Trong nước

“Lẽ ra ông Nguyễn Xuân Anh nên từ chức trước và xin lỗi nhân dân”

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng cho rằng, lẽ ra ông Nguyễn Xuân Anh khi biết mình có sai phạm, không đáp ứng được công việc, không xứng đáng với niềm tin của Đảng, nhân dân thì nên xin từ chức trước và công khai xin lỗi chứ đừng chờ đến khi có quyết định kỷ luật mình.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa ra Quyết định thi hành kỷ luật Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020; và cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: "Lẽ ra ông Nguyễn Xuân Anh nên xin từ chức trước, công khai xin lỗi nhân dân Đà Nẵng chứ đừng chờ đến khi có quyết định kỷ luật mình". (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Chúng ta nên nghĩ đến văn hóa ứng xử cao hơn, văn hóa từ chức"

Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Nguyễn Trọng Phụng, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Mình) – cho rằng: “Giá như ông Nguyễn Xuân Anh khi biết mình mắc sai phạm, không đáp ứng được công việc, không xứng đáng với niềm tin của nhân dân Đà Nẵng thì nên mạnh dạn xin từ chức trước chứ đừng chờ đến khi có quyết định kỷ luật mình.

Nếu Xuân Anh có xin từ chức trước thì vẫn phải chờ cấp trên quyết định, và có các sai phạm khác sẽ vẫn bị xử lý kỷ luật, nhưng điều này nó thể hiện danh dự và lòng tự trọng cá nhân. Xin từ chức và mạnh dạn công khai xin lỗi nhân dân Đà Nẵng sẽ rất tốt, nhưng Xuân Anh lại không làm điều này. Qua đây chúng ta cũng nên nghĩ đến một văn hóa ứng xử cao hơn, đó là văn hóa từ chức”.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc tin tưởng rằng, khi ông Xuân Anh biết sai, xin lỗi rồi tự răn mình, sửa chữa thì Đảng, nhân dân sẽ luôn rộng lượng tha thứ, giúp ông Xuân Anh tiến bộ chứ không bao giờ kỳ thị, hắt hủi.

Ngày 7/10, phát biểu tại buổi trao quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Trương Quang Nghĩa làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thay cho ông Nguyễn Xuân Anh, ông Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng mong ông Nguyễn Xuân Anh cần phải rút ra bài học sâu sắc trong cuộc đời công tác làm việc của mình để phấn đấu vượt lên, tiếp tục là người đảng viên có nghị lực, bản lĩnh chính trị để vượt qua khó khăn, thách thức và trưởng thành, có đóng góp cho Đảng, Nhà nước và Đà Nẵng trong thời gian tới

Đồng thời, ông Phạm Minh Chính cũng kêu gọi mọi người trong Ban chấp hành, Ban Thường vụ và người dân Đà Nẵng tiếp tục giúp đỡ ông Xuân Anh trở thành đảng viên tốt, có những đóng góp cho đất nước, cho Đảng và nhân dân.

Ngày 7/10, ông Phạm Minh Chính (bìa trái) trao Quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Trương Quang Nghĩa giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. (Ảnh: Tâm An).

Từ sự việc trên, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, đây là bài học rất sâu sắc, khâu quy hoạch và lựa chọn cán bộ phải rất thận trọng, nhất là ở các thành phố trọng yếu của đất nước như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội,…Mặt khác, lựa chọn cán bộ giữ các chức vụ quan trọng của đất nước cũng phải hết sức thận trọng.

Ông Phúc cho rằng, nhiệm kỳ này Đảng ta đã làm rất tốt, bài bản, chặt chẽ trong khâu quy hoạch, lựa chọn cán bộ. Tuy nhiên, theo ông Phúc, bài bản, chặt chẽ đến đâu vẫn không thể tránh khỏi sơ hở, biện chứng của cuộc sống là vậy. Nhưng nếu có sơ hở mà phát hiện được sớm như trường hợp ở Đà Nẵng thì vẫn có thể sửa chữa công tác cán bộ được. Bởi, chọn một cán bộ sai, nếu không phát hiện được sớm sẽ để lại hậu quả rất lâu dài.

“Tôi cho rằng sự việc ở Đà Nẵng là trong cái rủi lại có cái may, may là chúng ta phát hiện sớm để khắc phục, Ủy Ban kiểm tra Trung ương (UBKTTU) đã phối hợp với cấp ủy Đà Nẵng làm rất tốt việc này. Nếu không phát hiện sớm, có thể những cán bộ này “ngoi” lên những vị trí cao hơn mà vẫn tham vọng quyền lực, cơ hội chính trị không phát hiện ra sẽ rất nguy hiểm” – ông Phúc nêu quan điểm.

Thường xuyên giám sát để kiểm soát quyền lực

Theo ông Phúc, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành những tiêu chuẩn, tiêu chí của cán bộ, lãnh đạo thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý. Căn cứ vào kết luận của UBKTTU thì cá nhân ông Nguyễn Xuân Anh và Huỳnh Đức Thơ đều vi phạm các tiêu chuẩn, tiêu chí của Bộ Chính trị.

“Bộ tiêu chuẩn, tiêu chí nói trên là cơ sở để các cơ quan của Đảng đánh giá cán bộ, kiểm tra, giám sát cán bộ. Tổng Bí thư luôn nhắc là phải “kiểm soát quyền lực” cho tốt, nếu lơ là chuyện này kể cả có chọn đúng người, nhưng mà không thường xuyên giám sát thì rất dễ vi phạm.

Tổ chức Đảng, cấp ủy ở đâu mạnh sẽ kiểm soát được quyền lực người đứng đầu lãnh đạo. Ở Đà Nẵng đã làm không tốt nên mới dẫn đến như vậy. Bất cứ Đảng viên, hay người dân nào nếu phát hiện người lãnh đạo địa phương mình có biểu hiện vi phạm đều có thể kiến nghị lên để Trung ương vào cuộc kiểm tra, xử lý” – ông Phúc nói.

Trước đó, UB Kiểm tra Trung ương đã gửi kiến nghị lên Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng đề nghị thi hành kỷ luật với ông Nguyễn Xuân Anh sau khi công bố công khai kết luận về những sai phạm của ông này trên cương vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Theo kết luận của UB Kiểm tra Trung ương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của người đứng đầu Thành ủy Đà Nẵng được cho là đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy.

UB Kiểm tra Trung ương cũng xác định ông Nguyễn Xuân Anh đã kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm.

Bí thư Nguyễn Xuân Anh còn thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.

Tác giả: Nguyễn Dương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok