Trong tỉnh

Huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa: Người dân miền biển khốn khổ vì rác thải

Thực trạng rác thải, nước thải đổ thẳng ra biển khiến môi trường biển huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh nỗi khổ về ô nhiễm rác thải thì người dân nơi đây còn bức xúc bởi những khoản phí môi trường do chính quyền đặt ra. Trẻ em mới chào đời, người già, người xa quê đi làm ăn xa… đều đang phải “gánh” khoản phí môi trường.

Rác thải, nước thải đổ thẳng ra biển gây ô nhiễm tại xã Ngư Lộc. Ảnh: Gia Hân

Rác thải, nước thải đổ thẳng ra biển

Chúng tôi về xã miền biển Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc) một ngày oi nóng giữa tháng 5/2019. Đập vào mắt là biển người dày đặc (xã có mật độ dân số cao nhất nhì cả nước) và thứ mùi hôi thối nồng nặc từ rác và nước thải. Theo dọc tuyến đê biển xã này, trước mắt tôi là quang cảnh hàng trăm con người đang liều mình mưu sinh trên rác. Họ dẫm đạp lên rác để chào đón những chuyến tàu ngoài khơi trở về. Dưới chân họ rác và nước thải. Rác đủ các chủng loại, từ phế phẩm chế biến cá, rác thải sinh hoạt hay thậm chí rác từ xác động vật chết thối tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật…

Một hộ dân nơi đây cho biết: “Dọc tuyến đê biển từ Ngư Lộc đến Đa Lộc này thì rác thải tràn lan, hôi thối. Chúng tôi kêu mãi thì xã và huyện cũng có một vài lần về huy động công nhân, máy móc ra thu gom, vận chuyển rác đi nơi khác. Tuy nhiên, đây là vụng xoáy nên lượng rác thải từ biển đẩy vào rất lớn, dọn được hôm nay, ngày mai lại ngập ngụa là rác. Hàng nghìn con tàu đánh cá, từ đánh bắt gần bờ, xa bờ đều xả thải rác xuống biển, khi thủy triều lên rác bị đẩy dạt vào đê và tồn ứ hôi thối, ô nhiễm”.

Không chỉ là rác, nước thải từ hậu cần nghề cá cũng đang gây ô nhiễm môi trường nơi đây. Một chủ cơ sở chế biến cá nơi đây (xin giấu tên) thẳng thắn: “Làm gì có ao hay bể, ở đây chủ yếu các cơ sở tư nhân, hộ gia đình, đất chật người đông lấy chỗ đâu nữa mà làm công trình xử lý, không đổ ra biển thì đổ đi đâu”(?).

Thực trạng về rác thải, nước thải gây ô nhiễm không chỉ dừng lại ở Ngư Lộc mà dọc tuyến đê biển chạy qua các xã Hưng Lộc, Đa Lộc dài gần chục cây số rác thải, nước thải bủa vây khắp nơi. Đặc biệt rác tồn ứ gây ô nhiễm ở vị trí các cửa cống như Ba Vồ, rừng chắn sóng…

Nguy hại hơn, khi xã Đa Lộc có khoảng 400ha rừng phòng hộ ngập mặn ven biển với chức năng chắn sóng, chắn gió bảo vệ đê biển, bảo vệ người dân. Suốt một thời gian dài, có khoảng 100 ha của cánh rừng này đang bị bóp nghẹt sự sống bởi rác thải từ túi nilon, quần áo, bao bì… khiến cánh rừng với chức năng phòng vệ lâm vào tình trạng cây chậm phát triển, gãy đổ và chết dần.

Trẻ mới sinh cũng phải nộp phí môi trường

Ngư Lộc, một xã miền biển hơn 18.000 dân với mật độ dân số cao nhất nhì cả nước, ngành nghề chủ yếu từ đánh bắt cá trên biển và hậu cần nghề cá. Dân số đông cộng với ngành nghề đặc trưng, mỗi ngày xã Ngư Lộc xả thải ra môi trường cả tấn rác thải và hàng trăm khối nước xả chưa qua xử lý. Khó khăn không có quỹ đất khiến xã miền biển này muốn có một bãi để tập kết rác thải tạm cũng là điều không thể chứ chưa nói là hệ thống xử lý nước thải…

Để giải quyết những bức bách trên, xã Ngư Lộc đã trực tiếp ký hợp đồng với 2 doanh nghiệp trên địa bàn huyện chịu trách nhiệm vận chuyển rác ra bên ngoài là Công ty TNHH MTV Đức Tâm Phát và Công ty TNHH DVMT Vạn Lộc (địa chỉ huyện Hậu Lộc). Nguồn kinh phí được lấy từ nguồn đóng góp của nhân dân.

Để có tiền chi trả cho các công ty môi trường, các khoản đóng góp tại các xã miền biển này cũng đang khiến người dân không khỏi thắc mắc. Cụ thể, tại xã Ngư Lộc, mỗi người dân phải đóng 10.000 đồng/khẩu, kể cả trẻ em mới sinh, người già, người đi làm ăn xa.

Một hộ dân nói: “Trẻ mới sinh thì rác thải ra môi trường có là bao. Thậm chí, những người đi làm ăn xa cả năm không về cũng chịu mức thu bằng các đối tượng đang sinh sống tại địa phương. Thực tế, nhiều gia đình đông khẩu nhưng chủ yếu lao động đi làm ăn xa, ở nhà chỉ có người già và trẻ nhỏ không khỏi bất bình với khoản đóng góp”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho rằng: “Tất cả người dân, người sinh sống, làm việc thì đều phải xả thải. Người mới sinh ra chưa có thu nhập thì bố mẹ phải chăm lo. Còn ông bà già hết tuổi lao động thì con cái phải chăm lo. Người đi xa nếu vẫn đăng ký hộ khẩu ở xã thì phải có trách nhiệm đóng góp”.

Thừa nhận thực trạng rác thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường đang là vấn đề “khó” của huyện Hậu Lộc, ông Nguyễn Văn Long - Phó chủ tịch UBND huyện phân trần: “Huyện đã rất nỗ lực trong việc xử lý vấn đề môi trường tồn tại ở các xã miền biển. Dù vậy, để xử lý triệt để là rất khó. Trong khi 2 dự án bãi rác thải và nhà máy xử lý rác của huyện đều không thể triển khai khiến việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đang gặp khó. Hiện tại chưa có một quy định nào cụ thể hướng dẫn các xã phải thu phí môi trường với mức thu như thế nào, điều đó dẫn tới thực trạng mỗi xã một cách thu riêng. Việc xã Ngư Lộc tiến hành thu phí môi trường đối với người già, trẻ nhỏ và người đi làm ăn xa như thế, UBND huyện không chỉ đạo và sẽ cho kiểm tra lại”.

Tác giả: Gia Hân

Nguồn tin: giadinh.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok