Giải trí

Đời tư lắm nỗi truân chuyên của nghệ sĩ hài Vân Dung

Nhắc đến Vân Dung, người ta nhớ ngay đến một cô nàng đỏng đảnh, chua ngoa của làng hài Việt. Nhưng ít ai biết rằng ngoài đời thật chị lại rất đỗi dịu dàng và từng trải qua cuộc sống khó khăn phải đi mót sắn, mót khoai cùng chị gái.

Vân Dung là một diễn viên hài nổi tiếng hàng đầu Việt Nam. Chị sống và làm việc chủ yếu ở thành phố Hà Nội.

Vân Dung bắt đầu được đông đảo khán giả Việt Nam biết đến từ khi tham gia chương trình Đời cười của Nhà hát Tuổi trẻ, Gặp nhau cuối tuần, Gala cười và Gặp nhau cuối năm (Táo Quân) của Đài Truyền hình Việt Nam. Vân Dung luôn “biến hóa” trong đủ các vai diễn, đanh đá, chua ngoa đến ngây thơ, khổ cực.

Nhưng phía sau sân khấu, ít ai biết một Vân Dung rất đỗi dịu dàng mà cũng lắm nỗi truân chuyên.

Nghệ sĩ Vân Dung

Nghệ sĩ Vân Dung.

Tuổi thơ dữ dội

Vân Dung tên đầy đủ là Lê Vân Dung sinh năm 1975, trong một gia đình làm nghệ thuật. Mẹ là diễn viên, bố là đạo diễn của Đoàn ca múa Tây Bắc (sau này cả bố mẹ chị đều chuyển về Quân khu I). Ngày còn bé, Vân Dung sống cùng bố mẹ ở Thái Nguyên. Lúc mới 3-4 tuổi, chị đã thích cùng chị gái Vân Trang đóng kịch, khi thì giả thành nàng công chúa, lúc lại biến thành cô tiên toàn phép màu nhiệm.

Nghệ sĩ Vân Dung

Nghệ sĩ Vân Dung lúc trẻ.

Lên 5 tuổi, Vân Dung “chuyên nghiệp” hơn, đóng hẳn vai “thổ phỉ” cưỡi ngựa kéo đến các bản làng, đánh nhau với… quân du kích (do chị gái đóng), biểu diễn cho các cô chú trong đoàn ca múa nhạc Tây Bắc xem.

Màn trình diễn của hai chị em được các cô chú đệm nhạc, làm âm thanh nên hai cô nàng “khoái chí” lắm, vừa diễn vừa cười tít mắt. Vở diễn kết thúc, Vân Dung được các cô chú khen hết lời, thưởng cho bao nhiêu là… pháo tay.

Phần thưởng tinh thần đó, ít nhiều giúp chị nuôi dưỡng ước mơ cháy bỏng trên sân khấu này.

Ngày ấy, tối thứ 7 nào cũng vậy, dù chơi trò gì đi nữa, cứ đến giờ phát chương trình “Câu chuyện cảnh giác” trên Đài Tiếng nói Việt Nam, hai chị em Vân Dung lại nhảy lên giường, trùm chăn kín mặt, vừa nghe vừa hét lên vì sợ. Có thể nói, những ngày thơ ấu của Vân Dung thật vui vẻ, sung sướng về tinh thần, nhất là có sự chăm sóc của bố mẹ.

Tuy nhiên, trong những năm tháng mà cả đất nước còn đang khó khăn, Vân Dung cũng phải đi mót lúa, mót ngô như bất kỳ đứa trẻ nào. Chị nhớ như in những kỉ niệm, nhiều bữa trưa, bố mẹ đi làm, hai chị ở nhà ăn chung một chiếc bánh mì. Vân Dung tham ăn, lúc nào cũng đòi chị phần hơn. Rồi thì việc hai chị em chỉ có mỗi đôi dép nên cứ phải thay phiên nhau, sáng chị đi, chiều tới lượt em và ngược lại.

Vào lớp 2, gia đình Vân Dung chuyển về Hà Nội sinh sống. Lúc đầu, cả 4 người ở nhà ông bà nội trên phố Quán Thánh, nhưng chật quá, nên đến năm Vân Dung 10 tuổi bố mẹ quyết định chuyển về trong ngôi nhà nhỏ tại Hoàng Cầu (nơi ở hiện nay của Vân Dung). Tuy nhiên, lúc đó, căn nhà làm gì được “cửa rộng, tường cao” như bây giờ, chỉ vẻn vẹn 6m2, đủ để kê một chiếc giường và chỗ nấu ăn.

Về nhà mới, cô bé “cò hương” Vân Dung ngày nào cũng phải đi gánh tới 20 thùng nước cho cả gia đình sinh hoạt. Gánh nước, không phải vào thùng nhỏ nhựa, mà vào hẳn thùng tôn to đùng, 10 tuổi, Vân Dung đã biết nấu cơm, quét nhà, gánh nước như người lớn. Cô kể, căn nhà 6m2 dột nát đủ chỗ, cứ mưa xuống là thành bể nước, ngập đến đầu gối, nồi niêu, xoong chảo nổi lềnh phềnh, nằm không nằm được, ngủ không xong, thế là bố mẹ, con cái lại ngồi ôm nhau chờ nước rút.

Học sinh cá biệt

Học hết cấp 2, Vân Dung thi đỗ vào trường THPT Trưng Vương. Được khoảng 3 tháng, cô chuyển về học văn hóa và chuyên môn tại nhà hát Tuổi Trẻ, sáng học nghệ thuật, tối học văn hóa. Lớp học của Vân Dung hồi đó có diễn viên Đức Khuê, Nguyệt Hằng, Hồng Hạnh…

Học tập thì lẹt đẹt nhưng Vân Dung luôn nổi tiếng trong lớp bởi “đức tính” nghịch ngợm, tai quái của mình. Đi học, lúc nào cô cũng đến muộn vì lý do đau bụng và hỏng xe. Đến nỗi, thầy giáo phát cáu, nhắc nhở: “Lần sau nếu có đi muộn, hãy tìm một lý do khác”. Cũng bởi thế, hạnh kiểm của Vân Dung chỉ “quanh quẩn” hết khá đến trung bình.

Top 15 Hoa hậu báo Tiền Phong

Năm 1992, khi chị gái Vân Trang đăng ký đi thi Hoa hậu báo Tiền Phong, Vân Dung cũng năng nổ xin đi thi cùng với lí do chính là “cổ vũ chị”.

Khi ấy, chị mới chỉ 17 tuổi và là thí sinh trẻ nhất cuộc thi. Thế nhưng, chuyện đó có ai ngờ, dù chỉ thi cho vui nhưng Vân Dung lại lọt vào top 15 cô gái đẹp nhất.

Nghệ sĩ Vân Dung

Gương mặt của Vân Dung được đánh giá vô cùng hợp với các sân khấu. Trong khi các bạn đồng trang lứa chọn con đường chính kịch thì cô đã chọn theo hài kịch. Chị từng chia sẻ, thi Hoa hậu chỉ là “cuộc dạo chơi”, chứ không phải đam mê của mình. Và đó cũng chính là cuộc thi nhan sắc đầu tiên và duy nhất trong sự nghiệp của nữ nghệ sỹ.

Quyết tâm theo đuổi hài kịch

Vào nhà hát Tuổi trẻ, được đứng trên sân khấu chuyên nghiệp, Vân Dung tỏ ra khá “vô duyên” với các vai chính kịch, chỉ hợp hài kịch. Vì thế, bao giờ trong các bài tập - những vở chính kịch trả bài - chị chỉ được giao vai phụ, diễn vài phút rồi ra. Điều đó không làm Vân Dung buồn , bởi chị tâm niệm, thà xuất hiện 2 phút ấn tượng còn hơn 2 tiếng nhạt nhẽo. Chị vẫn quyết tâm theo đuổi “duyên hài” trên sân khấu kịch, mặc dù, ở thời điểm đó, hài kịch chưa đắt khách và không được khán giả hâm mộ như chính kịch.

Rồi thì công sức, lòng quyết tâm với hài kịch của cô được đền đáp xứng đáng. Chị đã tạo cho mình một thương hiệu không lẫn vào đâu được. Nghĩ tới Vân Dung, khán giả liên tưởng ngay tới hình ảnh một Vân Dung “cá mắm” đanh đá, chua ngoa, hay “cây đào thế” rồi thì “dáng người mỏng như tờ giấy”…. Vân Dung lấy làm vui vẻ vì điều đó, bởi theo chị, khán giả có yêu thích, họ mới đặt nghệ danh cho. Chị cũng chưa bao giờ sợ bất cứ danh hiệu nào mà người hâm mộ phong tặng cho mình.

Thậm chí, Vân Dung còn thẳng thắn rằng, đứng trước khán giả, càng xấu bao nhiêu thì chị càng tự tin bấy nhiêu (dù cô từng lọt vào top15 Hoa hậu báo Tiền Phong). Có lẽ vì thế, ở dạng vai diễn các nhân vật có ngoại hình không mấy đẹp đẽ (cả hình thức lẫn giọng nói), nhờ ‘tự tin”, mà khó có danh hài đất Bắc nào qua mặt được nàng “Oliver” Vân Dung. Luôn”được” nhớ tới với hình ảnh xấu xí, chanh chua nhưng Vân Dung không xem đó là một thiệt thòi. Theo chị, xấu, đỏng đảnh cũng có những giá trị riêng của nó, nhất là chị được người hâm mộ gọi là “danh hài Vân Dung”.

Có thể nói, Vân Dung được đông đảo khán giả cả nước biết đến, từ khi tham gia chương trình Đời cười của Nhà hát Tuổi trẻ, tiếp đó là Gặp nhau cuối tuần và Gala cười của Đài Truyền hình Việt Nam. Với Gặp nhau cuối tuần, Vân Dung là một trong những diễn viên chủ lực, và tên tuổi của chị cũng thực sự trở thành “sao” từ chương trình này.

Nghệ sĩ Vân Dung

Nghệ sĩ Vân Dung trong chương trình Táo Quân.

Là một trong những nữ danh hài hàng đầu nhưng điều mà Vân Dung sợ nhất là “bị” bước chân lên tới đỉnh cao sự nghiệp. Chị lo lắng, lên “đỉnh” rồi, khó có thể hạ cánh an toàn. Vân Dung thích mình lúc nào cũng ở lưng chừng, khán giả lâu lâu không thấy chị thì nhớ một chút. Nghe thấy tiếng chửa thấy người, đủ biết đó là Vân Dung, điều đó là quá đủ để chị hạnh phúc. Chị quyết không bao giờ đánh đổi tất cả mọi thứ để có đỉnh vinh quang.

Giữ kín hình ảnh người thân trên báo chí

Dư luận vẫn tò mò ông biết vì sao Vân Dung lại giấu ông xã của mình "kín" đến vậy, bởi có mấy ai hạnh phúc viên mãn mà không muốn mang ra "khoe". Nhưng Vân Dung chỉ nói, có lẽ đó là một góc nhỏ mà chị muốn giữ cho riêng mình. Chị đã dành hết cuộc sống, lòng đam mê cho khán giả, nên cái góc nhỏ ấy chị cứ muốn giữ lại cho những người thân yêu.

Cứ cởi hết lòng ra liệu người ta có chán không? Chán chứ. Thế nên chị giấu kín lòng đi, rồi thỉnh thoảng mang ra "phơi" và nhấm nháp dư vị của tình yêu, của hạnh phúc.

Nhìn Vân Dung giữ được hạnh phúc tròn trịa qua năm tháng khiến không ít người ngưỡng mộ. Nhưng người nghệ sỹ chỉ nói đơn giản: "Không ai dám nói trước những ngày chưa tới, những gì còn ở phía trước, tôi chỉ cảm nhận được hạnh phúc mà mình đang có trong tay, và cố gắng gìn giữ nó qua những thử thách của cuộc sống".

Chị từng chia sẻ, nhiều năm nay, mỗi lần Vân Dung đi ra ngoài một mình không sao nhưng khi đi cùng mọi người trong nhà, chị sẽ đeo khẩu trang để có không gian riêng bên gia đình. Ngày xưa chưa nghĩ ra kế này, mỗi lần chị đi tới đâu cũng có người nhận ra, bắt tay, trò chuyện, chụp hình...

Thời gian đầu chưa quen chị cũng khó chịu, đôi lúc trời Hà Nội oi bức, cô cứ sùm sụp, mồ hôi chảy ròng ròng... nhưng đeo lâu thành quen.

Chồng Nam vợ Bắc

Khá nhiều người đều biết, khi mới yêu nhau, Vân Dung và chồng bây giờ đã bị cả hai bên gia đình phản đối dữ dội. Nhưng vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, hai người vẫn quyết tâm đến với nhau và ở bên nhau dù cho cuối cùng, vẫn là chồng Nam, vợ Bắc. Thậm chí, không chỉ là khoảng cách địa lý đã bị xoá nhoà, mà tình cảm cũng vô cùng gắn bó. Ít tai biết, Vân Dung và mẹ chồng rất hợp nhau. Dù chỉ thi thoảng gặp nhau, nhưng hai mẹ con trò chuyện vui như Tết. Mẹ chồng Vân Dung luôn ủng hộ, bênh vực và chiều chị như con gái.

Chị chia sẻ “Vợ chồng với nhau nó là cái duyên cái số. Xa hay gần không quan trọng. Miễn là chúng ta phải yêu thương nhau, cởi mở với nhau và sống hết lòng với nhau. Chỉ thế thôi là gia đình sẽ hạnh phúc”.

Vân Dung tự nhận, mình không phải mẫu người phụ nữ của gia đình. Thời gian chị đi làm nhiều hơn ở nhà. Cô hám ánh đèn sân khấu tới nỗi, lúc mới sinh xong cu Nhím, phải ở nhà một mình, thấy bạn bè đi diễn là tủi thân. Bứt rứt quá, chị đòi chồng cho đi làm. Chồng không đồng ý, chị năn nỉ. Năn nỉ không được thì cứng rắn hơn một chút. Cuối cùng, chồng yêu, chồng thương, phải chiều vợ.

 Ảnh cưới nghệ sĩ Vân Dung

Ảnh cưới nghệ sĩ Vân Dung.

“Tính tự lập, niềm đam mê đã kéo tôi vào công việc, phần nào lơi lỏng trách nhiệm của một người vợ, một người mẹ trong gia đình. Nhưng tôi nghĩ, mình đã quyết định đúng. Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ không thể ở nhà nấu cơm, giặt quần áo giống một người giúp việc được, mà phải tham gia vào các hoạt động xã hội”, Vân Dung chia sẻ.

Sau 2 năm theo chồng vào TP.HCM sinh con, Vân Dung quyết định quay trở ra Hà Nội. Lý do đơn giản, chị nhớ công việc ở nhà hát Tuổi trẻ và thấy chưa thể hòa nhập với lối sống phương Nam. Vợ chồng tạm ly biệt Nam - Bắc, Vân Dung buồn lắm nhưng phần nào được an ủi vì cu Nhím theo mẹ ra sống ở Hà Nội. Vân Dung luôn muốn gia đình được đoàn tụ một chỗ nhưng công việc kinh doanh của chồng ở TP.HCM chưa sắp xếp được, nên đến giờ này, họ vẫn phải chờ đợi ngày gia đình đoàn tụ.

Vì hoàn cảnh mà “chồng Nam vợ Bắc”, Vân Dung thương cu Nhím lắm. Cô tâm sự: “Dù rằng bố Nhím, ông bà nội hầu như ngày nào cũng gọi điện nói chuyện với cháu nhưng dù sao, Nhím vẫn thiếu thốn tình cảm của người cha. Ngày còn bé, nhiều lần Nhím cứ hỏi mẹ: “Sao bố không đưa đón con đi học như các bạn khác?” mình buồn đến quặn lòng mà không biết trả lời ra sao”.

 Vân Dung và con trai.

Vân Dung và con trai.

Vậy nên, cứ có thời gian rảnh, chị lại đưa con vào chơi với ông bà nội và bố, nhưng vì công việc, chị lại không thể ở đó cùng con. Thành ra, Nhím được đi chơi với bố thì thiếu mẹ, đi với mẹ thì thiếu bố. Nhiều lúc, dẫn con đi chơi, nhìn gia đình người ta đầy đủ vợ chồng, chị chạnh lòng lắm. Nhưng biết làm sao, ông trời cho mỗi người một số phận, một cuộc đời.

Không muốn con trai đi theo nghệ thuật

Ngoài đời thực Vân Dung là người vô cùng nghiêm khắc, nhất là việc rèn cho con lối sống tiết kiệm và tự chăm sóc bản thân. Không bao giờ có chuyện Nhím đòi gì cũng được. Chị chỉ thưởng quà khi Nhím đạt thành tích trong học tập, hoặc có hành động tốt, giúp đỡ mọi người xung quanh.

Vân Dung nghiêm khắc với con, từ chuyện học hành tới cách cư xử, làm người. Chị không kỳ vọng con mình sau này sẽ trở thành một ông chủ kiếm ra thật nhiều tiền. Mà điều cần nhất, chị muốn khi lớn lên, Nhím biết hiếu thảo với bố mẹ, ông bà. Cu Nhím tuy còn nhỏ, nhà lại có người giúp việc, song những công việc vặt trong nhà như quét sân, rửa bát, lau nhà, giặt quần áo… Nhím vẫn đều phải tự làm.

“Tôi sẽ không hướng cho con đi theo nghệ thuật vì cả nhà ngoại đã làm nghệ thuật cả rồi. Tôi muốn con đi theo một công việc nào đó có liên quan đến khoa học và nam tính một chút, chứ làm nghệ thuật thì hơi bị… nữ tính”, chị thẳng thắn.

Con trai của Vân Dung.

Con trai của Vân Dung.

Nói về cuộc sống gia đình, chị bộc bạch: “Vì hoàn cảnh mà vợ chồng tôi mới phải ở xa nhau như thế này. Điều đó rất thiệt thòi cho người phụ nữ và con cái. Sau này, khi cu Nhím lớn lên, hai vợ chồng chắc sẽ phải dọn về một chỗ để ở chung”.

Nghệ sỹ Vân Dung cũng tự hào khi nói về con trai: “Con trai tôi năm nay 17 tuổi, cao 1m70, nặng 50kg, vừa gầy vừa đen giống hệt bố. Tóm lại tôi đẻ thuê (cười). Cháu hay nói đùa giống tôi nhất ở khoản bệnh tật vì bố cháu không ốm đau bao giờ. Cháu còn giống tôi ở tính tiết kiệm và rất hiếu thảo.

Tôi không đòi hỏi con trai tôi phải quá tài giỏi, không yêu cầu kiếm được nhiều tiền nhưng bắt buộc phải có hiếu, đó là truyền thống gia đình tôi. Nhiều người thắc mắc vì sao tôi ngược đời đến vậy. Đáng lẽ phải lo cho con trước rồi đến mình sau đó là bố mẹ, nhưng tôi lại nghĩ khác. Con tôi không đẻ ra tôi, bố mẹ mới chính là người sinh ra tôi và tôi sinh ra con. Vì thế nghĩa vụ của tôi là phụng dưỡng bỗ mẹ tôi và con tôi sau này cũng sẽ phải phụng dưỡng tôi và bố cháu.

Tôi chỉ cho con mình ăn học đàng hoàng như những đứa trẻ khác, cho cháu sự chăm sóc, quan tâm nhưng không cho tiền. Tôi không có tiền cho cháu, không chuẩn bị cho cháu tất cả mọi thứ để bước vào đời như nhà như xe. Có lần con tôi hỏi “Tại sao mẹ có cả một tủ giày mà con chỉ có ba đôi giày? Tại sao giày của mẹ toàn giày xịn mà giày của con lại đểu”, tôi mới trả lời rằng: “Đến khi nào con bằng tuổi mẹ, có khả năng tự kiếm tiền nuôi cha mẹ, bản thân và con của con, con mua một nghìn đôi giày cũng được”, nghệ sĩ Vân Dung chia sẻ.

Tác giả: Quốc Tiệp

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok