Trong tỉnh

Huyện Thọ Xuân chấn chỉnh tình trạng khai thác đất trái phép

Từ cuối năm 2017 đến nay, tình trạng khai thác đất bừa bãi, vượt quy định và trái phép nóng lên trên địa bàn nhiều xã của huyện Thọ Xuân. Trong đó gây bức xúc nhất là tại các xã Thọ Lâm, Xuân Phú và Quảng Phú.

Công tác quản lý khai thác đất nói riêng và khoáng sản nói chung trên địa bàn huyện Thọ Xuân cần được tăng cường.

Tìm hiểu thực trạng trên tại xã Thọ Lâm, nhiều hộ dân cho biết, từ cuối năm 2017, lợi dụng dự án đầu tư xây dựng khu xen cư thôn Điền Trạch, xã Thọ Lâm, nhiều đối tượng ngang nhiên đưa máy móc, phương tiện, trang thiết bị cùng nhiều xe tải vào khu vực đồi Gấc để khai thác đất trái phép, đem đi bán. Được biết, theo Quyết định số 1247/QĐ-UBND ngày 30-6-2016, UBND huyện Thọ Xuân đã phê duyệt dự án xây dựng công trình hạ tầng khu xen cư đồi Gấc, xã Thọ Lâm với tổng diện tích dự án 4.522,5m2.

Theo quyết định trên, UBND xã Thọ Lâm chỉ được phép san gạt mặt bằng trong diện tích đã được UBND huyện phê duyệt. Tuy vậy, tình trạng khai thác đất trái phép, vượt ra ngoài diện tích đã được cấp phép diễn ra khá phổ biến. Nhiều người dân cho biết: “Đây là khu vực đất đồi trồng keo của dân. Vườn keo đang xanh tốt, thời gian gần đây có một số đối tượng đưa máy xúc và ô tô vào khai thác đất suốt cả ngày, đêm. Xe tải chở đất không che chắn bạt, gây ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng đường và gây mất an toàn giao thông...”.

Trước những phản ánh, kiến nghị của người dân, tháng 12-2017, UBND huyện Thọ Xuân đã tiến hành kiểm tra. Theo công văn của UBND huyện Thọ Xuân gửi UBND xã Thọ Lâm, kết quả kiểm tra cho thấy: Khu đồi Gấc, thôn Điền Trạch, xã Thọ Lâm đã bị khai thác với chiều dài 100m, chiều rộng 40m, chiều cao đỉnh đồi khoảng 15m. Trước đó, nơi đây là đất lâm nghiệp, giao cho hộ ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Điền Trạch quản lý và sử dụng, nay đã được quy hoạch thành khu dân cư, song mới chỉ được UBND huyện Thọ Xuân chấp thuận và phê duyệt mặt bằng quy hoạch. Việc khai thác đất dưới hình thức hạ thấp mặt bằng tại đồi Gấc là trái quy định khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

UBND huyện Thọ Xuân đã yêu cầu dừng ngay việc khai thác đất trái phép tại đồi Gấc. Đối với Dự án khu Resort Sao Mai Thanh Hóa tại xã Thọ Lâm, UBND xã Thọ Lâm yêu cầu chủ đầu tư lập phương án chuyển đất thải ra nơi tập kết. Cụ thể, không được tự ý đưa đất ra khỏi khu dự án khi chưa được các cấp có thẩm quyền chấp thuận. Huyện Thọ Xuân yêu cầu UBND xã Thọ Lâm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan và báo cáo Chủ tịch UBND huyện. Cũng liên quan đến hoạt động khai thác đất trái phép tại xã Thọ Lâm, ngày 22-1-2018, Công an tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với ông Lê Văn Sự (sinh năm 1974), ở khu 9, thị trấn Thọ Xuân vì đã vi phạm khai thác khoáng sản (đất đồi) trái phép với mức phạt 35 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai thác.

Cũng với nhiều lý do khác nhau như hạ thấp độ cao đất đồi, cải tạo vườn tạp, thực hiện các dự án xen cư, xây dựng nông thôn mới... tại một số xã như Xuân Phú, Quảng Phú, tình trạng các hộ dân thuê máy múc, xe ô tô tải khai thác và vận chuyển đất đi bán khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép diễn ra khá ngang nhiên. Điều này cho thấy, công tác quản lý ở cấp xã còn nhiều bất cập và lỏng lẻo. UBND huyện Thọ Xuân, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã thành lập các đoàn đến kiểm tra tại hiện trường các khu vực khai thác đất trái phép thì các đối tượng tìm cách tháo chạy, hoặc sau một thời gian tạm lắng, các đối tượng lại lén lút khai thác.

Trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, UBND huyện Thọ Xuân cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các xã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra xử phạt các đối tượng khai thác đất trái phép, tuy vậy hiệu quả vẫn chưa cao.

Căn cứ vào tình hình thực tế, ngay trong quý I năm 2018, huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan cùng phối hợp với công an huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong quá trình khai thác của đơn vị được cấp phép. Khi phát hiện có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, chủ tịch UBND xã phải chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp để giải tỏa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép hoặc chậm nhất là 2 ngày phải báo cáo UBND huyện các vấn đề vượt quá thẩm quyền xử lý; theo dõi, giám sát việc vận chuyển khoáng sản đi tiêu thụ của các chủ mỏ, chủ bãi tập kết, các đơn vị được tận thu khoáng sản trong quá trình nạo vét.

Khi phát hiện có hiện tượng vận chuyển quá tải phải báo cáo UBND huyện xử lý theo quy định. Lực lượng công an tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ các phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên tuyến đường thủy; vận chuyển khoáng sản trên đường bộ. Trường hợp các phương tiện không đăng ký, đăng kiểm theo quy định, chở khoáng sản không rõ nguồn gốc, chở quá khổ, quá tải thì xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền... Nếu tiếp tục để xảy ra vi phạm và để tình trạng khai thác đất trái phép kéo dài, lãnh đạo cấp xã, đơn vị có liên quan trên phải chịu kiểm điểm và xử lý kỷ luật theo quy định.

Tác giả: Gia Khánh

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

  Từ khóa: Thọ Xuân , khai thác , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok