Giáo dục

“Độc chiêu” kéo học sinh học thêm

Chuyện dạy thêm, học thêm không còn là chuyện mới, tuy nhiên, khi giáo viên sử dụng nhiều “chiêu trò” để ép phụ huynh cho con mình đi học thêm đã khiến phụ huynh bức xúc, học sinh thêm áp lực và phần nào đó đã ảnh hưởng đến uy tín của nghề giáo.

13Daythemhocthem
Học thêm nhiều sẽ tạo gánh nặng đối với học sinh.

Nhiều chiêu được tung ra

Có một thực tế là không ít phụ huynh mong muốn cho con đi học thêm để nâng cao kiến thức, nhưng cũng có nhiều phụ huynh không muốn cho con đi học thêm để giảm áp lực từ việc học tập. Nhưng đối với phụ huynh, để tránh không cho con mình đi học thêm ở nhà cô, ở trường không phải dễ dàng. Vì khi đó, những phụ huynh này dễ gặp phải sức ép từ giáo viên và việc học tập của con ở trên lớp cũng gặp phải những trở ngại.

Chị Dương Thị Nhung (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, giáo viên thường thông qua ban phụ huynh của lớp để vận động phụ huynh cho con đi học thêm trong các buổi họp phụ huynh. “Về lý, giáo viên không ép phụ huynh phải cho con đi học thêm nhưng nếu không cho con đi học thì dễ bị phân biệt trên lớp. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của các cháu ở trường nên hầu hết các phụ huynh đều cho con mình đi học thêm ngoài giờ hoặc học ở nhà cô”, chị Nhung kể. Chị Nhung cũng cho biết thêm, nếu học sinh nào trong lớp học yếu, giáo viên còn gọi điện trực tiếp cho phụ huynh hỏi lý do này khác giống như một sự bắt buộc cho con đi học thêm ở lớp của cô để nâng cao kiến thức.

Chị Nguyễn Thị M. (Thanh Trì, Hà Nội) cũng đang rất bức xúc vì việc giáo viên ép học sinh học thêm ở trường. Chị M. cho biết: “Khi con gái lớn đang học lớp 4, cô có gợi ý đến việc học thêm nhưng tôi đã không cho cháu đi học vì thấy cháu học tốt và muốn cháu có thời gian để vui chơi. Tuy nhiên, mấy ngày sau cô nhắn tin qua thư điện tử rằng ở lớp cháu học không nghiêm túc, trong khi đó cháu đang là lớp trưởng. Tôi cũng đã gọi cho cô với ý muốn hai bên trao đổi để có cách giáo dục con phù hợp nhưng cô lại cáu gắt và không muốn nói chuyện. Sau khi tìm hiểu kỹ, vợ chồng tôi nhận định nhiều khả năng là do không cho con đi học thêm nên cô đã có hành động như vậy? Đồng thời, sau khi hết học kỳ 1, cháu cũng bị thôi làm lớp trưởng với lý do cho bạn khác làm để các cháu cùng tiến bộ”.

Chưa dừng lại những bức xúc về việc giáo viên ép con học thêm, chị M cho biết thêm: “Hiện con gái lớn của mình đã lên lớp 6 và được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi. Nhưng khi tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi cháu cũng phải đóng tiền để ôn luyện. Theo đó, đội tuyển học sinh giỏi có 25 cháu, mỗi cháu phải đóng 200.000 đồng/4 buổi/tháng đối với môn tiếng Anh, còn môn Toán do giáo viên ngoài trường dạy là 300.000 đồng/4 buổi/tháng. Tôi không hiểu tại sao nhà trường trả lương cho giáo viên để giảng dạy các cháu, việc tuyển chọn đội tuyển thi học sinh giỏi cũng là do nhà trường và giáo viên lựa chọn mà lại bắt phụ huynh phải đóng tiền?”.

“Không những thế, gần đây tôi còn được giáo viên dạy môn Tin học thông báo cho cháu đi học thêm để sau này có kiến thức thi nghề. Tôi không hiểu trên trường dạy những gì mà môn Tin học giáo viên cũng bảo đi học thêm”, chị M cho biết. Theo chị M, khi giáo viên mở lớp dạy thêm thường nhờ ban phụ huynh kêu gọi cha mẹ cho các cháu đi học. Nếu phụ huynh nào không cho con đi học thêm lớp của cô thì rất lo lắng con sẽ bị đối xử phân biệt trên lớp. Từ đó, ảnh hưởng đến kết quả học tập và tâm lý của các cháu.

Tìm cách hợp thức hóa việc dạy thêm

Sau khi dùng nhiều chiêu để phụ huynh cho con đi học thêm, nhiều giáo viên tìm mọi cách để hợp thức hóa việc dạy thêm bằng cách yêu cầu phụ huynh làm đơn gửi cho giáo viên và nhà trường hoặc giáo viên soạn sẵn một lá đơn mẫu phụ huynh chỉ việc điền vào đó các thông tin là xong. Việc này, nhằm mục đích để tránh sự kiểm tra của Sở GD-ĐT. Một phụ huynh có con học trường Tiểu học X.L (Hà Nội) cho biết: “Khi cho con tham gia học thêm tất cả các phụ huynh đều phải viết một lá đơn cho giáo viên thể hiện mong muốn để con nâng cao kiến thức”.

Trước tình trạng dạy thêm học thêm, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Hà Nội cho biết: “Phụ huynh cũng phải đấu tranh với việc dạy thêm của giáo viên nhưng hiện nhiều phụ huynh vì cả nể hoặc vì một lý do nào khác mà vẫn cho con đi học thêm. Chúng tôi luôn mong muốn rằng việc dạy thêm, học thêm phải xuất phát từ hai phía, chứ không phải từ một phía nào đó. Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường phải hoàn toàn tự nguyện từ phía người học và phụ huynh”. Tuy nhiên, khi giáo viên tung các “chiêu” để ép phụ huynh cho con mình đi học thêm ở trường, ở nhà giáo viên thì các cơ quan chức năng cũng khó có thể phát hiện. Bởi giữa giáo viên và phụ huynh đã có những thỏa thuận ngầm và cả những thỏa thuận phù hợp về mặt pháp lý.

Tác giả bài viết: Đỗ Hòa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok