Kinh tế

Hưởng thuế 0%, doanh nghiệp tôm tăng tốc xuất khẩu

Thuế xuất khẩu (XK) tôm sang Mỹ vừa được hưởng mức 0%. Cùng với nhiều lợi thế từ thị trường, các doanh nghiệp XK tôm Việt Nam đang tăng tốc để đạt mục tiêu 4,2 tỷ USD vào cuối năm 2019.

Sản phẩm tôm chế biến của Việt Nam đang được XK mạnh vào Mỹ. Ảnh: T.H.

Tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ

Cuối tuần qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Trong đó, có 2 doanh nghiệp là bị đơn bắt buộc trong POR13 là Công ty CP Sao Ta (Fimex VN) và Công ty Hải sản Nha Trang (Nha Trang Seaproduct Company) đều hưởng thuế 0%. Ngoài ra, 29 doanh nghiệp tôm là bị đơn tự nguyện cũng có mức thuế 0%.

Các doanh nghiệp cho rằng, trong bức tranh khá ảm đạm từ thương chiến Mỹ - Trung, đây là tin vui chung cho ngành tôm Việt, là động lực tốt để các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh XK tôm sang Mỹ.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, mức thuế DOC vừa công bố chứng tỏ các doanh nghiệp tôm Việt trung thực trong hoạt động, khai báo số liệu kinh doanh tới DOC đầy đủ, chính xác và kịp thời. Điều đó cũng chứng tỏ DOC hết sức công bằng và xem xét thấu đáo hồ sơ được cung cấp; về phía hãng luật được các doanh nghiệp bị đơn thuê bảo vệ đã làm việc tận tâm. Ông Hồ Quốc Lực cho rằng, tuy có lợi thế nhưng các doanh nghiệp tôm nên duy trì nhịp độ tăng trưởng vừa phải ở thị trường Mỹ, nhằm tránh tình huống bất lợi trong tương lai.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, XK tôm sang Mỹ -thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ ba của Việt Nam- trong tháng 7 năm nay tăng 37,2%, đạt 77 triệu USD. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt 327,4 triệu USD, tăng 5%. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam đang ấm dần lên do tồn kho giảm, trong khi Mỹ cũng đang giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc. XK tôm Việt Nam sang Mỹ vừa đạt mức thuế thấp nhất trong kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính trong lần thứ 13 công bố vào cuối tuần qua sẽ là động lực cho các doanh nghiệp tăng tốc vào thị trường tiềm năng này.

Tăng tốc những tháng cuối năm

Thuế XK tôm sang Mỹ vừa được hưởng mức 0%, cùng với nhiều lợi thế từ thị trường, các doanh nghiệp XK tôm Việt Nam đang tăng tốc để đạt mục tiêu 4,2 tỷ USD vào cuối năm 2019. Cùng với đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết vào 30/6/2019. Theo cam kết, thủy sản Việt Nam xuất sang EU sẽ được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên áp dụng hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn) với lộ trình dài nhất là 7 năm. Riêng mặt hàng tôm sẽ khả quan hơn bởi thuế nhập khẩu vào thị trường này sẽ giảm mạnh từ năm đầu tiên, sau đó giảm dần về 0% trong những năm tiếp theo.

Thời điểm này các nhà máy chế biến vào giai đoạn có nhiều đơn hàng nhất, có nhiều tôm nguyên liệu nhất. Nhà máy chế biến đang tăng tốc để kịp thời cung ứng hàng cho chương trình tiêu thụ trọng điểm cuối năm và đầu năm mới ở các thị trường tiêu thụ chính như: EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Úc...

Tôm Việt đã tham gia thương trường thế giới trên 40 năm. Đến nay tôm Việt đã “bơi” khá xa, tiêu thụ tới gần 100 thị trường. Trong đó, nhiều thị trường chính có mức tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Tháng 7/2019, XK tôm của Việt Nam sang top 8 thị trường chính (gồm EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan) đều tăng trưởng dương. Đáng chú ý, XK tôm sang EU và Hàn Quốc cũng ghi nhận tháng đầu tiên tăng trưởng dương sau khi tăng trưởng âm liên tục kể từ đầu năm nay. Trong đó, XK sang Trung Quốc và Mỹ tăng trưởng tốt, đạt mức hai con số. Cụ thể, XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 7/2019 tăng 47,7%, đạt 51,6 triệu USD. 7 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt trên 285 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 7 năm nay, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm từ Việt Nam do giảm nhập khẩu từ các nguồn cung khác. Nguồn cung tôm lớn thứ hai cho Trung Quốc là Ấn Độ dự báo giảm sản lượng trong năm nay do thời tiết xấu và dịch bệnh. Argentina đứng thứ 4 về cung cấp tôm cho Trung Quốc cũng công bố giảm sản lượng khai thác tôm do sinh khối tôm tại ngư trường khai thác của nước này giảm. Với những lợi thế trên, cùng với sự đảo chiều tăng trưởng dương trong tháng 7 vừa qua, các doanh nghiệp xuất tôm kỳ vọng, mặt hàng xuất khẩu chủ lực này sẽ tiếp tục tăng trưởng dương trong những tháng cuối năm.

Tác giả: Lê Thu

Nguồn tin: Báo Hải quan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok