Giáo dục

Giảm áp lực sổ sách, lo 'phép vua thua lệ làng'

Chỉ thị chấn chỉnh lạm dụng hồ sơ, sổ sách tại các nhà trường ra đời đáp ứng được mong đợi lâu nay của nhiều nhà giáo. Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều người quan tâm là việc giám sát thực hiện ra sao vì lâu nay Bộ vẫn chấn chỉnh nhưng áp lực hồ sơ sổ sách ở không ít nơi vẫn là nỗi ám ảnh của giáo viên.

 Sổ sách là một trong những gánh nặng của giáo viên

Sổ sách là một trong những gánh nặng của giáo viên. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhiều “sáng kiến” do nhà trường nghĩ ra

Các loại sổ sách giáo viên phải thực hiện

Theo Điều lệ trường thì hiện nay ở các cấp học có những loại hồ sơ sổ sách như sau: Với mầm non, có sổ kế hoạch giáo dục trẻ em; sổ theo dõi trẻ như điểm danh, theo dõi sức khỏe, theo dõi đánh giá trẻ; sổ chuyên môn như dự giờ, tham quan học tập, ghi chép các nội dung sinh hoạt chuyên môn; sổ theo dõi đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo đối với GV mầm non. Đối với cấp tiểu học, trung học và giáo dục thường xuyên có các loại: giáo án (bài soạn hoặc sổ tay lên lớp) các môn học và hoạt động giáo dục; sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn và dự giờ; sổ điểm cá nhân (không yêu cầu đối với GV tiểu học); sổ chủ nhiệm (đối với GV làm công tác chủ nhiệm lớp); sổ công tác Đội (đối với GV làm tổng phụ trách Đội).

Một giáo viên (GV) dạy tiểu học ở Hà Nội chỉ ra rằng, năm 2014 Bộ GD-ĐT đã có công văn chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ sổ sách trong nhà trường. Thế nhưng, ngoài các loại hồ sơ sổ sách bắt buộc thì các trường vẫn đẻ ra thêm rất nhiều loại khác nhau.

“Nhiều lúc chúng tôi rất sợ phải làm các loại hồ sơ sổ sách. Nó ngốn của GV không ít thời gian. Mỗi khi về nhà chúng tôi lại “đánh vật” với các loại sổ và các kế hoạch mà chuyên môn phân công. Hết làm trên máy vi tính lại chép tay”, GV này nói.

Theo phản ánh của nhiều GV, có những cuốn sổ rất hình thức như sổ kế hoạch sử dụng thiết bị dạy học, kế hoạch dạy học trải nghiệm sáng tạo… Các tổ bộ môn đã có kế hoạch chung nhưng trường vẫn yêu cầu mỗi GV phải có cuốn sổ riêng. Điều này dẫn tới tình trạng GV phải làm đối phó, sao chép của nhau để nộp cho đủ khi kiểm tra. Do vậy, dù chỉ thị ra đời nhưng GV vẫn đang hồi hộp chờ sự chuyển biến trong thực tế.

Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Hà Nội cho rằng thực hiện theo đúng danh mục về hồ sơ, sổ sách như hiện nay đã quá đủ. Tuy nhiên, vai trò quản lý cấp trường rất quan trọng vì nhiều “sáng kiến” về sổ sách ngoài danh mục là do ban giám hiệu trường nghĩ ra vì cho rằng càng nhiều sổ sách thì càng tiện cho công tác quản lý.

Áp lực từ cơ quan quản lý ?

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho rằng hiện tượng đề ra các quy định riêng về hồ sơ sổ sách không phải chủ yếu xuất phát từ các nhà trường mà là do cơ quan quản lý các cấp. Từ năm 2014, Bộ đã có văn bản chỉ đạo cắt giảm các loại giấy tờ, sổ sách cho GV và chỉ để còn 4 đến 5 loại. Tuy nhiên, ở dưới địa phương đến cấp sở, cấp phòng GD-ĐT, lại có thêm nhiều thứ. Mỗi lần kiểm tra chuyên môn, khảo sát thì thái độ của những người kiểm tra thiếu sự thân thiện, mang nặng tính chất cấp trên xuống dưới thanh tra, dò xét từng chi tiết một. Những lần thanh tra đấy lại đổ lên đầu hiệu trưởng và khi họp hội đồng thì lại trút lên GV.

“Tôi mong muốn phải thay đổi cách thức thanh tra. Thanh tra đến là phải thân thiện, đến để giúp đỡ, hỗ trợ, cùng chia sẻ chứ không phải cấp trên đến để rạch ròi, xét nét”, ông Hòa đề xuất.

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Tây Hồ, Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận việc thay đổi từ cấp quản lý rất quan trọng, nhất là cấp phòng, nơi quản lý trực tiếp tất cả hệ thống các trường từ mầm non, tiểu học, THCS đóng trên địa bàn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Bắc Ninh, cho hay khoảng 3 - 4 năm gần đây năm học nào sở cũng có công văn gửi các cơ sở giáo dục yêu cầu thực hiện đúng tinh thần giảm tải về hồ sơ, sổ sách cho GV, tuyệt đối không để phát sinh gây áp lực cho GV. Vì vậy, về cơ bản GV các trường ở Bắc Ninh lâu nay không phàn nàn về việc phải làm quá nhiều loại hồ sơ.

Khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin

Một trong những thay đổi quan trọng được nhiều GV mong chờ trong chỉ thị của Bộ GD-ĐT là khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện và kiểm soát các loại hồ sơ, sổ sách trong nhà trường; cho phép GV được quyền lựa chọn cách viết tay hoặc đánh máy.

Tuy nhiên, để chính sách “cởi trói” này đi vào thực tế không chỉ đòi hỏi GV sử dụng được công nghệ thông tin mà cấp quản lý, những người chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra cũng phải hiểu và sử dụng thành thạo công nghệ thông tin.

Ông Lê Hồng Vũ cho hay: Dù chưa có văn bản của Bộ nhưng từ đầu năm học này phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ đã mạnh dạn cho phép GV và các nhà trường sử dụng máy tính để làm hồ sơ, sổ sách mà không bắt buộc phải viết tay như trước. Do vậy, theo ông Vũ, chỉ thị ra đời giúp cơ sở giáo dục có thêm hành lang pháp lý để thực hiện, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Hiện nay, hầu hết GV ở những thành phố lớn đều sử dụng máy tính thành thạo, trường nào cũng có hệ thống máy tính, máy chiếu nên nếu bắt GV viết tay thì sẽ rất vô lý, hình thức mà lại không tận dụng được thiết bị hiện đại sẵn có.

Ông Vũ nêu ví dụ, lâu nay vẫn bắt GV viết tay sổ giáo án hằng năm để đảm bảo không dùng lại giáo án cũ hay không sao chép trên mạng... nhưng thực tế, việc kiểm tra, giám sát bằng công nghệ thông tin mới dễ dàng phát hiện ra những vi phạm.

Tuy nhiên, ông Vũ cũng thừa nhận một thực trạng rằng có những cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác thanh kiểm tra rất bảo thủ, ngại đổi mới. Họ kiểm tra và đặt ra yêu cầu với các trường dựa trên “chủ nghĩa kinh nghiệm” của bản thân mà không chịu cập nhật những thay đổi, ứng dụng hiện đại, tiên tiến. Vì vậy, ngay cả cấp phòng cũng phải quản lý bằng phần mềm, giảm thiểu tối đa các loại hồ sơ, sổ sách viết tay.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, khẳng định: “Chỉ thị yêu cầu từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử một cách đồng bộ và theo lộ trình phù hợp với địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của GV; từng bước tin học hóa quản trị nhà trường. Việc này cũng nhằm nâng cao năng lực cho GV cán bộ quản lý về ứng dụng công nghệ thông tin để giảm dần công việc “tay chân”, dành thời gian đổi mới, sáng tạo trong dạy học và quản trị nhà trường”.

Tác giả: Tuệ Nguyễn

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok