Trong tỉnh

Hiện trạng các mỏ đá ở Yên Lâm (Thanh Hóa) - Bài 2: Cần kiểm tra lại Giấy phép khai thác để tránh thất thu ngân sách

Ngày 29/4/2022, Báo Tài nguyên và Môi trường có bài viết “Cấp phép một đằng, khai thác một nẻo?” đã đề cập tới nội dung dù chỉ được cấp phép tận thu đá khối sản xuất đá ốp lát, nhưng một số doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định (Thanh Hóa) lại chỉ tập trung khai thác, chế biến đá khối để xẻ. Chính điều này không những đã gây ảnh hưởng đến tính thuế tài nguyên, mà còn làm thất thoát ngân sách Nhà nước khi cấp quyền khai thác khoáng sản.

Căn cứ vào giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất của UBND tỉnh Thanh Hóa cấp cho 3 doanh nghiệp tại thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định. Công ty Tân Sơn có trữ lượng được khai thác 265.000 m3, trữ lượng đá vôi tận thu làm đá ốp lát (sau điều chỉnh thành đá khối để xẻ) chiếm tỷ lệ khoảng 7%; Công ty AMD Group và Doanh nghiệp tư nhân Tân Đạt lần lượt có trữ lượng được khai thác 1.532.585 m3 và 296.253 m3, nhưng chỉ được tận thu sản xuất đá ốp lát lần lượt chiếm tỷ lệ khoảng 5,5% và khoảng 4,5%.

Doanh nghiệp tư nhân Xăng dầu Thanh Túy, được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 357/GP-UBND ngày 09/9/2015 với diện tích mỏ 27.009 m2; Khu vực 1: Trữ lượng địa chất; 204.083 m3, trong đó, đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường là 195.920 m3 (bằng 96,1%), đá khối tận thu sản xuất đá ốp lát là 8.163 m3 (bằng 3,99%). Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng và sản xuất Hoàng Minh được phép khai thác đá tại núi Hang Cá, thị trấn Yên Lâm với diện tích 49.866 m2. Mục đích sử dụng khoáng sản: Làm vật liệu xây dựng thông thường và tận thu đá khối sản xuất đá ốp lát. Với trữ lượng địa chất là 2.479.081 m3; trong đó, đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường là 2.305.302 m3 (bằng 93%); đá khối sản xuất đá ốp lát là 124.216 m3 (bằng 7%).

Mỏ đá của Doanh nghiệp Tiến Thành

Có mặt tại Doanh nghiệp Hoàng Minh thì ngay từ đầu cổng được Bảo vệ ngăn lại đề nghị xuất trình giấy tờ và hỏi han rất kỹ là vào gặp ai, làm gì? (mặc dù nơi đây không có biển cấm). Khi được trả lời là vào gặp Giám đốc mỏ thì Bảo vệ trả lời tỉnh bơ, Giám đốc đi vắng không vào được?. Liên hệ với Giám đốc chúng tôi được câu trả lời: “Tôi đi vắng rồi, nếu gặp thì chiều tôi về, còn khi chưa có tôi về thì không được vào, mà anh đã báo cáo với làng nghề chưa?”. Khi được trả lời: Làng nghề chỉ là Hội nghề nghiệp, không có chức năng quản lý nhà nước nên tôi không báo cáo, trước khi đến đây tôi đã liên hệ, báo cáo với UBND thị trấn rồi, nhưng Giám đốc Doanh nghiệp Hoàng Minh vẫn nhất quyết chỉ đạo bảo vệ không cho vào (!?).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số 33 doanh nghiệp khai thác đá tại Thị trấn Yên Lâm, có rất ít doanh nghiệp sản xuất đá làm vật liệu xây dựng. Nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất phục vụ xuất khẩu, mặc nhiên không làm tí đá vật liệu xây dựng nào, trong khi đá VLXD thông thường chiếm tỷ lệ lên hơn 90%.

Trong khi đó, dựa trên Luật khoáng sản ngày 17/11/2010 và Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Ngày 28/4/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 1455/2016/QĐ-UBND về việc quy định danh mục và giá tối thiểu tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho thấy: Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại thời điểm lần đầu đối với đá (đá cát kết, đá bazan) làm VLXD chỉ 65.000 đồng/m3, trong khi đối với đá khối để xẻ là 2.100.000 đồng/m3.

Nhiều phiến đá lớn nằm rải rác tại mỏ của Công ty AMD Group để sản xuất đá ốp lát và không chế biến đá VLXD thông thường

Như vậy, với hơn 90% tỷ lệ khai thác đá VLXD thông thường, doanh nghiệp chỉ đóng thuế tài nguyên hơn 3% so với thuế tài nguyên của đá khối để xẻ, hay nói cách khác thuế tài nguyên của đá VLXD rẻ hơn nhiều so với đá khối để xẻ. Vì vậy, trong quá trình khai thác mỏ đá, nếu có việc “bỏ quên” khai thác đá làm VLXD thông thường, các chủ mỏ khai thác vượt quá tỷ lệ đá khối để xẻ được UBND cấp phép thì doanh nghiệp đã “hời lớn” trong việc đóng thuế tài nguyên. Đó là còn chưa kể đến nếu xảy ra tình trạng “tiêu cực” trong công tác kê khai thuế, dẫn tới tình trạng lãng phí tài nguyên quốc gia, thất thu thu ngân sách Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Xuân Thái, Bí thư Đảng ủy (trước đây là Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lâm) cho biết: Việc đánh giá tỷ lệ tận thu chúng tôi không làm được, vì đây là thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ của tỉnh, vì tỉnh là người lên đánh giá chất lượng, khoan thăm dò, tỷ lệ cao thấp thế nào Thị trấn không nắm được, có những đơn vị họ bán đá hộc cho đơn vị khác mang về nghiền… Hiện nay theo hồ sơ khai thác của xã, chúng tôi thấy các doanh nghiệp thể hiện trên hồ sơ thuế, bản đồ khai thác, cái này doanh nghiệp làm với Sở Tài nguyên và Môi trường chứ xã không làm với doanh nghiệp. Về tỷ lệ thì doanh nghiệp nào khéo làm có thể tận thu được tốt hơn, hay phương án không tốt thì chỉ ra đá xây dựng, các doanh nghiệp mỗi nơi 1 xưởng…

Khi được PV phản ánh việc nhiều mỏ đá ở Yên Lâm chỉ được UBND tỉnh cấp phép từ 3,99- 9,5% đá xẻ (còn lại là đá làm VLXD) nhưng hiện tại các doanh nghiệp ở đây chủ yếu làm đá xẻ?. Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tỉnh cũng đã nắm việc này rồi, đã chỉ đạo các các ngành, vì trước đây khi cấp phép cho DN rất lâu lúc đó họ chủ yếu nổ mìn làm VLXD. Nhưng từ khi xảy ra một số tai nạn lao động, tỉnh chỉ đạo hạn chế nổ mìn, đưa công nghệ cắt dây vào khai thác, thì việc đá vụn sẽ ít đi, tỉnh cũng khuyến khích việc áp dụng công nghệ vào khai thác và tăng thu ngân sách nhà nước. UBND tỉnh sẵn sàng điều chỉnh Giấy phép, điều chỉnh việc bảo vệ môi trường để đăng thu ngân sách nhà nước.

Theo giấy phép thì hầu hết các mỏ đá tại thị trấn Yên Lâm đều khai thác hơn 90% đá VLXD thông thường

Từ thực tế diễn ra tại các mỏ đá của thị trấn Yên Lâm đang tồn tại một số bất cập trong khai thác đá khối để xẻ, tình trạng lãng phí tài nguyên khoáng sản và có thể khiến ngân sách Nhà nước thất thu. Vậy câu hỏi đặt ra là: Nếu như các doanh nghiệp khai thác không đúng Giấy phép được cấp như ở Thị trấn Yên Lâm, thì số lượng thất thu từ khi phê duyệt trữ lượng định giá tài nguyên khoáng sản bị thất thoát rất lớn (từ 2, 1 triệu đồng cho một mét vuông đá xẻ xuống còn 65 nghìn đồng cho một mét vuông đá làm vật liệu xây dựng thông thường).

Để có “vắc xin” hữu hiệu trong việc phòng, chống tiêu cực trong việc tính đúng, tính đủ trữ lượng khai thác tài nguyên khoáng sản. Rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần có sự tính toán phù hợp về trữ lượng, tỷ lệ giữa đá sản xuất VLXD thông thường và đá khối để xẻ từ cấp phép thăm dò, khai thác mỏ cho đến thu thuế tài nguyên khoáng sản.

Khoản 1, Điều 27, Luật Khoáng sản 2010 quy định: Khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ

Khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ là khu vực chỉ phù hợp với hình thức khai thác nhỏ được xác định trên cơ sở kết quả đánh giá khoáng sản trong giai đoạn điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản hoặc kết thăm dò khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt

Khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ được giới hạn bởi các đoạn thẳng nối các điểm khép góc thể hiện trên bản đồ địa hình hệ tọa độ quốc gia với tỉ lệ thích hợp.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok