Trong tỉnh

Dự án Nhà máy Phân đạm và mở rộng cảng chuyên dụng Công Thanh chậm tiến độ, chủ đầu tư chây ỳ?

Đến nay Công ty CP tập đoàn Công Thanh vẫn chây ỳ không chịu đầu tư công trình. Nhiều lần nhắc nhở, đôn đốc đầu tư không được UBND tỉnh đã có Công văn chấm dứt chủ trương đầu tư, BQL KKT Nghi Sơn thu hồi lại Giấy chứng nhận đầu tư. Lúc này Chủ đầu tư lại cho rằng: Đây là dự án đầu tư nhóm A, nên khi Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến thì UBND tỉnh chưa thể thu hồi được?

Theo tìm hiểu của PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ngày 22/12/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn số 6185/UBND-ĐMDN chấp thuận cho Công ty CP xi măng Công Thanh ( Công ty) đầu tư Nhà máy sản xuất phân đạm tại Khu công nghiệp I xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia.

Khu vực Cảng mở rộng đã bị thu hồi nhưng Công ty Công Thanh vẫn san lấp trái phép

Đến ngày 11/6/2009, UBND tỉnh có Quyết định số 1749/QĐ-UBND thu hồi 744.399 m2 đất tại xã Mai Lâm theo Trích đo bản đồ bản đồ địa chính khu đất số 254/TĐBĐ, tỷ lệ 1/1.000, do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường lập ngày 23/3/2009 để giao cho Công ty xây dựng nhà máy đạm Công Thanh. Ngày 6/4/2011, UBND huyện Tĩnh Gia có Quyết định số 449/QĐ-UBND thành lập HĐ kiểm kê- bồi thường- GPMB nhà máy sản xuất phân đạm tại xã Mai Lâm. Ngày 17/10/2011, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn đã cấp Giấy Chứng nhận đầu tư số 26221000108 cho Công ty.

Theo thiết kế, công suất hoạt động của nhà máy đạt 560.000 tấn phân/năm và đã đươc Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trương (ĐTM) với tống vốn đầu tư là 14.445 tỷ đồng. Dự kiến khởi công vào tháng 12/2011 đến tháng 11/2015 hoàn thành và đi vào sản xuất.

Theo tìm hiểu của Phóng viên, hiện nay Tập đoàn Công Thanh đang có một số dự án đầu tư tại KKT Nghi Sơn, trong đó có cả khu vực cảng tổng hợp, cảng chuyên dụng phục vụ cho các dự án: Nhiệt điện Công Thanh, Xi măng Công Thanh, … Cũng theo đề nghị của Công ty, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển các sản phẩm của Nhà máy Phân đạm đã được cấp phép đầu tư, Công ty đã đề nghị xin được mở rộng thêm 400m mét bến cảng chuyên dụng đã được cấp (500m) về phía Bắc diện tích khoảng 18 ha, chiều dài tuyến cách mép nước là 400 m.

Ngày 15/7/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 5277/UBND-THKH chấp thuận chủ trương địa điểm mở rộng cảng chuyên dụng Công Thanh. Như vậy, cộng với diện tích của cảng cũ và phần mở rộng, chiều dài hiện tại cảng chuyên dụng là 900 m. Tại điểm 2 của Công văn 5277/UBND-THKH cũng nêu rõ: Công ty phải hoàn thiện lập hồ sơ đầu tư xây dựng, hồ sơ sử dụng đất, trình các cấp chính quyền để được giao đất, cho thuê đất trong thời gian không quá 180 ngày. Nếu quá thời gian trên Công ty không được hoàn trả kinh phí đã chi phí liên quan đến dự ánh đầu tư.

Như vậy, mọi cơ sở pháp lý Công ty Công Thanh đã được UBND tỉnh Thanh Hóa, BQL KKT Nghi Sơn và các KCN Thanh Hóa và UBND huyện Tĩnh Gia tạo mọi điều kiện để Công ty sớm hoàn thành dự dự án đi vào hoạt động đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, kể từ khi được giao đất, có Giấy Chứng nhận đầu tư, nhưng đến nay Chủ đầu tư không chủ động phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng do không thu xếp được nguồn vốn để triển khai, tiến độ thực hiện dự án quá chậm so với Giấy chứng nhận đầu tư

Trước tình hình trên, BQL KKT Nghi Sơn và các KCN Thanh Hóa đã nhiều lần có Công văn gửi Công ty nhằm đôn đốc khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục, GPMB để xây dựng. Cụ thể các Công văn số 957/BQLKKTNS-XTĐT ngày 16/8/2012; Công văn số 785/BQLKKTNS-XTĐT ngày 24/6/2014…, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng có 2 Giấy mời công ty Công Thanh họp vào ngày 24/1/2017 và ngày 21/2/2017. Mặt khác, đến thời điểm hiện tại Chủ đầu tư vẫn triển khai dự án chậm tiến độ, chưa ký quỹ đầu tư theo quy định của của Luật Đầu tư.

Đến ngày 23/12/2016, BQL KKT Nghi Sơn và các KCN Thanh Hóa đã có Tờ trình số 2532/TTr-BQLKTNS&CKCN gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị thu hồi dự án Nhà máy sản xuất phân đạm Công Thanh và phần mở rộng cảng chuyên dụng Công Thanh do Tập đoàn Công Thanh làm chủ đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Vì đã vi phạm vào Điểm g, Khoản 1, Điều 48, Luật Đầu tư 2014 quy định: “Dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau: g, Sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật này”Và vi phạm Khoản C, Điểm 2, Điều 41, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Công văn của UBND tỉnh Thanh Hóa về chấm dứt hoạt động dự án đầu tư Nhà máy phân đạm Công Thanh và dự án đầu tư xây dựng phần mở rộng khu bến chuyên dụng cảng Công Thanh về phía Bắc

Ngày 28/2/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản số 1946/UBND-THKH đồng ý: Chấm dứt hoạt động dự án đầu tư Nhà máy phân đạm Công Thanh và dự án đầu tư xây dựng phần mở rộng khu bến chuyên dụng cảng Công Thanh về phía Bắc. Yêu cầu Công ty xi măng Công Thanh tập trung mọi nguồn lực để triển khai các dự án đã đầu tư tại Khu Kinh tế Nghi Sơn. Ngày 13/3/2017. BQL KKT Nghi Sơn và các KCN Thanh Hóa đã có QĐ số 39/QĐ-BQLKKTNS&CKCN về việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư Nhà máy sản xuất phân đạm Công Thanh và thu hồi Giấy Chứng nhận đầu tư số 26221000108 do Ban cấp ngày 17/10/20011.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử, ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng ban BQL KKT Nghi Sơn và các KCN Thanh Hóa cho biết: Việc UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản chấm dứt hoạt động đầu tư Nhà máy phân đạm Công Thanh và BQL KKT Nghi Sơn và các KCN Thanh Hóa có Quyết định thu hồi Giấy phép dự án Nhà máy phân đạm Công Thanh và phần mở rộng cảng chuyên dụng (400m) để phục vụ dự án là hoàn toàn đúng quy định của Luật Đầu tư 2014 và Nghị định 118/2015/NĐ-CP. Việc thu hồi các dự án chậm tiến độ kéo dài và không có khả năng đầu tư sẽ tạo cơ hội, điều kiện cho các nhà đầu tư khác có năng lực đầu tư đăng ký thực hiện, làm minh bạch và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của KKT nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này

Tác giả: Tuyết Trang

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok