Pháp luật

Đề nghị truy tố vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình

Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố các bị can trong vụ án liên quan đến gian lận điểm thi THPT Quốc gia tại Hòa Bình.

Cơ quan ANĐT Bộ Công an vừa hoàn tất bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố ba bị can trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Hòa Bình, liên quan đến việc gian lạn điểm thi THPT Quốc gia năm 2018.

Các bị can Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn (từ trái qua)

Theo đó, các bị can gồm: Nguyễn Quang Vinh (53 tuổi, cựu trưởng phòng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình), Đỗ Mạnh Tuấn (40 tuổi, cựu phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) và Nguyễn Khắc Tuấn (38 tuổi, cựu chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình).

Các bị can này bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Để thực hiện kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình thành lập Hội đồng thi THPT Quốc gia năm 2018. Trong đó, tổ chấm thi trắc nghiệm do Nguyễn Quang Vinh làm tổ trưởng cùng Nguyễn Khắc Tuấn, Đỗ Mạnh Tuấn và ba người khác.

Nguyễn Quang Vinh đã chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn xử lý, can thiệp, nâng điểm thi trắc nghiệm cho các thí sinh; cách thức là sửa trực tiếp trên bài thi trước khi đưa vào máy quét file ảnh bài làm gửi về Bộ GD&ĐT.

Tiếp đó, Đỗ Mạnh Tuấn gặp, bàn bạc với Nguyễn Khắc Tuấn cùng thực hiện theo chỉ đạo của Vinh. Hai bị can chuẩn bị bút chì, tẩy bút chì, in sẵn đáp án của các môn thi trắc nghiệm Bộ GD&ĐT đã công bố trên mạng Inrternet ra giấy A4; tập hợp danh sách các thí sinh cần nâng điểm thi…

Quá trình thực hiện nhiệm vụ chấm thi, trong các buổi tối từ 30-6-2018 đến 3-7-2018, Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn sử dụng chìa khóa do Nguyễn Quang Vinh đưa, bóc niêm phong, mở khóa đột nhập vào phòng chấm trắc nghiệm để trực tiếp thực hiện việc chỉnh sửa bài thi.

Kết luận giám định cho thấy 140/210 bài thi của 56 thí sinh tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án, các đáp án trên bài thi trắc nghiệm không phải do cùng một người tô ra. Thẩm định của Bộ GD&ĐT xác định 140 bài thi này được can thiệp, nâng điểm.

Đáng chú ý, bị can Đỗ Mạnh Tuấn thừa nhận được hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng từ việc làm nói trên.

CQĐT cũng cho biết thủ đoạn của các bị can khi can thiệp vào bài thi là rất tinh vi. Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn đã sử dụng dao rọc giấy rạch theo mép gấp niêm phong túi đựng bài thi, đối chiếu với đáp án của Bộ GD&ĐT để tẩy các đáp án sai, sửa lại cho đúng.

Sau khi sửa, các bị can cho bài thi vào túi đựng bài, dùng ghim hoặc phết một lớp hồ dán lên tờ niêm phong bài thi để không bị phát hiện. Một số trường hợp thí sinh có bài thi đã scan lên máy tính chưa kịp sửa thì bị can Đỗ Mạnh Tuấn sẽ mở máy vi tính rồi tiến hành scan lại toàn bộ tập bài thi đè lên tập bài thi đã scan trước đó.

Đặc biệt, đây không phải lần đầu tiên bị can Nguyễn Khắc Tuấn can thiệp vào bài thi mà việc làm này được thực hiện ngay từ năm 2017.

Tác giả: T.PHAN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok