Trong tỉnh

“Dự án treo” làm nóng nghị trường Thanh Hoá

Tại Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, một trong những vấn đề được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm là, nhiều dự án được tỉnh giao đất nhưng qua nhiều năm nhà đầu tư không triển khai dù đã được gia hạn nhiều lần. Trong khi đó nhiều nhà đầu tư khác có nhu cầu đầu tư lại không có đất…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết: Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (ngày 1-7-2014) đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.617 dự án được giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích là 7.863,82 ha. Kết quả, có 1.102 dự án (khoảng 68,15%) đã hoàn thành đầu tư, đảm bảo tiến độ, đưa đất vào sử dụng đúng mục đích; 208 dự án (chiếm 12,86%) đang thực hiện đầu tư đảm bảo tiến độ; 247 dự án (chiếm 15,28%) thực hiện đầu tư chậm tiến độ, nhưng chưa quá 24 tháng, chưa vi phạm điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013.

Ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trả lời chất vấn đại biểu

Bên cạnh đó, qua thanh tra, kiểm tra đối với 654 lượt dự án đã phát hiện 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 (trong đó, có 60 dự án được giao đất, thuê đất từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay). UBND tỉnh đã quyết định thu hồi đất 21 dự án, với tổng diện tích 89,88 ha; gia hạn tiến độ sử dụng đất 88 dự án, yêu cầu chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian được gia hạn (24 tháng); chỉ đạo các ngành tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 dự án vi phạm.

Nguyên nhân dự án chậm tiến độ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cho biết: Về khách quan là do quy định của pháp luật về việc các tổ chức kinh tế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư đã gây rất nhiều khó khăn, bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng.

Quy định của các luật chuyên ngành (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Lâm nghiệp...) chưa đồng bộ, một số quy định chưa thống nhất, còn có sự chồng chéo dẫn đến khó khăn, bất cập trong việc xem xét, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất. Quy định của pháp luật về điều kiện thu hồi đất của nhà đầu tư do chậm tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng rất bất cập, dẫn đến chậm trễ kéo dài nhưng không thể thu hồi đất. Đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 cũng đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp, gây khó khăn rất lớn cho nhà đầu tư trong việc thu xếp vốn cũng như việc thi công dự án…

Về chủ quan, do chất lượng tham mưu chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư của các ban, sở, ngành đối với một số dự án còn hạn chế, chưa đánh giá đúng năng lực nhà đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, tính khả thi trong triển khai và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.

Đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa tại Kỳ họp thứ 7, khóa XVIII

Tại phiên chất vấn, ông Lê Đức Giang trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu, trong đó đáng chú ý là đại biểu Cao Tiến Đoan. Ông Đoan đặt vấn đề việc thu hồi dự án chậm tiến độ nhưng do lỗi của Hội đồng Giải phóng mặt bằng (GPMB) chứ không phải do lỗi của doanh nghiệp thì có oan không? Nếu cứ thu hồi thì có xử lý cán bộ nhà nước tham gia GPMB không?

Ông Lê Đức Giang khẳng định, cho đến nay chưa có dự án nào thuộc diện Nhà nước thu hồi đất mà do chậm giải phóng mặt bằng đến mức phải thu hồi. Ông Giang cũng cho biết, nếu có tình trạng chậm do GPMB thì sẽ kiểm điểm, xử lý nhưng đến nay thì chưa có. Ngoài ra, ông Giang cũng viện dẫn bất cập giữa dự án do Nhà nước GPMB và dự án do Doanh nghiệp tự thỏa thuận, thường giá bồi thường của doanh nghiệp đưa ra cao gấp nhiều lần so với giá Nhà nước. Vì vậy, nảy sinh vấn đề so sánh giữa các hộ dân trong cùng một phạm vi nhưng có 2 mức giá đền bù khác nhau, khó khăn cho công tác GPMB.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hải đặt câu hỏi, hiện có 88 dự án vi phạm luật đất đai nhưng tỉnh vẫn cho gia hạn, hoặc có dự án gia hạn 2 - 3 lần vẫn chậm là vì sao? Đối với 46 dự án vi phạm luật đất đai, giao cho các ngành tham mưu xử lý, vậy 46 dự án này vi phạm từ khi nào?

Trả lời nội dung này, ông Lê Đức Giang cho biết, việc gia hạn là theo quy định của Luật đất đai, nếu không gia hạn 24 tháng thì không thu hồi được. Ông Giang nói, trước đây có dự án gia hạn 9 tháng, có dự án gia hạn 12 tháng, điều đó không đúng với Luật đất đai. Do đó, kể cả dự án đã gia hạn 9 tháng, rồi 12 tháng thì nay vẫn phải gia hạn đủ 24 tháng, sau đó nếu doanh nghiệp không thực hiện sẽ thu hồi. Đối với 46 dự án vi phạm Luật đất đai, có dự án vi phạm trước khi có Luật đất đai 2013, có dự án vi phạm sau khi có Luật đất đai 2013.

Công tác quản lý, sử dụng đất được đại biểu, cử tri đặc biệt quan tâm tại kỳ họp này

Để khắc phục có hiệu quả những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trong thời gian tới, ông Lê Đức Giang cho biết: UBND tỉnh sẽ chỉ đạo rà soát, tổng hợp và đề nghị các cơ quan Trung ương có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để tháo gỡ các bất cập, vướng mắc của các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, quy hoạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư. Đồng thời, thành lập Tổ công tác rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh để rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các vấn đề cụ thể của từng dự án, nhất là chấm dứt hoạt động, thu hồi đất các dự án vi phạm quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng... nếu đủ điều kiện.

Tác giả: Trần Thắng

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok