Giáo dục

Học sinh và giáo viên đề xuất giảm bớt môn thi

Kỳ thi vào lớp 10 trường THPT công lập đang đến gần trong khi học sinh khối 9 ở các quận nội thành Hà Nội vẫn đang học trực tuyến, chưa xác định ngày nào được đi học trực tiếp. Áp lực chồng áp lực khiến cả nhà trường, phụ huynh và học sinh đều mong muốn sớm có quyết định phương án thi với môn thi thứ 4.

Ảnh minh họa.


Thiệt thòi vì 2 năm liền học trực tuyến

Chị Thanh Lâm (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cả hai vợ chồng chị đi làm cả ngày, tối về mới hỏi thăm bài vở của con được nhưng nhìn con vất vả, chị cũng không đành lòng tăng thêm áp lực cho con.

“Con rất tự giác học. Qua theo dõi camera, tôi thấy con ôm máy tính suốt buổi sáng, ăn trưa qua quýt món mẹ chuẩn bị sẵn xong nghỉ ngơi một tiếng rồi lại bắt đầu sách vở, cặm cụi một mình đến tội nghiệp. Con không than thở nhưng trao đổi với nhiều bậc phụ huynh khác và cô chủ nhiệm, tôi biết các con vẫn đang học trong tâm thế tất cả các môn Lịch sử, Địa Lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục công dân đều có thể trở thành môn thi thứ 4 nên bài tập đều nhiều, đều nặng nên chẳng thấy con thảnh thơi lúc nào” - chị Lâm bày tỏ.

Trong khi đó, thời gian học trực tuyến kéo dài từ đầu năm đến nay và cả năm học trước cũng học trực tuyến tới 3 lần làm ảnh hưởng tâm trạng, suy nghĩ của học sinh. Ngay cả những HS nắm bắt được phương pháp tự học thì việc không được tiếp xúc, giao lưu với bạn bè, thầy cô trực tiếp cũng khiến các em thấy oải và có phần chán nản, giảm hứng thú với bài học.

Em Trần Mạnh (Trường THCS Ngọc Lâm, quận Long Biên) cho biết, nhìn các bạn lớp 9 ở trường ngoại thành đi học thấy hâm mộ vô cùng: “Em học một mình một phòng, không bị ai ảnh hưởng nhưng nghe tiếng thầy cô giảng bài từ xa, bạn bè thân quen thì chỉ nhìn thấy qua khung hình máy tính. Kết quả học tập cũng đi xuống thấy rõ dù bố cũng sắp xếp tìm thêm gia sư cho em, nhưng cũng lại học trực tuyến vì lo ngại dịch bệnh nên kết quả không cải thiện. Giá như bớt môn thi thứ 4 đi, chỉ bình tĩnh ôn 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ thì chúng em và chính các thầy cô giáo cũng đỡ áp lực giao nhiều yêu cầu, nhiều bài tập hơn bây giờ” - học sinh này tâm tư.

“Học gì thi nấy” hay “thi thế nào, học thế ấy”?

Dưới góc nhìn của giáo viên, cô Trần Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Thống Nhất (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, những khó khăn mà HS lớp 9 đang phải đối mặt khi phải học trực tuyến là điều ai cũng nhìn thấy. Học trực tuyến phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của HS. Song thời gian tiếp xúc với máy tính quá dài có thể gây uể oải tinh thần, buồn ngủ… ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài. Trong khi đó, HS lớp 9 ở nội thành vẫn chưa được đến trường học trực tiếp trong khi các huyện ngoại thành đã được đi học nên việc giảm môn thi thứ 4 trong điều kiện dạy học hiện nay là hợp lý, nhằm giảm áp lực cho HS và cả phụ huynh.

Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm phân tích, vừa qua An Giang đã cho HS tiểu học nghỉ học trực tuyến, học qua truyền hình một tuần để đảm bảo sức khỏe, giảm áp lực căng thẳng học trực tuyến kéo dài sau thời gian dạy và học 9 tuần. Mặc dù đây là giải pháp tối ưu trong điều kiện diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp nhưng chắc chắn những căng thẳng, áp lực khi thực hiện dạy học trực tuyến với cả thầy và trò là không tránh khỏi. Áp lực chồng áp lực nên nhiều HS học dàn trải tất cả các môn, giáo viên cũng tăng tốc dạy sợ bỏ sót kiến thức lỡ thi vào nên thành ra, dù Bộ chỉ đạo giảm tải thì HS vẫn quay cuồng với bài vở là có thật. Nhất là trong điều kiện kỳ thi vào lớp 10 THPT luôn căng thẳng hơn cả xét tuyển vào đại học bởi chỉ có một con đường duy nhất để vào trường là thi tuyển, không có xét học bạ, không có chứng chỉ ngoại ngữ… hay các phương thức xét tuyển kết hợp khác. Vì vậy, phụ huynh và học sinh đề xuất giảm bớt môn thi thứ 4 là hợp lý để chia sẻ khó khăn, áp lực với các em trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một giáo viên dạy lịch sử, cô giáo Hải Vân (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho rằng không thể phủ nhận tình trạng khi đưa môn này vào kỳ thi vào lớp 10 thì HS mới quan tâm đến việc học. Thi gì học nấy đã là câu chuyện lâu nay của ngành Giáo dục nên nếu không là một trong các môn thi mang ý nghĩa quyết định đỗ trượt ở một kỳ thi quan trọng như thi vào 10 thì Lịch sử sẽ trở thành môn phụ ngay, HS sẽ chỉ tập trung học 3 môn Toán - Văn - Ngoại ngữ còn những môn học khác, trong đó có Lịch sử sẽ chung số phận học cho hết tiết.

Trước đó, GS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, để HS quan tâm tới việc học môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông, việc bỏ hội chứng môn chính, môn phụ và gia tăng tổ hợp tuyển sinh vào ĐH là cần thiết. Có như vậy Lịch sử mới có cơ hội quan tâm và chắc chắn sẽ có kết quả khả quan.

Việc dùng thi cử để kéo chất lượng môn học lên, như GS Tung phân tích ở trên có thể coi là một giải pháp cấp thời, dù không giải quyết triệt để được câu chuyện nâng cao chất lượng môn học nhưng điều đó cũng cho thấy một thực tế. Đó là vẫn còn nhiều HS và phụ huynh có tâm lý có thi mới học. Nếu bỏ môn thi thứ 4, thì nhiều môn học khác như Lý, Hóa, Sinh, Sử… sẽ bị giáo viên và HS buông lỏng để dồn vào môn chính.

Dẫu biết rằng phụ huynh, học sinh và thậm chí cả giáo viên cũng mong giảm bớt môn thi để giảm áp lực nhưng trong điều kiện mọi học sinh đều học trực tuyến như nhau, nếu không bớt thì tất cả cùng thi cũng không ai thiệt thòi hơn ai, nhiều giáo viên nhìn nhận và mong học sinh bình tĩnh học với phương châm đến đâu chắc đến đấy, không vội vàng, đồng thời cân nhắc đúng khả năng của mình để đăng ký xét tuyển thì kỳ thi sẽ bớt đi nhiều áp lực.

Tác giả: THU HƯƠNG

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok