn Đạo đức giáo viên hay dạy cách thưởng phạt cho học sinh trong trường sư phạm.

Ở nhiều quốc gia, việc đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên chiếm thời lượng lớn. Sinh viên sư phạm ở Đức được xem các video tình huống và phân tích, tìm cách giải quyết vấn đề. Sinh viên sư phạm ở Singapore từ năm nhất đại học đã đến các trường học tìm hiểu về môi trường làm việc và hỗ trợ một vài công việc trên lớp cho giáo viên chính.

Trong câu chuyện ứng xử không chuẩn mực của giáo viên, cũng cần xem xét trách nhiệm của địa phương trong việc tuyển dụng. Một giáo viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên ngành sư phạm sẽ khác hẳn một người tốt nghiệp chuyên ngành khác rồi học thêm văn bằng của trường sư phạm. Giáo viên được đào tạo bài bản ở trường sư phạm cũng đã yếu kỹ năng nghề nghiệp thì giáo viên không được đào tạo bài bản có thể đưa ra những ứng xử phản tác dụng, gây bất bình. Trường hợp cô giáo ở trường Tiểu học An Đồng (Hải Phòng) là một điển hình.

Phía ngành giáo dục cần có thêm quy định đối với học sinh, giáo viên và phụ huynh, nên văn bản hóa bằng cam kết. Ví dụ, để tránh tình trạng phụ huynh can thiệp, xúc phạm, đánh đập giáo viên…, trước khi con vào học, cha mẹ cần cam kết không xâm phạm vào trường học như vào lớp học trong giờ cô giáo giảng bài. Khi có việc cần, phụ huynh gặp giáo viên ở một phòng họp riêng, có lắp camera theo dõi. Nếu phụ huynh vào trường làm gì đó gây ảnh hưởng đến trường và học sinh, con của họ có thể không được học ở trường nữa.

Thầy cô giáo, nhà trường cũng cần cam kết là không được xâm phạm vào thân thể, làm ảnh hướng đến tâm lý, danh dự của học sinh. Nếu giáo viên vi phạm sẽ bị chấm dứt hợp đồng làm việc, đuổi khỏi ngành.

Tác giả: TS Vũ Thu Hương

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: sự phạm , đại học , sinh viên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok