Xã hội

Khách Tây ăn xin: Câu chuyện nhức nhối không chỉ ở Việt Nam

Nhiều quan điểm cho rằng nạn khách du lịch nước ngoài xin tiền ở châu Á là "sự xúc phạm", phản ánh chênh lệch giữa xã hội phương Tây và phương Đông.

Trong những năm gần đây, làn sóng du khách nước ngoài tới các nước châu Á ăn xin, hát rong hoặc bán đồ trên vỉa hè để quyên góp tiền giúp họ du lịch ngày càng phổ biến.

Dần dần, hiện tượng này trở thành một xu hướng, bị chỉ trích gay gắt. Nhiều ý kiến cho rằng “thật kỳ quặc”, đó là “sự xúc phạm” hay “nỗi mơ hồ phương Đông”. Người dân bản địa chia sẻ họ cảm thấy sốc khi không khó để bắt gặp lượng lớn khách da trắng ngồi xin tiền ở đường phố Malaysia, Hong Kong, Thái Lan, Singapore, Việt Nam...

Cô gái Nga ngồi thiền, xin tiền ở Phú Quốc. Ảnh: Tuấn Anh.


Du lịch nhờ vào "sự hào phóng" của người đi đường

Vào một buổi tối mưa phùn tháng 3, các phóng viên của Star Online thực hiện cuộc khảo sát ở Bukit Bintang, khu phố mua sắm sầm uất nhất Kuala Lumpur, Malaysia. Khoảng 7 du khách Tây ngồi cạnh những tấm biển viết bằng cả tiếng Anh và tiếng địa phương.

“Tôi là khách du lịch Nga, đến châu Á đã được 4 tháng. Làm ơn hãy mua tranh để giúp tôi về nhà sớm” là “thông điệp” mà Kiril Goncharov, 26 tuổi muốn truyền tải tới người đi đường.

Goncharov thường dành khoảng 5, 6 giờ mỗi ngày, đặc biệt vào giờ cao điểm để lang bạt khắp thủ đô Kuala Lumpur.

“Tôi rất cần tiền để mua vé máy bay về nước. Hôm nay, 6 người đã mua hàng cho tôi. Không tệ chút nào”, nam thanh niên cười nói.

Ngồi cạnh Goncharov là hai khách balo khác, những người bạn mà anh gặp trên đường. Giống như Goncharov, Kazakhstani Dmity Pirs, 27 tuổi, và Aleksei Isichenko, 26 tuổi, cũng dựa vào “sự hào phóng” của người dân địa phương để tiếp tục cuộc hành trình của mình.

Tháng 4/2014, Maisarah Abu Samah, một người sống ở Singapore bày tỏ nỗi bức xúc khi đăng tải hình ảnh 2 cặp đôi du khách nước ngoài bán bưu thiếp, chơi nhạc để kiếm tiền đi du lịch. “Đây là lần đầu tiên tôi thấy trường hợp như vậy. Trước hết, bạn hiếm khi thấy người bán đồ hay chơi nhạc trên đường phố Singapore bởi có những quy định nghiêm ngặt về hoạt động này. Tôi thấy thật lạ lùng khi hỏi xin tiền người khác giúp bạn đi du lịch”.

Một du khách châu Âu ngồi chơi nhạc xin tiền trên đường phố Bangkok. Ảnh: Twitter.


Hiện tượng người nước ngoài ăn xin là chủ đề gây tranh cãi ở nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Tại mảnh đất hình chữ S, một số du khách nước ngoài ngồi bán tranh ảnh, chơi nhạc xin tiền tại những khu vực đông người như bờ hồ Hoàn Kiếm, nhà thờ Đức Bà TP.HCM... Mới đây, một nữ du khách người Nga ngồi thiền trên vỉa hè ở đảo ngọc Phú Quốc, để xin tiền với tấm biển “Thiền để được may mắn. Cần tiền”.

"Tại sao họ không làm vậy ở quê hương của mình?"

Trong giai đoạn từ tháng 10/2014 đến 7/2016, chính phủ Thái Lan phát hiện 4.618 người ăn xin đang hành nghề tại đây, trong đó khoảng 1.691 là người nước ngoài.

Năm 2016, Thái Lan áp dụng quy định mới, nhằm thắt chặt việc quản lý người ăn xin. Theo đó, du khách nước ngoài sẽ lập tức bị trục xuất khỏi Thái Lan, còn người dân bản địa sẽ bị bắt giữ, phạt tiền và đối mặt với bản án 3 tháng tù.

Bên cạnh đó, khách du lịch tới Thái Lan phải xuất trình khoảng 300 USD khi nhập cảnh vào nước này, nhằm ngăn chặn tình trạng du khách nước ngoài xin tiền hoặc lao động bất hợp pháp.

Tháng 12/2016, một phụ nữ Slovakia bị kết án 40 ngày tù tại Tòa án tại thành phố Copenhagen rồi lập tức bị trục xuất về nước, vì hành vi ăn xin.

"Đây là lần đầu tiên một người bị trục xuất khỏi Đan Mạch vì tội danh như vậy", tuyên bố của tòa án còn nhấn mạnh bị cáo tới Đan Mạch "với mục đích duy nhất là xin tiền sống qua ngày”.

Tôi đang đi du lịch châu Á mà không có tiền. Xin hãy giúp đỡ tôi. Ảnh: Daily Mail,


Điều 197, Luật hình sự của Đan Mạch khẳng định sẽ kết tội bất kỳ ăn xin trên đường phố, với mức án tù tối đa là sáu tháng.

Louisa K, một chuyên gia Malaysia nghiên cứu về kinh tế và giới, cho rằng hiện tượng này cho thấy sự mất cân bằng, chênh lệch giữa xã hội phương Đông và phương Tây.

“Châu Á trở thành một địa điểm du lịch kỳ lạ, nơi những hành vi xấu lại có thể chấp nhận được. Tại sao họ không ăn xin ở chính quê hương của mình? Dường như, mảnh đất này trở thành ‘sân chơi’ của người nước ngoài và chúng ta là những nhân vật trong bức tranh biếm họa”, bà chia sẻ.

Tác giả: Trà My

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok