Kinh tế

Lao động nghỉ việc sớm, nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng cao

Một doanh nghiệp 15.000 công nhân ở Hậu Giang chỉ có 2 người hưởng lương hưu, phần lớn công nhân nghỉ việc sớm.

Chiều 30/5, trao đổi với báo chí về tình hình đóng bảo hiểm xã hội, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng người lao động từ khoảng 35-40 tuổi nghỉ việc sớm, tập trung ở các doanh nghiệp da giày, dệt may, thủy sản.

Ông Quảng thông tin, do công việc nặng nhọc nên nhiều người lao động phải tự nguyện nghỉ việc trước tuổi hoặc bị sa thải. Doanh nghiệp cũng tìm cách vận động người lao động trung niên thôi việc vì càng thâm niên thì doanh nghiệp càng phải trả lương cao, tiền đóng bảo hiểm cũng cao hơn và việc tăng ca tăng kíp với những công nhân nhiều tuổi là rất khó.

Các doanh nghiệp da giày có nhiều lao động 35-40 tuổi nghỉ việc sớm. Ảnh: Xuân Hoa.

Theo ông Quảng, hiện số lượng người lao động làm chế độ bảo hiểm để nhận trợ cấp một lần đang tăng cao, 5 tháng đầu năm 2018 có gần 300.000 người. Các năm gần đây, mỗi năm có khoảng 700.000 người xin làm thủ tục hưởng chính sách trợ cấp một lần. Số người này gần bằng số người mới vào hệ thống bảo hiểm bắt buộc.

"Ở Hà Nội, có hơn 10.000 người lao động đi làm trợ cấp thôi việc thì trên 90% là người trên 35 tuổi", ông Quảng cho biết.

Vừa qua Hội đồng Tiền lương Quốc gia đi khảo sát tại Công ty Minh Phú ở tỉnh Hậu Giang. Doanh nghiệp này có khoảng 15.000 lao động nhưng ông giám đốc cho biết, 4 năm rồi ở đây chỉ có duy nhất 2 người về hưu, trong đó có một ông giám đốc. Nhiều lao động đã xin nghỉ sớm vì họ không đủ sức khỏe đảm nhiệm công việc.

Sau khi nghỉ việc, nhiều lao động có đời sống khó khăn, họ cần tiền lo cho cuộc sống trước mắt nên đã xin hưởng chính sách bảo hiểm xã hội một lần và chấp nhận không có lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu.

Ông Đào Việt Ánh, Phó tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho rằng, nghỉ việc sớm và nhận bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề lo ngại vì ảnh hưởng tới việc cân đối quỹ. Nếu người lao động ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội lâu hơn thì sẽ được hưởng quyền lợi tốt hơn, song người lao động quyết định như thế nào là quyền ở họ.

Ông Ánh cũng thông tin, trong đề án cải cách bảo hiểm xã hội đã tính toán lộ trình giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu xuống 15 năm (thay vì 20 năm). Sau khi áp dụng, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tính toán phương án, có thể giảm xuống mốc 10 năm.

Tác giả: Đoàn Loan

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok