Trong tỉnh

Làng thanh niên lập nghiệp hoang tàn: Không công khai thông tin dự án

Được nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng, thế nhưng đến thời điểm này, không chỉ nhiều ngôi nhà bỏ hoang, đất sản xuất hoang hóa mà người dân khốn khổ khi chưa được cấp sổ đỏ... Không những thế, một số dự án chỉ định thầu không có phê duyệt, không công khai thông tin dự án.

Dự án còn nhiều bất cập!

Dự án Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng (LTNLNSC) chính thức khởi công xây dựng năm 2008 với tổng vốn đầu tư hơn 32 tỷ đồng. Dự án dự kiến thu hút khoảng 150 hộ gia đình thanh niên đến sinh sống.

Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng, huyện Như Xuân, Thanh Hóa.

Mỗi đoàn viên, gia đình đoàn viên thanh niên khi vào định cư ở LTNLNSC sẽ được cấp 400m2 đất ở, 3,2ha đất canh tác cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác.

Năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định thành lập thôn Thanh Niên, xã Xuân Hòa trên cơ sở cụm dân cư LTNLNSC. Theo đó, thôn Thanh Niên có diện tích 600ha với 124 hộ, 320 nhân khẩu.

Dự án được “vẽ” ra với nhiều mục tiêu rất chi tiết. Nhưng nhìn lại chặng đường 10 năm, dự án để lại nhiều nỗi thất vọng lớn đối với cư dân của LTNLN.

Đã 10 năm qua, người dân LTNLN mòn mỏi đợi chờ nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trẻ em dưới 6 tuổi và các hộ gia đình là người dân tộc thiểu số không được cấp thẻ Bảo hiểm y tế; nguồn nước sinh hoạt, sản xuất hiếm hoi...

Một thực trạng khác đang tồn tại là nhiều hộ dân không có mặt nhưng vẫn có tên trong danh sách sổ đăng ký hộ khẩu của Làng.

Theo anh Nguyễn Gia Cường, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Thanh Niên, LTNLNSC có 141 hộ, khi thành lập thôn Thanh Niên chỉ còn 121 hộ dân.

Nhiều ngôi nhà tại Làng thanh niên lập nghiệp không có người ở.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện chỉ có 55 hộ có mặt thường xuyên và sinh sống ở đây. Số còn lại, người dân xây nhà lên rồi bỏ hoang hoặc cho thuê mà không có mặt thường xuyên hay sinh sống ở đây.

Cũng theo anh Cường, trong số 121 hộ dân ở Làng, hiện nay có 35 hộ không có mặt ở làng, nhưng lại có tên danh sách trong sổ đăng ký hộ khẩu. Đồng thời, tại cụm dân cư số 2 của thôn Thanh Niên, một xóm có 13 ngôi nhà, thì hiện chỉ còn 2 gia đình đang bám trụ ở đây.

Chỉ định thầu khi không có phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Qua tìm hiểu được biết, năm 2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt và cấp kinh phí cho dự án“Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng các mô hình trồng cam V2, bưởi Diễn, mô hình trồng cỏ nuôi bò sinh sản nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội tại LTNLNSC”.

Dự án do Tỉnh đoàn Thanh Hóa chủ trì với mục tiêu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng thành công các mô hình trồng cam V2, bưởi Diễn, trồng cỏ chăn nuôi bò sinh sản tăng hiệu quả kinh tế từ 20% trở lên so với điều kiện canh tác cũ tại LTNLNSC.

Tỉnh đoàn Thanh Hóa không công khai thông tin dự án.

Thời gian thực hiện dự án là 30 tháng (4/2016 -10/2018) với tổng kinh phí sự nghiệp khoa học gần 2,5 tỷ đồng.

Theo nguồn tin từ Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Thanh Hóa thì Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã điều tra, khảo sát thực trạng sản xuất tại LTNLN; đào tạo 5 kỹ thuật viên và tập huấn 200 lượt thanh niên.

Đơn vị chủ trì đã mua 2.000 cây cam V2; 1.400 cây ổi Đài Loan; mua và lắp đặt hệ thống tưới nước tự động nhỏ giọt cho các hộ tham gia mô hình; mua phân bón...

Tuy nhiên, đến thời điểm này (11/2018), dự án đã kết thúc các nhiệm vụ theo kế hoạch nhưng có một điều lạ là nhiều người dân ở LTNLNSC khi được hỏi lại không hay biết về dự án. Ngay đến anh Nguyễn Gia Cường, Bí thư kiêm trưởng thôn Thanh Niên cho biết cũng chưa nghe tên dự án này.

Sở KH&CN khẳng định, Tỉnh đoàn Thanh Hóa mua cây giống bưởi Diễn, cam V2, bò cái, cỏ và một số hàng hóa khác bằng hình thức chỉ định thầu nhưng không có phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định Khoản 3, Điều 15, Thông tư số 58/2016/TT-BTC; mua hệ thống tưới nước tự động nhỏ giọt bằng hình thức chào hàng cạnh tranh nhưng không có phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Mô hình chỉ còn lác đác vài cây ổi nhưng phát triển kém.

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn đã lựa chọn hình thức chỉ định thầu cho hợp đồng mua bò cái, cỏ giống và một số hàng hóa khác với số tiền là 159,68 triệu đồng là chưa đúng quy định tại Điều 15, Thông tư 58.

Không những thế, Tỉnh đoàn Thanh Hóa không thực hiện công khai thông tin dự án theo quy định tại Điều 18, Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 của liên Bộ KH&CN - Bộ Tài chính.

Cũng theo Sở KH&CN thì mô hình trồng cam V2 xen ổi và mô hình trồng bưởi Diễn xen ổi thì đa số cây ổi đã chết, trong mô hình chỉ còn lác đác vài cây ổi nhưng phát triển kém. Riêng mô hình trồng bưởi Diễn xen ổi thì cây bưởi chậm phát triển.

Tác giả: Duy Tuyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok