Kinh tế

Đội lốt xã hội hóa để “vòi tiền” doanh nghiệp

Nói về chi phí không chính thức, ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, ngay cả xã hội hóa là mục tiêu tốt đẹp nhưng có những nơi vẽ dự án để kêu gọi doanh nghiệp (DN) đóng góp. DN chắc chắn không dám tự chối, cũng có DN tự nguyện nhưng bản chất là “nhóm thân hữu, nhóm lợi ích”, góp tiền với mục đích đổi chác.

doi lot xa hoi hoa de voi tien doanh nghiep
Ông Lê Mạnh Hà: “Trước hết, chúng ta hãy tin tưởng DN”.

“Đầu ngọ nguậy, chân tay không nhúc nhích?”

Chia sẻ tại họp báo thông tin chuyên đề về Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 (NQ 35) diễn ra sáng nay (27/5), không ít mối băn khoăn của DN đã được truyền tải đến cơ quan soạn thảo Nghị quyết.

Theo đó, nhìn lại Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, thực tế cho thấy, mặc dù Chính phủ rất quyết tâm, đường hướng chính sách hợp lý nhưng đến lúc triển khai xuống phía dưới, công tác thực thi lại rất chậm và thậm chí là làm ngược lại.

Đến Nghị quyết 35 lần này, DN rất háo hức và trông đợi, song cũng có DN hoài nghi, những chính sách này cũng sẽ rơi vào tình trạng “đầu ngọ nguậy nhưng chân tay thì đứng yên, không nhúc nhích”!

Cho rằng, đây là một ví von đầy thú vị, song Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Đặng Huy Đông cũng đánh giá, để nói Nghị quyết này có đi vào cuộc sống hay không thì cần phải chờ thời gian kiểm chứng.

“Thủ tướng đã tuyên bố trước các phiên họp thường kỳ cũng như trước cộng đồng DN rằng “Chính phủ này là một Chính phủ hành động”, như vậy, Chính phủ này không chỉ Thủ tướng mà cả các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương… cũng đều hành động” – ông Đông quả quyết.

Dẫn chứng cho lập luận của mình, ông Đông cho biết, riêng tại Hà Nội, quyết tâm của các lãnh đạo địa phương này trong việc cải thiện chỉ tiêu đăng ký DN đã được thể hiện rất rõ nét thông qua những ý tưởng, quan điểm mạch lạc của Chủ tịch UBND thành phố của Giám đốc Sở KHĐT Hà Nội.

“Tôi tin rằng việc giải quyết những vấn đề cụ thể trong đăng ký DN, chỉ tiêu mà Hà Nội đang ở vị trí thấp của cả nước thì sắp tới có thể nhảy lên được tốp 10” – đại diện Bộ KHĐT nhận định, đồng thời nhận xét, đấy là minh chứng rõ nét nhất về sự “nhúc nhích của chân tay”.

“Với cơ chế định kỳ đánh giá, công khai kết quả thực hiện, chân tay sẽ nhúc nhích. Chân tay dù không muốn cũng phải nhúc nhích”, ông Đông nói.

Chi phí ngầm “đội lốt” xã hội hóa

Liên quan đến gánh nặng thuế, phí với DN, bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký VCCI cho biết, ngay cả như các chi phí chính thức như thuế, chi phí liên quan đến lao động (BHXH, các khoản đóng góp khác), phí giao thông… áp dụng với DN Việt Nam vẫn còn cao so với khu vực. Thuế phí chiếm đến 40% lợi nhuận DN.

Trước con số này, ông Đông nhận xét, nếu đúng là chiếm tỷ lệ đến 40% lợi nhuận DN thì “quá cao”. Bởi theo ông Đông, gánh nặng thuế phí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của DN, từ đó là năng lực cạnh tranh của quốc gia.

“Quốc gia nào cũng huy động nguồn thu ngân sách thông qua thuế là đương nhiên. Riêng các khoản phí thì tôi đề nghị cần cân nhắc và hết sức minh bạch”, Thứ trưởng Bộ KHĐT nêu quan điểm.

doi lot xa hoi hoa de voi tien doanh nghiep2
Toàn cảnh họp báo

Ông Lê Mạnh Hà thì lại cho rằng, chi phí không chính thức mới thực sự là vấn đề nhức nhối. Ngay như câu chuyện xã hội hóa là mục tiêu tốt đẹp thế những cũng có những địa phương đề ra dự án rồi kêu gọi DN đóng góp, DN chắc chắn không dám tự chối. Cũng có DN tự nguyện nhưng lại với mục đích “đổi chác lấy cái khác”, làm méo mó môi trường kinh doanh. “Người ta gọi đó là nhóm thân hữu, nhóm lợi ích”, ông Hà cho hay.

Trước lo ngại với nguyên tắc đặt ra chỉ kiểm tra DN 1 lần/năm, liệu rằng có xảy ra tình trạng bỏ sót sai phạm hay không, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, “trước hết, chúng ta hãy tin tưởng DN”.

Theo ông Hà, lực lượng thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng không thể kiểm tra hiệu quả đối với tất cả 500 nghìn DN. Nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước là phải phân loại được DN, khoanh vùng những DN có nguy cơ cao, phát hiện và xử lý sai phạm bằng nhiều nghiệp vụ khác nhau, không nhất thiết phải thường xuyên tới tận nơi DN kiểm tra.

Việc hạn chế tiếp xúc với DN trong công tác thanh, kiểm tra, theo ông Hà sẽ hạn chế được những tiêu cực, rủi ro tham nhũng.

Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Đặng Huy Đông giải thích, việc đặt ra quy định nói trên là hạn chế việc lạm dụng quyền lực của cơ quan Nhà nước nhằm gây khó dễ cho DN. Điều đó không đồng nghĩa với việc dung túng, bao che cho DN. Khi DN vi phạm, đủ mức độ xử lý hình sự thì tất nhiên sẽ phải làm tới cùng.

“Nếu kiểm tra DN mà anh cứ vào rồi lại ra, tuần này vừa kiểm tra xong tuần sau lại tới chứng tỏ là anh không làm việc nghiêm túc. Còn nếu DN vi phạm, không chịu khắc phục thì anh có quyền đình chỉ. Do đó, với quy định này sẽ tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng nhà nước”, ông Đông nhận xét.

Tác giả bài viết: Bích Diệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok