Trong tỉnh

Đường trăm tỷ xới tung để đấy, mưa nhầy nhụa, nắng bụi mù

Công trình cải tạo, nâng cấp đường nối huyện Nông Cống - Quảng Xương (Thanh Hóa) được đầu tư gần 100 tỷ, sau 3 năm vẫn chưa xong phần nền.

Ngày 18/3/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường kết nối huyện Nông Cống - Quảng Xương (đường Nghi Sơn đi Sao Vàng - tỉnh lộ 525 - tỉnh lộ 504), dài 7,3km, tổng mức đầu tư 99,9 tỷ đồng, do UBND huyện Nông Cống làm chủ đầu tư.

Người dân đi lại khó khăn trên tuyến đường này

Dự án được triển khai trong thời gian không quá 5 năm (2016-2020), nguồn vốn ngân sách trung ương (Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng). Công ty CP Tập đoàn miền Trung (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) là nhà thầu thi công chính, công ty CP xây dựng thương mại Xuân Hưng (phố 1, phường Quảng Hưng) làm nhà thầu phụ.

Lớp đất tràn trước sân nhà dân

Bùn đất lún sâu nhão nhoét

Sau 3 năm thi công, ngoài các phần việc như nạo vét lòng đường, đổ đất thì gần như dự án luôn nằm trong tình trạng “giậm chân tại chỗ” khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.

Ông Cao Xuân Vụ (65 tuổi, thôn 4, xã Tế Nông) kể, mấy năm nay, đơn vị thi công chỉ đổ được tí phần đất rồi bỏ đó. Mưa xuống thì lầy lội, đi lại khó khăn. Mùa nắng thì bụi mù mịt nên người dân gọi đây là con đường đau khổ.

Ông Vụ cho biết tuyến đường chậm thi công ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân

Ông Vụ cho biết thêm, nơi đây thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn do ngã xe.

Dự án chậm tiến độ cũng khiến hoạt động sản xuất của người dân bị thiệt hại. Do đang trong quá trình thi công, 3 cống Nông Giang chạy qua đường có nhiệm vụ tưới tiêu cho toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của làng bị lấp khiến hơn 5 mẫu lúa vụ hè thu 2018 bị ngập nước và mất trắng.

Không những thế, hàng chục hộ dân tại làng Tế Độ luôn nằm trong tình trạng bị ngập cục bộ, không thể chăn nuôi hay tăng gia sản xuất…

Mặt đường nham nhở ổ voi, ổ trâu

Bà Nguyễn Thị Thương (thôn Tế Độ) chia sẻ: Mỗi khi trời mưa, đường lầy lội, có nơi bùn ngập đến qua đầu gối, không một phương tiện giao thông nào có thể đi qua.

Nhiều hôm, gia đình hết gạo, muốn chở lúa đi xát cũng chịu. Các cháu học sinh đi học phải gửi xe để đi bộ cả cây số.

“Mới tháng 8 vừa qua, hàng chục hộ dân đã cùng nhau lên UBND huyện yêu cầu làm rõ vì sao tuyến đường lại chậm thi công đến như vậy. Huyện đã yêu cầu đơn vị thi công cào lớp bùn rồi phủ lên một lớp đá, nhưng tình hình lầy lội không được cải thiện”, bà Thương nói.

Chậm tiến độ

Ông Trần Văn Huệ, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nông Cống thừa nhận việc người dân phản ánh như trên là có thật.

Sau khi bị dân phản ánh, đơn vị thi công rải một lớp đá nhưng vẫn không ăn thua

Theo ông, tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án này thời gian thực hiện không quá 5 năm. Do huyện muốn đẩy nhanh tiến độ thi công nên đã ký hợp đồng với nhà thầu thực hiện trong 2 năm (từ cuối năm 2016 đến cuối năm 2018). Đến nay đã hết hạn nhưng đơn vị thi công đang rất chậm tiến độ.

Ống cống bỏ lăn lóc 2 năm nay

Nguyên nhân, ông Huệ cho hay, do thời điểm thi công trùng với thi công tuyến đường Nghi Sơn - Sao Vàng nên khó khăn cho việc vận chuyển vật liệu. Hơn nữa thời gian thi công liên tục gặp mưa lớn kéo dài, ô tô không thể vào mỏ lấy đất được. Đặc biệt là thiếu vốn nên không có kinh phí thực hiện.

“Việc chậm tiến độ đã rõ. Đơn vị thi công đã có văn bản gửi UBND huyện xin gia hạn. Huyện sẽ đôn đốc nhà thầu thời gian tới tập trung hoàn thiện phần nền và phần mặt để người dân bớt khổ. Tỉnh chỉ mới rót vốn về được 35 tỷ/100 tỷ nên rất khó khăn trong quá trình thực hiện”, ông Huệ chia sẻ.

Tác giả: Lê Dương

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok