Trong nước

ĐBQH đề nghị giám sát việc các tổ chức, cá nhân cản trở tác nghiệp báo chí

Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 diễn ra vào sáng nay (3/6), đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị cần giám sát hoạt động trong lĩnh vực báo chí bởi vẫn còn không ít nơi, cá nhân ngăn chặn, né tránh sự điều trần của báo chí, thậm chí hành hung PV...

Sáng 3/6, Quốc hội thảo luận về chương trình giám sát năm 2020 với 2 nội dung dự kiến về phòng, chống xâm hại trẻ em và việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt nam là thành viên.

Ngoài 2 nội dung trên, một số đại biểu đã đề nghị giám sát về các lĩnh vực như môi trường, y tế, báo chí...

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)


Có hiện tượng “lạm dụng báo chí tuyên truyền lợi ích nhóm, cá nhân”

Bày tỏ sự thống nhất với 2 chuyên đề mà Quốc hội đề xuất, đại biểu Lê Thanh Vân, kiến nghị “một vấn đề lâu nay chúng ta ít quan tâm, đó là lĩnh vực báo chí”.

Theo đại biểu, Luật báo chí ban hành 29 năm, sửa đổi bổ sung 2 lần vào năm 1999 và 2016. Hoạt động báo chí cơ bản phát huy mặt tích cực, góp phần tuyên truyền phổ biến đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và vận động nhân dân thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước, hoạt động quản lý báo chí của các cơ quan chức năng cơ bản tốt.

“Tuy nhiên trên thực tế có những trường hợp, tình huống không thể không giám sát. Thứ nhất quyền tác nghiệp của phóng viên. Nhìn chung các cơ quan tổ chức, các tổ chức chính trị, xã hội và những người có trách nhiệm về cơ bản đã tôn trọng quyền tự do tác nghiệp của phóng viên nhưng vẫn còn không ít nơi, cá nhân ngăn chặn, né tránh sự điều trần của báo chí, cá biệt có những nơi ngăn cản, hành hung phóng viên”, đại biểu Vân bày tỏ.

Ngoài ra, đại biểu tỉnh Cà Mau cũng chỉ ra hiện tượng “lạm dụng báo chí để tuyên truyền lợi ích nhóm, cá nhân”.

Đặc biệt, “trong hoạt động báo chí có những trường hợp gỡ bài không có lý do thậm chí có trường hợp báo chí đưa tin rất trung thực về kỳ họp Quốc hội nhưng sau khi các bài báo đưa tin thì chỉ một hoặc hai tiếng sau bị gỡ mà không rõ lý do.Tôi không biết có vi phạm những điều ngăn cấm không.

Có thể Quốc Hội không cần giám sát tối cao nhưng cần giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về hoạt động báo chí của Thường vụ Quốc hội hoặc giao cho Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tiến hành giám sát, làm rõ những mặt được, mặt chưa được, thậm chí các vi phạm để chỉnh đốn, tăng cường hoạt động báo chí trong thời gian tới”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu ý kiến.

Nhiều đoàn giám sát của Quốc hội cơ bản vẫn lắng nghe báo cáo

Về phương thức giám sát, các đại biểu đánh giá những nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội đã chọn đúng chủ đề tiến hành giám sát tối cao trong và giữa hai kỳ họp Quốc hội, đáp ứng yêu cầu mà nhân dân đòi hỏi. Tuy nhiên phương pháp giám sát dù đã được cải tiến nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Đó là việc xâm nhập hiện trường, xâm nhập đối tượng chịu sự giám sát của chính sách pháp luật còn hạn chế. Nhiều đoàn giám sát của Quốc hội cơ bản vẫn lắng nghe báo cáo của cơ quan chịu sự giám sát thay vì đi hiện trường để kiểm tra việc thực thi chính sách pháp luật trên thực tiễn để so sánh giữa pháp luật với cuộc sống có độ vênh như thế nào, vi phạm ra sao? Đối tượng chịu sự tác động của pháp luật, tâm tư nguyện vọng, ảnh hưởng của họ như thế nào?. Giám sát là mặt trái của lập pháp, là cách để Quốc hội kiểm tra tính đúng đắn của các quy định pháp luật do mình ban hành cho nên phải xem xét thực tiễn rất kỹ lưỡng không chỉ hiện trường mà cả đối tượng thực thi, đối tượng chịu sự tác động.

“Công cụ giám sát còn khiêm tốn, việc huy động các chuyên gia, phương tiện, thậm chí giám định, trưng cầu giám định, để làm rõ những vấn đề nghi vấn mà các đại biểu quốc hội nêu ra để hỗ trợ cho việc đánh giá chính xác diễn biến thực tiễn trong việc thực thi pháp luật còn yếu”, đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ.

Ông Vân đưa ra dẫn chứng, khi xem xét sự tác động của chính sách pháp luật đối với đất đai đô thị thì các thành viên đoàn giám sát chỉ có thể tiếp cận được các báo cáo, còn những vấn đề chuyên sâu trong đánh giá về khung giá đất (đòi hỏi rất chuyên sâu) cần thiết trưng dụng các chuyên gia chuyên ngành, thậm chí cần trưng dụng chuyên gia bên ngoài để đánh giá cho sát thì còn hạn chế.

Thứ ba, đại biểu Lê Thanh Vân cũng bày tỏ sự “ngạc nhiên” khi tại kỳ họp trước có đại biểu Quốc hội tranh luận và chất vấn lại đại biểu Quốc hội khác. Điều này có lẽ do không hiểu hết các quy định của pháp luật. Quyền chất vấn của ĐBQH là quyền cá nhân, thay mặt cho cử tri chất vấn những chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, chứ không phải là thảo luận.

“Trong chất vấn, tôi nghĩ cần đổi mới hơn. Vừa qua chúng ta đã tiến hành một kỳ họp chất vấn toàn diện các đối tượng chịu sự giám sát của Quốc hội được cử tri đánh giá rất cao. Tuy nhiên, chúng ta đang vướng quy định việc thực hiện hoạt động giám sát chỉ diễn ra giữa và cuối nhiệm kỳ. Quốc hội không hoạt động thường xuyên nên chất vấn nhiều vấn đề chứ không phải chỉ khu biệt lại một vài vấn đề”, ĐB Lê Thanh Vân kiến nghị.

Đồng tình với quan đểm về phương thức, tổ chức giám sát, đại biểu Đỗ Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương) chỉ ra vấn đề phối hợp các địa phương. Cụ thể, đại biểu này nhấn mạnh, “đây là vấn đề cần nghiên cứu. Trên tinh thần tiết kiệm, đoàn giám sát của Quốc hội xuốngđia phương đi với tinh thần gọn nhẹ nhưng thực tế có đoàn xuống địa phương với quy mô lớn, vượt số lượng xe trên chục chiếc, chạy và còi hú ầm ĩ cũng ảnh hưởng".

Tác giả: N. Huyền

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok