Trong tỉnh

Dự án thủy điện Hồi Xuân chính thức được phê duyệt quy trình vận hành

Vừa qua, Bộ Công Thương đã chính thức phê duyệt vận hành hồ chứa thủy điện Hồi Xuân tại tỉnh Thanh Hóa nhằm góp phần chống lũ cho khu vực hạ du và phục vụ quá trình phát điện.

Quyết định số 360 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Hồi Xuân đã có hiệu lực từ ngày 21/2/2019.

Công trình thủy điện Hồi Xuân được đặt trên sông Mã, thuộc địa bàn các xã Hồi Xuân và Thanh Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa có cấp thiết kế là cấp II theo QCVN 04-05:2012/BNNPTNT, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO làm chủ đầu tư.

Dự án hồ chứa thủy điện Hồi Xuân tại huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Theo đó, trong mùa lũ, thủy điện Hồi Xuân có nhiệm vụ đảm bảo an toàn công trình, không để mực nước hồ chứa vượt mực nước lũ kiểm tra ở cao trình 86,05m với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 500 năm; đồng thời, góp phần đảm bảo an toàn chống lũ cho hạ du và đảm bảo hiệu quả phát điện và góp phần đảm bảo hiệu quả cấp nước cho hạ du.

Ngoài ra, trong mùa cạn, công trình thủy điện Hồi Xuân còn phải đảm bảo an toàn công trình cũng như đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và góp phần đảm bảo nhu cầu sử dụng nước ở hạ du, song song với đảm bảo hiệu quả phát điện.

Quyết định của Bộ Công Thương cũng quy định rõ về phân loại lũ và thời kỳ mùa lũ, mùa cạn để áp dụng các quy định vận hành đối với công trình thủy điện Hồi Xuân.

Trong đó, lũ được chia thành 4 loại:

Lũ nhỏ và vừa có lưu lượng đỉnh lũ từ 670m3/s đến 2930 m3/s;

Lũ lớn có lưu lượng đỉnh lũ lớn hơn 2930 m3/s đến nhỏ hơn 6000 m3/s;

Lũ đặc biệt lớn có lưu lượng đỉnh lũ từ 6000 m3/s đến nhỏ hơn 7000 m3/s;

Lũ lịch sử có lưu lượng đỉnh lũ lớn hơn hoặc bằng 7000 m3/s.

Mùa lũ, mùa cạn được chia rõ ràng theo 2 thời kỳ trong năm:

Mùa lũ từ ngày 15/7 đến ngày 15/11 hàng năm;

Mùa cạn từ ngày 16/11 năm trước đến 14/7 năm sau.

Đặc biệt, Bộ Công Thương nhấn mạnh, khi có bão lũ khẩn cấp, áp thấp nhiệt đới gần bờ hoặc các hình thế thời tiết khác gây mưa lũ, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương trên lưu vực sông Mã, VNECO phải tổ chức quan trắc, tính toán mực nước hồ, lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả qua đập tràn, qua nhà máy ít nhất 15 phút một lần và tổ chức quan trắc lượng mưa trên lưu vực ít nhất 1 giờ 1 lần, từ đó thực hiện bản tin dự báo lũ về hồ định kỳ 3 giờ 1 lần.

Trong điều kiện thời tiết bình thường, VNECO chỉ được yêu cầu tổ chức quan trắc ít nhất 4 lần/ngày và thực hiện bản tin dự báo 1 lần vào 10 giờ.

Dự án thủy điện Hồi Xuân được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2007 do Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam VNECO làm chủ đầu tư, sau đó được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO làm chủ đầu tư.

Dự án triển khai thi công từ năm 2010, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 3.320 tỷ đồng, công suất 102 MW, bao gồm 3 tổ máy có sản xuất lượng điện trung bình 432,61 triệu kWh/năm.

Tác giả: Thy Thảo

Nguồn tin: tapchicongthuong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok