Trong tỉnh

Huyện Thường Xuân (Thanh Hóa): Không chịu nổi áp lực, Chủ tịch UBND xã xin từ chức?

Đang sử dụng ổn định mảnh đất của gia đình, nhưng vì tin tưởng chính quyền địa phương về việc chuyển đổi khu đất nông nghiệp sang đất ở, nhiều hộ dân đã nộp tiền. Tuy nhiên, gần 11 năm qua, hàng chục hộ dân mong mỏi được làm chủ trên chính mảnh đất của mình nhưng yêu cầu ấy vẫn đang là một giấc mơ xa vời.

Các hộ dân bức xúc vì sai phạm trong bán đất của xã. Ảnh: Ngọc Hưng

Người dân ở “chui” trên chính mảnh đất đã bỏ tiền ra mua

Theo đơn thư của 37 hộ dân thôn 2 Thống Nhất (xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) phản ánh: Ngày 17/11/2008, UBND xã Xuân Dương có thông báo số 54/TB-UBND về việc quy hoạch khu dân cư Thùng Mật. Theo đó, thực Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã Xuân Dương về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thổ cư khu vực Thùng Mật (thôn 2 Thống Nhất), UBND xã thông báo gia đình nào có nguyện vọng mua lại diện tích đất của gia đình mình đang sản xuất nông nghiệp để làm đất ở thì làm đơn xin mua gửi UBND xã. Sau khi nhận được thông báo, các hộ dân này đã nộp tiền cho UBND xã. Gần 11 năm qua, các hộ dân nhiều lần kiến nghị, đề xuất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được chính quyền địa phương giải quyết.

Gần đây nhất, ngày 20/8/2017, UBND huyện Thường Xuân triệu tập hội nghị tại nhà văn hóa thôn. Tại hội nghị, lãnh đạo UBND huyện hứa 1 tuần sau sẽ giải quyết. Nhưng rồi lời hứa ấy lại trôi vào hư vô, người dân vẫn phải chờ đợi trong vô vọng.

Ông Lê Thọ Niên (SN 1939, trú tại thôn 2 Thống Nhất) cho biết: "Năm 2008, UBND xã Xuân Dương đã thu tiền của người dân để làm thủ tục chuyển đổi mục đích đất sản xuất sang đất ở. Kinh tế gia đình lúc đó rất khó khăn, có con trâu để phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng gia đình cũng phải bán lấy tiền để nộp cho xã là 5.717.000 đồng, với hi vọng sớm nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên chính mảnh đất của mình. Vậy nhưng, gần 11 năm, chúng tôi đã “gõ cửa” rất nhiều lần cơ quan ban ngành mà vẫn chưa được giải quyết. Vì tin chủ trương của huyện, thông báo của xã nên chúng tôi mới vay mượn, bán trâu, bán bò… để mua đất. Giờ lại bắt người dân chúng tôi phải chịu hậu quả do lãnh đạo xã làm sai là vô lý”.

Ông Lê Văn Hùng (SN 1961, ở thôn 2 Thống Nhất) kể, năm 2008, gia đình ông đi vay mượn, thậm chí vay nợ lãi để có số tiền 6.380.000 đồng nộp cho UBND xã. “Sau nhiều thất hẹn, năm 2018, ông Đỗ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND huyện Thường Xuân vận động người dân đóng thêm 250.000 đồng/m2 đất nữa mới được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý, nếu nộp tiền thêm theo ý ông Hoan, đẩy người dân vào cảnh mua đất 2 lần. Mong sao lãnh đạo huyện, tỉnh sớm tìm phương án giải quyết cấp giấy chứng nhận QSDĐ để chúng tôi yên tâm sinh sống, làm ăn”, ông Hùng nói.

Chủ tịch UBND xã từ chức

Trao đổi với PV, ông Cầm Bá Xuân - Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết: “Hiện có 37 hộ dân nộp tiền cho UBND xã Xuân Dương để mua đất đến nay vẫn chưa được giải quyết. Thực trạng trên kéo dài khiến người dân vô cùng bức xúc, đơn thư gửi cả lên tỉnh. Để xảy ra tình trạng trên lỗi do cả hai phía. Phía chính quyền bán đất trái thẩm quyền, còn người dân khi mua đất không chịu tìm hiểu, tham khảo. Sau khi phát hiện vụ việc, chúng tôi đã cử đoàn thanh tra về làm việc”.

Cũng theo ông Xuân, UBND xã Xuân Dương thu tiền mua đất của người dân nhưng không nộp vào kho bạc mà tự ý dùng số tiền trên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của xã. “Cán bộ vi phạm thời đó, huyện đã tiến hành kỷ luật và thuyên chuyển hàng loạt. Sau rất nhiều cuộc họp với các hộ dân và tham vấn ý kiến của các cơ quan chuyên môn của tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo làm theo quy định. Hiện UBND huyện đưa ra hai phương án: Nộp thêm tiền đất, hoặc tách thành đất vườn tạp để giảm thuế tiền đất. Tuy nhiên, các hộ dân không đồng ý. Hiện chúng tôi cũng chưa tìm được phương án xử lý dứt điểm. Ngay cả Chủ tịch UBND xã Xuân Dương vì không chịu được áp lực nên đã xin từ chức. Hiện xã này vẫn chưa có Chủ tịch UBND xã”, ông Xuân thông tin.

Trái với quan điểm của lãnh đạo huyện, các hộ dân đã phản đối vì khi xã bán đất có thông báo rộng rãi theo chủ trương của huyện. Vì tin chính quyền nên các hộ dân gom góp tiền để mong sao có mảnh đất ở. Lãnh đạo xã thời đó làm sai không nộp tiền làm sổ đỏ thì họ phải chịu trách nhiệm. “Vì tin chủ trương của huyện, thông báo của xã nên chúng tôi mới vay mượn, bán trâu, bán bò… để mua đất. Giờ lại bắt người dân chúng tôi phải chịu hậu quả do lãnh đạo xã làm sai là vô lý. Mặc dù UBND huyện tiến hành kỷ luật cán bộ nhưng không vì thế mà bắt người dân phải chịu hậu quả. Mong rằng UBND tỉnh Thanh Hóa vào cuộc xác minh vụ việc, sớm hoàn thiện thủ tục để người dân yên tâm sinh sống trên chính mảnh đất họ đã bỏ tiền ra mua cách đây hơn 10 năm”, một người dân nói.

Tác giả: Ngọc Hưng

Nguồn tin: giadinh.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok