Trong tỉnh

Hàng loạt vấn đề nổi cộm cần UBKT Trung ương vào cuộc làm rõ?

Đó là vụ bổ nhiệm “thần tốc” bà Trần Vũ Quỳnh Anh, Sở xây dựng; vụ các Khu “đất vàng” tại TP Thanh Hóa được bán với “giá bèo”; vụ nhà máy nước hồ Quế Sơn không phép…?

“Đất vàng giá bèo”?

Các dự án bất động sản được báo chí tốn nhiều giấy mực từ năm 2015 đến nay là: Khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1 thuộc khu đô thị mới Đông Hương, TP Thanh Hóa; Khu biệt cự cao cấp Quảng Cư - thị xã Sầm Sơn và dự án 34 phố Ngô Từ, TP Thanh Hóa. Mặc dù Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Theo báo chí đã nêu, các dự án này đều có vị trí đắc địa, thuộc “đất vàng” nhưng lại được bán với cái giá “quá bèo” khiến cho dư luận nghi ngờ về tính minh bạch, gây thất thu ngân sách hàng trăm tỷ đồng?

Đặc biệt có nhiều dấu hiệu "không bình thường" trong chuyện giao đất làm các dự án này.

Cụ thể, với hơn 2,9ha “đất vàng” tại dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1 thuộc khu đô thị mới Đông Hương, TP Thanh Hóa, ngày 3/9/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa mới ký QĐ 3089/QĐ-UBND để thu hồi đất và giao đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất bồi thường giải phóng mặt bằng, mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất cho dự án.

Khu đất vàng, giá bèo thuộc dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1 thuộc khu đô thị mới Đông Hương, Tp Thanh Hóa được dư luận quan tâm vì giá bán cho doanh nghiệp quá “bèo”?

Điều này có thể hiểu rằng UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi đất giao cho Trung tâm trên GPMB, sau đó mới mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Thế nhưng, trước đó nhiều ngày, ngày 27/8/2013 cũng chính UBND tỉnh Thanh Hóa có QĐ số 3013/QĐ-UBND để phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1 thuộc khu đô thị mới Đông Hương. Theo đó, liên doanh Cty CP TMĐT bất động sản An Phát và Cty CP Xây dựng và TM Đại Long được lựa chọn làm nhà đầu tư dự án.

Rõ ràng ở đây có “dấu hiệu bất thường” khi mà UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định lựa chọn nhà đầu tư trước thời điểm mà cũng chính UBND tỉnh này có quyết định thu hồi đất, giao đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để bồi thường giải phóng mặt bằng, mời thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Ngoài việc giá đất giao cho doanh nghiệp thấp đến khó tưởng so với giá trị thật của một khu “đất vàng”, với giá chỉ 2,9 triệu đồng/m2 nộp vào ngân sách là khó có thể chấp nhận được. Việc lựa chọn nhà đầu tư “khó hiểu” này là có sự bắt tay từ trước, lựa chọn nhà đầu tư trước khi thu hồi đất?

Tại dự án dự án Khu biệt thự cao cấp Quảng Cư, Thị xã Sầm Sơn (nay là TP. Sầm Sơn), một dự án nằm trên vị trí trung tâm hướng ra biển- vị trí vàng tại khu du lịch nổi tiếng xứ Thanh cũng có nhiều “bất thường”?

Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2012. Doanh nghiệp được lựa chọn là Công ty TNHH Điện tử -Tin học - Viễn thông EITC, dự án có tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư phải nộp vào ngân sách nhà nước hơn 62 tỷ đồng.

Tuy nhiên, 2 năm sau, tức ngày 25/9/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa lại ký Quyệt định 3147/QĐ-UBND để phê duyệt kết quả đàm phán, điều chỉnh thực hiện đầu tư dự án. Theo đó, dự án từ chỗ phải nộp ngân sách là hơn 62 tỷ đồng bị điều chỉnh giảm xuống còn 12,4 tỷ đồng. Trong khi đất đai khu vực Thị xã Sầm Sơn (nay là TP. Sầm Sơn) tăng lên hàng năm. Hiện giá đất tại khu vực này giao động 20-30 triệu đồng/m2, vị trí đẹp hướng biển lên đến 50 -60 triệu đồng/m2.

Tương tự là hàng chục nghìn mét vuông đất tại dự án số 34, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa. Khu đất vàng này nhanh chóng rơi vào tay của Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát.

Từ năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt và lựa chọn dự án cho doanh nghiệp này và có yêu cầu: “Chủ đầu tư phải thực hiện xong các nghĩa vụ tài chính và các quy định của pháp luật về đất đai có liên quan để có quyền sử dụng đất hợp pháp, phù hợp với quy hoạch xây dựng được phê duyệt trước khi triển khai các bước thực hiện dự án”.

Tuy nhiên có “điều lạ” là mãi đến ngày 2/11/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa mới ban hành QĐ 4508/QĐ-UBND để phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền sử dụng đất cho dự án số 34 Ngô Từ. Qua đó, diện tích tính tiền sử dụng đất hơn 10.167,9m2 (139 lô) được định giá ở mức là 3.375.000 đồng/m2 là quá thấp so với giá trị thực tế mà doanh nghiệp Anh Phát đã bán hết cho dân từ nhiều năm trước.

Hiện 2 trong 3 dự án nói trên đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, dư luận cũng mong UBKT Trung ương cần vào cuộc làm rõ?

“Lợi ích nhóm” dự án nhà máy nước hồ Quế Sơn?

Theo Quy hoạch chung ban hành năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ thì tại KKT nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa khu vực phía Đông Nam QL 1A chỉ duy nhất một nhà máy nước sạch – đó là nhà máy nước Nghi Sơn (nhà máy nước Bình Minh), công suất 90.000m3/ngày đêm.

Bất chấp quy hoạch nêu trên, ngày 10/6/2016,UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định cho Liên danh Công ty Anh Phát -Sông Chu đầu tư xây dựng thêm nhà máy nước 60.000m3/ngày đêm tại Hồ Quế Sơn, chỉ cách nhà máy nước Nghi Sơn khoảng 4km là vi phạm quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Lạ lùng hơn, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư được phê duyệt một cách “siêu tốc” chưa từng có, chỉ 4 ngày sau khi nhà đầu tư có đơn đề nghị. Việc làm này có nguy cơ đẩy nhà máy nước Bình Minh lâm vào phá sản.

Dự án nhà máy nước hồ Quế Sơn là mang đậm “lợi ích nhóm” rất cần được điều tra làm rõ?

Mặc dù cho đến nay Chính phủ mới chỉ đồng ý về nguyên tắc cho bổ sung nhà máy nước này vào Quy hoạch KKT Nghi Sơn, nhưng từ tháng 6/2016 nhà máy nước hồ Quế Sơn đã được ồ ạt cho xây dựng mà không hề thấy bất cứ cơ quan chức năng nào của Thanh Hóa đứng ra xử lí hay ít nhất là nhắc nhở. Ngược lại đã tạo mọi điều kiện cho nhà máy hoàn thành.

Thậm chí khi dự án còn chưa xây xong phần móng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban nhành nhiều văn bản “lạ đời” thúc ép Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn phải ký hợp đồng với nhà máy nước hồ Quế Sơn.

Theo giải thích của một số lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thì việc cho xây dựng nhà máy nước hồ Quế Sơn là rất cần thiết và cũng là để dự phòng cho dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Thanh Hóa có thêm nhà máy nước sẽ đảm bảo việc cung cấp nước cho Lọc hóa dầu thông suốt.

Nhưng từ ngày 22/8/2017, một vấn đề nghiêm trọng đã xảy ra: sau khi Lọc hóa dầu Nghi Sơn đón dòng dầu đầu tiên vào vận hành thương mại nhà máy đã thực hiện ngay việc cắt nguồn nước của nhà máy nước Nghi Sơn mà không một lời giải thích. Và đương nhiên, doanh nghiệp này đã chuyển sang dùng nguồn nước nhà máy nước hồ Quế Sơn do Tổng Công ty đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát làm chủ đầu tư.

Đây là việc làm này gây nhiều bức xúc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trong môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, khi nhà máy nước Bình Minh – đơn vị đã ký hợp đồng cung cấp nước suốt đời cho dự án Lọc hóa dầu và đã được Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đem đi thế chấp đến các tổ chức tín dụng quốc tế như một điều kiện quan trọng để được thu xếp cho vay vốn.

Đồng thời từ năm 2013 đến nay dự án lọc hóa dầu đang được nhà máy nước Bình Minh phục vụ nguồn nước sạch đảm bảo cả về chất lượng và khối lượng thông suốt cho quá trình xây dựng nhà máy. Nhưng đến khi dự án xây dựng xong và đón dòng dầu thô đầu tiên vào vận hành thương mại đã cắt nước ngay của đối tác mà không hề đưa ra bất cứ lý do nào.

Được biết đã hai lần NSRP từ chối ngồi vào bàn họp về việc cắt nước của nhà máy Bình Minh do UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì. Và tời đây chưa biết cách hòa giải, giải quyết của UBND tỉnh Thanh Hóa với các bên liên quan trong việc tự động cắt nước của nhà máy nước Bình Minh ra sao, nhưng ai cũng hiểu, việc Thanh Hóa cho xây dựng nhà máy nước hồ Quế Sơn là mang đậm “lợi ích nhóm”?

Tổng Công ty Đầu từ xây dựng và Thương mại Anh Phát là ai mà có thể dễ dàng được tạo mọi điều kiện để “nhảy dù” vào xây dựng thành công nhà máy nước hồ Quế Sơn? Ai đã tiếp tay cho việc cắt nước của nhà máy Bình Minh để lấy nước của Anh Phát. Hơn một nghìn tỷ đồng đã đổ vào đầu tư nhà máy nước (theo đúng quy hoạch) của Công ty Bình Minh chính thức lâm vào phá sản.

Điều này thể hiện ở sự bảo kê cho xây dựng nhà máy trái phép, trái quy hoạch chung của Thủ tướng ban hành năm 2007. Đặc biệt, từ ngày 22/8/2017 NSRP chủ động khóa van đường ống dẫn nước của nhà máy nước Bình Minh để lấy nước của nhà máy hồ Quế Sơn đã mở toang mọi nghi nghờ về một “nhóm lợi ích” khủng khiếp tại dự án coi thường phép nước này?

Vụ Trần Vũ Quỳnh Anh

Ai cũng biết, mấy ngày trước đây UBKT tỉnh ủy Thanh Hóa đã thông báo về kết quả kiểm tra sai phạm trong việc bổ nhiệm “thần tốc” bà Trần Vũ Quỳnh Anh - nguyên Trưởng Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng.

Tuy nhiên hình thức kỷ luật cao nhất cũng chỉ là “khiển trách” đối với cá nhân ông Ngô Văn Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nay là đương kiêm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Dư luận cho rằng hình thức kỷ luật này là biểu hiện của sự bao che, bất thường?

Tác giả: Quang Minh

Nguồn tin: Thời Báo Doanh nhân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok