Trong tỉnh

Lạm thu đầu năm học – câu chuyện chưa có hồi kết

Chống lạm thu là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành giáo dục yêu cầu các trường cần phải thực hiện. Tuy nhiên, câu chuyện lạm thu đầu năm học vẫn tiếp diễn năm này qua năm khác tại một số trường học trong tỉnh mà chưa có hồi kết.

Cô, trò Trường Mầm non Đông Thọ B (TP Thanh Hóa) trong giờ học.

Việc phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy luôn là mong muốn của các nhà trường và cả phụ huynh. Để thực hiện được điều đó, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các trường học đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự đóng góp từ nhiều nguồn lực, trong đó có gia đình các em học sinh (HS). Tuy nhiên, bên cạnh nhiều trường thực hiện hiệu quả chủ trương này, vẫn còn không ít trường thu các khoản theo hình thức “tự nguyện” hay “xã hội hóa” khiến phụ huynh HS không hài lòng.

Tại Trường Mầm non Quảng Thái (Quảng Xương), năm học này, nhà trường đưa ra 17 khoản dự thu, như: Nước uống tinh khiết 69.000 đồng/HS/năm; nước sạch đun sôi 47.000 đồng/HS/năm; vệ sinh trường, lớp, vệ sinh bán trú 154.000 đồng/HS/năm; quỹ ban đại diện cha mẹ HS 150.000 đồng/HS/năm; thuê lao động nấu ăn 441.000 đồng/năm; trông trẻ ngoài giờ 513.000 đồng/HS/năm; xã hội hóa 270.000 đồng/HS/năm; hỗ trợ trang trí lớp học 100.000 đồng/HS/năm; ảnh nền nếp, thẻ đón, trả trẻ 30.000 đồng; hồ sơ trẻ mới 20.000 đồng, trẻ cũ 10.000 đồng... Tổng mức thu đối với HS cũ là hơn 3,1 triệu đồng/HS; HS mới là hơn 3,2 triệu đồng/HS.

Trước những khoản thu không đúng quy định, nhiều phụ huynh có con theo học tại trường đã phản đối bằng cách không cho con đến trường học. Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Xương cũng đã tổ chức kiểm tra yêu cầu nhà trường thu đúng quy định và kiểm điểm nghiêm túc những cá nhân để xảy ra sai phạm. Ông Nguyễn Huy Nam, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quảng Xương cho hay: Ngay sau khi kiểm tra, phát hiện những khoản thu chưa đúng quy định, khoản thu chồng chéo, như tiền hồ sơ trẻ, ảnh nền nếp, thẻ đón trả trẻ, quỹ lớp, trang trí lớp, nước uống tinh khiết, nước uống đun sôi... phòng đã yêu cầu nhà trường tổ chức hội nghị cán bộ, giáo viên để kiểm điểm những cá nhân sai phạm, đồng thời xây dựng lại kế hoạch các khoản thu đúng quy định và thông qua phụ huynh HS trước khi thu. Đối với cá nhân đồng chí Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng Thái, phòng đang phối hợp với các phòng, ban chức năng của huyện tiếp tục thanh tra, kiểm tra đưa ra hình thức kỷ luật theo quy định.

Tương tự, tại Trường Mầm non Đông Thọ B (TP Thanh Hóa), nhiều phụ huynh có con học lớp mẫu giáo lớn rất bất bình với tổng các khoản phải nộp cho con trong năm học 2017-2018 lên tới hơn 8 triệu đồng, trong đó riêng 3 khoản “tự nguyện” học tiếng Anh, học múa và kỹ năng sống đã mất gần 3 triệu đồng/HS/năm. Hay như Trường Tiểu học Quảng Hưng (TP Thanh Hóa), nhiều phụ huynh HS cũng không khỏi thắc mắc trước không ít khoản thu trong năm học này.

Đơn cử như thuê lao động vệ sinh sân trường, dọn nhà vệ sinh 150.000 đồng/HS/năm; quỹ lớp và trực nhật 300.000 đồng/HS/năm; phí học tiếng Anh phonic 450.000 đồng/HS/năm; kỹ năng sống 450.000 đồng/HS/năm; bảo dưỡng máy tính 63.000 đồng/HS/năm; hỗ trợ trông trẻ ngoài giờ 540.000 đồng/HS/năm; xã hội hóa, mỗi phụ huynh hỗ trợ ít nhất từ 350.000 đồng trở lên; mua rèm các lớp khu nhà 3 tầng mới 100.000 đồng/HS... Qua phản ánh của phụ huynh, phòng chức năng của Sở GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra, xác minh và kết luận: Việc huy động xã hội hóa ít nhất từ 350.000 đồng trở lên và tổ chức hợp đồng với Công ty CP Phát triển Giáo dục Việt Nam tại Hà Nội dạy tiếng Anh phonic (HS lớp 1, 2) trong giờ chính khóa là sai quy định; vi phạm trong việc tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống; thu quỹ ban đại diện cha mẹ HS lớp và nhà trường cũng như huy động phụ huynh đóng góp mua rèm cửa nhà lớp học là vi phạm Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT...

Có thể thấy, khi các khoản thu ngoài quy định bị “phanh phui” thì câu trả lời quen thuộc của lãnh đạo các nhà trường - đó mới chỉ là dự kiến thu hoặc nhà trường không quy định, hội phụ huynh HS tự bàn bạc, tự thu và tự chi... Trong khi Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22-11-2011 của Bộ GD&ĐT ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ HS quy định rất rõ, ban đại diện cha mẹ HS không có chức năng thu, chi tài chính trong trường học, dù đó là khoản thu tự nguyện. Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Nhiều người cho rằng, ban đại diện cha mẹ HS chỉ là hình thức, sự tồn tại của ban này đang đi lệch mục tiêu là cầu nối giữa gia đình và nhà trường, tạo khe hở cho các nhà trường “lách luật” rồi “vẽ” ra nhiều khoản thu bất hợp lý dẫn đến những sai phạm trong thu, chi.

Thực tế, đâu đó có tình trạng lạm thu bị phát hiện thì việc xử lý vi phạm chủ yếu là xử phạt hành chính đối với người đứng đầu đơn vị, đồng thời thực hiện trả lại phụ huynh số tiền thu sai chứ chưa có ai bị “giáng chức” hay chịu một hình thức kỷ luật đủ sức răn đe. Điều này khiến dư luận bày tỏ sự nghi ngờ về sự bao che, lợi ích nhóm... trong việc lạm thu của các trường. Bởi nếu không có sự bao che thì tại sao những năm qua, tình trạng lạm thu ở nhiều trường bị dư luận lên án, phản đối mạnh mẽ mà vẫn còn “đất sống”, không bị xử lý nghiêm? Khi hỏi về công tác quản lý, đại diện lãnh đạo ngành giáo dục cũng như các địa phương đều thể hiện quyết tâm chống lạm thu bằng việc ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức thanh, kiểm tra thu, chi trong nhà trường dịp đầu năm học mới. Song, thực tế, nhiều năm qua, dường như chưa có đơn vị, cá nhân nào bị xử lý kỷ luật, nếu có cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không ít phụ huynh đang tự hỏi việc vận dụng chủ trương “xã hội hóa” của ngành giáo dục đã đúng, hay năng lực quản lý của ngành chức năng và cả chính quyền địa phương còn hạn chế?

Để các khoản thu đầu năm không còn là mối trăn trở, bức xúc của phụ huynh, hàng năm Sở GD&ĐT đều có văn bản chỉ đạo và yêu cầu các nhà trường quán triệt, nắm vững, thực hiện nghiêm túc các quy định của ngành; thực hiện công khai, dân chủ các khoản thu, chi tới phụ huynh nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời, yêu cầu các nhà trường không được đặt ra các khoản thu vô lý, quá cao và kiên quyết xử lý nếu đơn vị vi phạm. Thế nhưng, câu chuyện tiền trường đầu năm học vẫn “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Vậy, khi nào lạm thu sẽ chấm dứt để không còn những “ám ảnh” với phụ huynh HS, nhất là phu huynh có hoàn cảnh khó khăn vào đầu mỗi năm học? Điều này cũng đồng nghĩa với yêu cầu cấp thiết đó là sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành có liên quan trong chấn chỉnh và xử lý nghiêm những sai phạm cũng như nêu cao vai trò, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu mỗi đơn vị trường trong chống lạm thu.

Tác giả: Lê Phong

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

  Từ khóa: lạm thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok