Cuộc sống

Hôn nhân 'rổ rá cạp lại' của người phụ nữ cụt chân 5 năm nuôi chồng nằm liệt

Đến với nhau không vì yêu nhưng chính bởi tình thương đã khiến chị Đào không nỡ rời xa anh Cường.

Chị Nguyễn Thị Đào, sinh năm 1982, quê ở Tuyên Quang bị viêm xương bẩm sinh. Từ nhỏ tới lúc 20 tuổi, chị chỉ có thể di chuyển bằng cách bò lê. Năm 2002, chị Đào thực hiện một cuộc phẫu thuật và may mắn thành công. Nhưng chỉ 10 năm được bước đi trên đôi chân của mình, chị đã phải cắt bỏ nó vì nhiễm trùng. Trong giai đoạn khó khăn ấy, chồng chị Đào bỏ đi để lại người vợ tàn tật cùng hai con nhỏ. Chị lang thang mưu sinh bằng nghề bán hàng rong tại Thái Nguyên rồi gặp anh Cường - một người đàn ông không lành lặn giống chị. Chị Đào quyết định bước vào cuộc hôn nhân mới giữa sự phản đối của gia đình và những lời gièm pha ác ý từ dư luận để viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Chị Đào từng mưu sinh bằng nghề may trước khi đôi chân bị cắt ngang. Hiện, chị di chuyển bằng phần chân còn lại, trên đôi dép cao su tự chế trơn trượt vì sử dụng lâu ngày.


'Chúng tôi lấy nhau không vì tình yêu'

Anh Dương Văn Cường, sinh năm 1980 ở Thái Nguyên từng là người đàn ông khỏe mạnh. Năm 2013, trên đường đi hát rong, một tai nạn giao thông nghiêm trọng đã khiến anh hỏng một quả thận, đứt ruột và liệt tủy. Vợ cũ chăm sóc anh 3 năm rồi bỏ nhà ra đi. Trên nẻo đường mưu sinh nuôi hai con nhỏ, anh đã gặp chị Đào.

"Khi ấy, tôi chẳng nghĩ được nhiều. Chỉ biết tôi và anh Cường có cùng hoàn cảnh, sau này nương tựa vào nhau. Có lẽ chúng tôi đến với nhau vì đồng cảm chứ thế này rồi còn yêu đương gì", chị Đào nói.

Mặc sự phản đối của gia đình, đặc biệt là con cái, chị Đào lên Thái Nguyên sống cùng anh Cường. Hàng ngày, anh chị dắt díu nhau đi bán hàng rong. Anh hát, chị bán, hôm nào đắt hàng lắm mới được 200.000 đồng. Thế nhưng, anh chị vẫn cố xoay xở để lo đủ cho gia đình 6 người được cuộc sống đạm bạc.

Di chứng của vụ tai nạn cách đây 14 năm khiến anh Cường phải nhập viện để mổ lại. Những ngày này, trong nhà còn cái gì, chị Đào mang bán hết. Lần gần đây, trước khi lên điều trị tại bệnh viện Đa khoa Quân đội 108, chị bán nốt chiếc xe ba bánh là công cụ lao động chính trong nhà. Số tiền ít ỏi mang theo cũng chẳng được mấy bữa, nhưng chị luôn động viên anh "còn nước còn tát", chỉ mong sớm qua cái "đận" này để về nhà cùng nhau làm ăn nuôi con.

Ca mổ mới đây khiến anh Cường bị khoét một phần mông. Việc bài tiết của anh phải phụ thuộc hoàn toàn vào ống dẫn. Chị Đào thường xuyên phải thay bịch chứa và đổ nước thải cho chồng.


Thời tiết oi bức giữa tháng 8 khiến anh Cường mệt mỏi hơn. Chị Đào đút cơm cho chồng vừa lo anh không ăn được nhiều. Khi anh Cường nhăn mặt, chị chỉ nhỏ nhẹ: "Thôi cố lên!" để anh ăn thêm được vài thìa. Xong bữa, chị Đào bước đi trên đôi dép cao su tự chế, lấy khăn lau mặt cho chồng. Mọi sinh hoạt của anh Cường đều nhờ tay chị Đào, kể cả chuyện thay băng, rửa vết thương khi không ở bệnh viện.

Vài lần bỏ đi nhưng chưa ra khỏi mấy gian nhà

Năm 2012, khi quyết định về chung một nhà với anh Cường, chị Đào tạm gửi con cho ông bà. Con gái lớn của chị Đào sinh năm 2001, hiện làm công việc nông nghiệp; con trai bé đang đi học. Anh Cường cũng có hai con trai tầm tuổi các bé nhà chị Đào. Khi chị về làm dâu, không ai nghĩ chị là mẹ kế của chúng. Chị Đào tâm sự rằng chị thương con chồng như con mình, không bao giờ phân biệt con anh - con tôi. Nhiều khi anh Cường nóng nảy quát tháo con, chính chị là người đứng ra khuyên giải.

"Đôi khi tôi cũng buồn lòng vì con cái chưa hiểu được mình. Nếu chúng cư xử không phải, tôi sẽ nói với anh Cường nhưng can anh đừng nặng lời với con", chị Đào chia sẻ.

Di chuyển khó nhọc trên đôi chân bị cắt ngang, chị Đào cần mẫn chăm sóc chồng với nụ cười buồn thường trực trên gương mặt. Chị nói nhiều lúc khổ quá cũng muốn bỏ đi, nhưng chẳng bao giờ đi xa khỏi mấy gian nhà. Anh Cường đang khỏe mạnh bỗng phải nằm một chỗ nên đôi khi cáu bẳn. Không ít lần anh vô cớ mắng oan chị Đào, khiến chị rất tủi, nhưng nghĩ thương chồng, chị chỉ lánh sang nhà ông bà nội một lát rồi về.

Chị Đào thường đút cơm cho chồng ăn xong, rồi mới ăn phần còn lại. Chị tâm sự: 'Sau mấy lần mổ, anh ăn uống kém hơn, dù rất cố nhưng chỉ được miệng bát'.


Hỏi chị: "Có khi nào ân hận với quyết định của mình?", chị thật thà gật đầu. Nhưng rồi chị lại nói: "Mình đã chọn thì mình phải chấp nhận. Con người có số, số mình là như thế, mình phải chịu. Bây giờ chỉ mong tương lai con cái mình may mắn, sung sướng hơn. Còn mình đến đâu hay đến đó, chẳng dám nghĩ gì nhiều".

Bên giường bệnh, chị Đào không rời mắt khỏi chồng, chốc chốc lại bóp chân tay hoặc giúp anh uống nước. Người phụ nữ từng qua nhiều biến cố chia sẻ rằng động lực để chị kiên trì đồng hành cùng anh Cường là tình thương, sợ không có chị, anh không thể một mình xoay xở. Hơn nữa, như chị nói, anh là người khéo miệng.

"Đôi khi anh nói bâng quơ rằng tôi chăm anh ít thôi, không anh thương quá chẳng nỡ mắng. Tôi vất vả tý nhưng được cái chồng tôi hiểu sự hy sinh của vợ. Anh không nói nhiều nhưng luôn cố gắng điều trị, lạc quan với bệnh tật. Chồng tôi chỉ muốn sớm được về nhà để vợ chồng rau cháo có nhau", chị Đào nói, đôi mắt đỏ hoe, rớm lệ.

Ảnh: Quý Nguyễn

Tác giả: Lam Trà

Nguồn tin: ngoisao.net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok