Kinh tế

Dệt may bế tắc hướng phát triển

Hàng loạt các chương trình phục vụ cho mục tiêu phát triển ngành dệt may giai đoạn 2010-2020, gần như đã "phá sản" hoàn toàn, từ phát triển cây bông, sản xuất một tỉ mét vải phục vụ xuất khẩu, cho đến phát triển nguồn nhân lực cho ngành.

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo "Giải pháp phát triển bền vững ngành dệt may" do Bộ Công thương tổ chức tại TP.HCM ngày 14-10 - Ảnh: T.V.N

Thông tin này được bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, chuyên gia Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đưa ra tại hội thảo khoa học "Giải pháp phát triển bền vững ngành dệt may", hướng tới xây dựng dự thảo "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may VN đến năm 2030, định hướng đến năm 2035", do Bộ Công thương tổ chức ngày 14-10.

Theo bà Thúy, ba mục tiêu lớn nhất của chiến lược phát triển ngành dệt may giai đoạn 2010-2020 được phê duyệt từ năm 2008 gần như không thực hiện được.

Cụ thể, chương trình phát triển cây bông mục tiêu đặt ra đến 2015-2020 có diện tích từ 30.000-76.000 ha, nhưng thực tế đạt được chỉ là 12.000ha (năm 2012) và giảm dần chỉ còn…1.000ha (năm 2017).

Sản lượng bông xơ đến năm 2017 cũng chỉ đạt hơn 1.000 tấn, trong khi mục tiêu đặt ra từ 20.000-60.0000 tấn.

Còn chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành dệt may, mục tiêu đào tạo mới đặt ra là 600.000 người, nhưng thực tế chỉ mới đào tạo được khoảng 50.000 người, xấp xỉ 8%.

Riêng chương trình sản xuất một tỉ mét vải phục vụ xuất khẩu, dù được xây dựng khi thành lập đề án, nhưng đã không được phê duyệt và không có kinh phí triển khai.

"Tuy nhiên, nếu chương trình này được phê duyệt thì mục tiêu 1 tỉ mét vải quá thấp so với nhu cầu thực tế đang cần hơn 10 tỉ mét vải/năm", bà Thúy thông tin.

Dù là ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai trong cán cân xuất khẩu của Việt Nam hiện nay, tăng trưởng xuất khẩu qua từng giai đoạn đều trên ngưỡng hai con số, đạt hơn 30 tỉ USD xuất khẩu năm 2018, nhưng gần hai thập niên qua, điểm nghẽn lớn nhất của ngành dệt may vẫn quanh quẩn các vấn đề rất cũ: phần lớn doanh nghiệp sản xuất công đoạn gia công, tạo ra giá trị gia tăng thấp.

Ngành dệt nhuộm phát triển kém khiến ngành dệt may Việt Nam không thể tự chủ được nguồn cung nguyên liệu vải từ hơn hai thập niên nay - Ảnh: T.V.N

Ngành dệt nhuộm kém phát triển. Ngành thời trang phát triển tự phát, thiếu kết nối với ngành dệt may. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm khó tìm được địa điểm đầu tư do các địa phương quan ngại về vấn đề môi trường. Khan hiếm nguồn nhân lực, từ chất lượng, số lượng, lương cho đến điều kiện lao động.

Đặc biệt, các bất cập về chính sách liên quan đến thuế, tài chính, công nghệ, nguồn nhân lực đã kìm hãm rất lớn muốn thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên quan đến vấn đề về môi trường, phát triển bền vững.

Dữ liệu ghi nhận của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho thấy, tiêu chuẩn môi trường trong lĩnh vực dệt nhuộm của Việt Nam hiện cao hơn so với Nhật. Thậm chí, so với tiêu chuẩn của các nước phát triển, ở một số hạng mục, tiêu chuẩn của Việt Nam gần như đang tương đương.

Còn các đại biểu tham dự lại cho rằng "liệu các tiêu chuẩn có cần thiết phải cao đến mức đó hay không, và, các doanh nghiệp trong nước có thể đạt được đến tiêu chuẩn này hay không?".

Ở góc độ chuyên gia, bà Thúy đặt vấn đề, việc tiếp tục duy trì tiêu chuẩn môi trường cao phải chăng là cơ hội để Việt Nam hướng đến mục tiêu đáp ứng cho các nhãn hàng thương hiệu toàn cầu như xu hướng xanh hóa ngành dệt may?

Hay, cần phải sửa tiêu chí để thu hút thêm các nhà đầu tư để tháo gỡ cho khâu dệt nhuộm - một bế tắc cần được gỡ gấp rút nếu thật sự muốn phát triển ngành sản xuất vải, đáp ứng nguồn nguyên liệu nguồn - nếu muốn thật sự hưởng được ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, "cần được giải quyết dứt điểm cho một vấn đề đang có hai mặt đang gây quá nhiều tranh cãi này", bà Thúy nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), giai đoạn chiến lược và quy hoạch trước đây đã hết (giai đoạn 2010-2020), nên rất cần chiến lược mới để đưa ra định hướng phát triển cho ngành.

Ngành dệt may tới đây, ngoài cơ hội, còn phải đối diện với thách thức trong bối cảnh mới: xu hướng bảo hộ, chiến tranh thương mại tăng cao. Điều này buộc các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi cấu trúc để phù hợp với chuỗi giá trị toàn cầu, không thể áp dụng quan điểm và đeo đuổi mô hình sản xuất như thực tế hiện tại.

Tác giả: TRẦN VŨ NGHI

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok