Kinh tế

Lộ diện thêm 2 tỷ phú USD người Việt; Đại gia sinh năm 1994 "lật kèo" 66 tỷ đồng

Trước thời điểm công bố cập nhật danh sách xếp hạng những người giàu nhất thế giới năm 2019 vào tháng 3 tới, tạp chí Forbes đã “rục rịch” chuẩn bị thông tin liên quan tới 2 doanh nhân người Việt khởi nghiệp thành công tại Đông Âu. Trong khi đó, thông tin về một đại gia 9x bất ngờ lật kèo hàng chục tỷ đồng cũng thu hút được sự chú ý của bạn đọc.

Bất ngờ: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng rời ghế Chủ tịch Vinhomes

Cụ thể, theo tin từ Công ty Cổ phần Vinhomes (HoSE: VHM), công ty này vừa công bố Nghị quyết của HĐQT về việc thông qua bầu Chủ tịch HĐQT, miễn nhiệm, bổ nhiệm Tổng giám đốc và thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.

Bà Nguyễn Diệu Linh - Tân Chủ tịch HĐQT Vinhomes.

Theo Nghị quyết, theo đề nghị của chính ông Phạm Nhật Vượng, HĐQT Vinhomes quyết định bầu bà Nguyễn Diệu Linh là Chủ tịch HĐQT công ty thay cho ông.

Được biết, bà Nguyễn Diệu Linh sinh ngày 14/5/1974, là Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinhomes ngay trước lúc nhận quyết định mới. Bà hiện đang đại diện cho hơn 1,1 triệu cổ phiếu VHM mà Tập đoàn Vingroup sở hữu, tương đương tỷ lệ sở hữu 34,83%.

Bất ngờ đại gia 9X lại “huỷ kèo”

Sau khi bầu Kiên rút hết cổ phần khỏi Vietbank và bà Đặng Ngọc Lan vừa rời HĐQT ngân hàng này thì một thông tin khá bất ngờ là một cổ đông khác sinh năm 1994 những tưởng sẽ chi 66 tỷ đồng cho thương vụ mua cổ phần Vietbank nhưng cuối cùng lại thay đổi quyết định.

Trước đó, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) đã ban hành nghị quyết về việc hủy chào bán gần 6,6 triệu cổ phần chưa phân phối hết cho cổ đông Nguyễn Phan Hoài Hiệp theo nguyện vọng của cổ đông này.

Một nghị quyết được Vietbank công bố tháng 12/2018 cho hay, gần 6,6 triệu cổ phần này được phân phối cho ông Nguyễn Phan Hoài Hiệp với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phần tương ứng với việc ông Hiệp phải chi khoảng 66 tỷ đồng để sở hữu số cổ phần này và sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Tuy vậy, đến nay kế hoạch này đã “phá sản”.

Thông tin gây chú ý đó là Nguyễn Phan Hoài Hiệp còn rất trẻ, sinh năm 1994 nhưng là chủ sở hữu/người đại diện theo pháp luật của một loạt doanh nghiệp như Công ty CP Đầu Tư THT Phú Trì; Công ty TNHH Đầu tư 29A Phú Trì; Công ty TNHH Đầu tư NDC Phú Trì và Công ty CP Đầu tư Phú Trì. Các doanh nghiệp này đều có địa chỉ nằm tại 02 Thi Sách - Phường Bến Nghé - Quận 1 - TP HCM.

Mất danh xưng “tỷ phú USD”, ông Trần Đình Long vừa nhận tin quan trọng

Phiên giao dịch ngày 27/2, cổ phiếu HPG của Hoà Phát cũng hồi phục trở lại. Thời gian gần đây, diễn biến của HPG khá tốt với mức tăng hơn 16% trong vòng 1 tháng qua.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hoà Phát

Tuy vậy, mức giá hiện tại của HPG vẫn đang thấp hơn gần 25% so với 1 năm trước. Đây cũng là lý do khiến ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hoà Phát đánh mất danh xưng “tỷ phú USD” do tài sản sụt xuống dưới ngưỡng 1 tỷ USD.

Nhưng thông tin đáng chú ý lại là việc, mới đây Bộ Tài nguyên Môi trường đã chính thức cấp giấy phép cho phép Công ty CP Thép Hoà Phát Dung Quất được nhận chìm 15,39 triệu m3 chất nạo vét khu vực cảng, luồng tàu ra vao cảng, khu bến cảng thuộc Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Việc nhận chìm chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn khoảng 7,7 triệu m3. Thành phần của chất nhận chìm là cát chiếm khoảng 86,4%, bùn sét chiếm khoảng 13,6%, không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải vượt quy chuẩn môi trường.

Khu vực nhận chìm được ấn định tại vùng biển Dung Quất, Xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có diện tích 180 ha có độ sâu từ 51 – 55m. Hòa Phát sẽ sử dụng tàu hút bụng xả đáy tự hành loại 7.000 m3 đến 35.000 m3 nhận chìm theo hình thức xả đáy. Việc nhận chìm sẽ diễn ra từ tháng 3/2019 đến tháng 5/2020 (15 tháng).

Hai gương mặt “tỷ phú USD” mới, nhóm Đông Âu trỗi dậy

Trước thời điểm công bố cập nhật danh sách xếp hạng định kỳ những người giàu nhất thế giới năm 2019 vào tháng 3 tới, tạp chí Forbes đã “rục rịch” chuẩn bị thông tin liên quan tới 2 doanh nhân người Việt khởi nghiệp thành công tại Đông Âu là ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh.

Forbes đã chuẩn bị dần hồ sơ về hai tỷ phú USD mới của Việt Nam

Cổ phiếu MSN của Công ty CP Tập đoàn MaSan vừa kết thúc phiên giao dịch 25/2 rất thuận lợi với mức tăng 2.800 đồng tương ứng 3,2% lên 91.200 đồng; thanh khoản tốt, đạt xấp xỉ 1,14 triệu cổ phiếu.

Cùng với đó, TCB của ngân hàng Techcombank cũng giữ được đà tăng của phiên cuối tuần trước, nhích nhẹ 0,2% lên 27.750 đồng/cổ phiếu; thanh khoản đạt 3,85 triệu đơn vị.

Ở mức giá này của MSN và TCB, tổng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank đạt 23.645 tỷ đồng và của ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn MaSan là 23.263 tỷ đồng.

Tuy chưa cập nhật số tài sản cụ thể song những thông tin cá nhân và hoạt động kinh doanh của hai vị doanh nhân đã bắt đầu được tạp chí này đề cập. Cụ thể, cả hai ông đều là doanh nhân tự thân và làm giàu từ ngành hàng tiêu dùng, ngân hàng.

Có một điểm khá thú vị là nếu được ghi danh trong kỳ xếp hạng tháng 3/2019, Việt Nam sẽ có thêm 2 tỷ phú USD “khởi nghiệp từ Đông Âu” bên cạnh ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Tác giả: Thế Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok