Pháp luật

Khó thu hồi tài sản tham nhũng và bài toán "khắc phụ hậu quả" những vụ "đại án"

Trong 2 năm trở lại đây, nhiều vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng đã được đưa ra xét xử, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh, kịp thời của pháp luật, cũng như thể hiện không có vùng cấm đối với bất kỳ đối tượng phạm tội nào; “quan sai xử như thứ dân”. Vấn đề đặt ra “khắc phục hậu quả”, thu hồi tiền “khủng” thất thoát trong những vụ án kinh tế, tham nhũng ấy như thế nào lại là bài toán không hề đơn giản.

Bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm tại tòa.


Hệ lụy của những vụ “đại án”

Trong hai năm 2018 và 2019, một loạt các vụ đại án lớn được đưa ra xét xử công khai như vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC và công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam – PVP Land; Vụ án Phan Văn Vĩnh (nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao) bảo kê cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ...

Qua hoạt động xét xử cho thấy, pháp luật không có vùng cấm đối với các đối tượng phạm tội. Song, hậu phiên xử, các cơ quan chuyên môn lại đau đầu với “bài toán khó” là xử lý, thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Từ thực tế này trao đổi với PV ĐS&PL, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng chủ thể của loại tội phạm này là người có chức vụ, quyền hạn, có những mối quan hệ rộng nên họ có nhiều cơ hội để tẩu tán tài sản do phạm tội mà có.

Chưa nói đến việc chỉ khi bản án kết tội của toà án có hiệu lực pháp luật thì người bị kết tội mới được coi là người có tội, sau đó, tài sản mới được xác định là tài sản tham nhũng. Như vậy, từ lúc “đánh động” (bị thanh tra, đình chỉ công tác, kỷ luật, khởi tố) đến lúc tòa ra phán quyết, tội phạm đã có một khoảng thời gian dài để tẩu tán tài sản, dẫn tới khó khăn trong việc thu hồi.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thái Hòa - nguyên kiểm sát viên quân sự khẳng định với ĐS&PL: Việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và chức vụ thấp hơn nhiều so với số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt là một trong những hạn chế lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta hiện nay.

Ngoài khó khăn như Đại biểu Lê Thanh Vân nêu trên, ông Hòa còn cho rằng: Việc thực hiện giám định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng... thường rất chậm, kéo dài, không đáp ứng yêu cầu về thời gian theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng nên ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án.

Tiếp đến, việc thẩm định giá trị tài sản khi cho vay của các tổ chức tín dụng chưa được quản lý chặt chẽ, hiệu quả, dẫn đến một số trường hợp giá trị tài sản được thẩm định cao hơn giá trị thực tế của tài sản rất nhiều lần. Vì điều này mà khi xử lý vụ án, công tác thu hồi tài sản không thực hiện được.

Tài sản tham nhũng khó cũng phải thu!

Nhằm nâng cao công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế, mới đây, VKSND Tối cao đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-VKSTC, về tăng cường kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Ông Nguyễn Kim Sáu - Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11) VKSND Tối cao.

Trao đổi với PV ĐS&PL, ông Nguyễn Kim Sáu – Vụ trưởng vụ Kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11) VKSND Tối cao cho biết: Khó khăn đầu tiên trong việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế bởi chủ thể của loại tội phạm này là những người có chức vụ quyền hạn. Khi có hành vi tham nhũng, những người này đã có sự hiểu biết về pháp luật nói chung và lợi dụng kẽ hở của pháp luật để che giấu hành vi phạm tội của mình.

Nhiều bị can còn có hành vi tẩu tán tài sản ngay từ trước khi vụ án bị phát hiện, ví dụ như để tài sản đứng tên người thân, chuyển ra nước ngoài. Đến khi bị cơ quan pháp luật phát hiện, gần như những tài sản này không đứng tên của họ. “Như vậy, giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, nếu như cơ quan điều tra không kịp thời xác minh, kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản của các đối tượng phạm tội này thì sẽ khó khăn cho giai đoạn thi hành án”, ông Sáu phát biểu.

Thực tế cũng cho thấy, ngay cả trường hợp cơ quan điều tra tiến hành xác minh, kê biên tài sản tham nhũng; nhưng có những tài sản này đứng tên người khác hoặc đồng sở hữu, khi xảy ra tranh chấp thì cơ quan thi hành án dân sự lại phải hướng dẫn cho các đương sự thủ tục khởi kiện ra tòa để xác định quyền sở hữu.

Khi có bản án, quyết định của tòa, cơ quan thi hành án dân sự mới tiếp tục kê biên để xử lý phần tài sản được tòa xác định là của người phạm tội, như vậy thời gian thi hành được những bản án này sẽ rất lâu, bởi phải qua nhiều bước, giai đoạn tố tụng khác nhau.

Bên cạnh đó còn rất nhiều những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được Vụ trưởng vụ 11 chỉ ra như khó khăn vấn đề ủy thác thi hành án, khó khăn trong việc kiểm sát thu hồi tài sản liên quan đến vấn đề thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án...

Kiến nghị của VKSND Tối cao đã góp phần giải quyết được những tồn đọng trong việc thu hồi tài sản trong những vụ án tham nhũng, kinh tế, ông Nguyễn Thái Hòa, nguyên kiểm sát viên quân sự cho rằng, cần ban hành hướng dẫn quy định cho phép cơ quan tiến hành tố tụng hình sự áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản ở giai đoạn giải quyết nguồn tin nếu thấy cần thiết, để tránh việc tẩu tán tài sản.

“Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự cần phải phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với án kinh tế, tham nhũng, không để tội phạm tẩu tán tài sản nhằm thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát, bị chiếm đoạt”, ông Hòa phát biểu.

Tác giả: Tư Viễn

Nguồn tin: doisongphapluat.com

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok