Cuộc sống

Đau đầu vì mẹ chồng can thiệp quá nhiều vào việc nuôi dạy cháu

Tròn một năm sau đám cưới, tôi sinh cho ông bà một cháu trai kháu khỉnh. Và mọi chuyện cũng bắt đầu từ đây. Bố chồng tôi vốn không can thiệp vào việc nuôi dạy con cái của tôi nhưng mẹ chồng thì ngược lại. Từ việc ăn uống, vệ sinh, nuôi dạy con, bà đều tham gia vào.

Tôi mệt mỏi vì chuyện gì mẹ chồng cũng can thiệp vào- Ảnh minh hoạ.

Bà luôn muốn áp dụng những kinh nghiệm nuôi trẻ từ thời xưa áp dụng cho các cháu. Nấu bột cho cháu bà cũng tùy tiện cho mắm muối, gia vị của người lớn mặc dù tôi đã mua đầy đủ đồ của con và để riêng ở một góc, dặn dò bà cẩn thận nhưng bà không bao giờ chịu dùng. Hơn nữa, cháo của cháu nhất định phải có độ mặn vừa miệng bà mới được coi là đủ tiêu chuẩn. Khi con dâu giải thích, cho bé ăn mặn theo kiểu của người lớn là hại dạ dày, ảnh hưởng tới sức khỏe của bé thì bà lườm tôi. Nói chung, vấn đề nêm thức ăn cho bé mỗi lần nấu cháo cũng là một vấn đề khiến tôi đau đầu mấy tháng nay.

Chưa kể, pha sữa công thức mà bà không bao giờ quan tâm đến việc phải chuẩn bị nước trước, luôn đổ sữa vào trong bình trước rồi rót nước vào sau, tùy sở thích mà hôm thì bà cho nhiều nước hôm cho ít nước. Có lần, tôi còn thấy bà pha nước sôi nguội, xong bà mới “nêm” thêm chút nước ấm. Tôi góp ý thì luôn được nghe một câu quen thuộc: “Ngày xưa tao nuôi cả 4 đứa lớn như thổi, có ốm đau gì đâu”, “Cô cứ bày vẽ quá, tôi chả hiểu cô nghĩ cái gì mà nói như thế”, “Cứ nói các cụ thiếu kinh nghiệm nhưng cô nhìn xem, con cô ốm đau suốt, cô giải thích việc này thế nào?”….

Nhiều lần tôi chứng kiến bà cho cháu ăn quà vặt ngon lành trước giờ cơm, hậu quả là con không còn hào hứng với bữa ăn nữa. Tôi nói thì bà bảo: “Ăn gì cũng là ăn, miễn sao no là được”. Tôi muốn con tự cầm bát thìa xúc ăn nhưng bà thường sẵn sàng bón cho cháu ăn hết bát cơm, thậm chí cho con vừa ăn bim bim hoặc vừa xem tivi, vừa ăn cơm nếu con muốn. Nhiều hôm đi làm về, thấy con tay cầm miếng bim bim, bên cạnh là hộp xúc xích đang ăn dở mà tôi chỉ biết câm nín.

Bà thường bịa ra một điều kiện lý tưởng nào đó để dụ cháu nghe lời, sau đó thì không thực hiện. Ví dụ, để dỗ cháu ăn cơm, bà thường bảo “ăn xong bà sẽ mua cho con ô tô siêu nhân nhé”; “ăn rồi bà mua cho con balo hình nhện hoặc cho con đi chơi công viên được không?’… đương nhiên là sau khi cháu ăn xong sẽ không có đồ chơi nào được sắm hay chuyến đi chơi nào được thực hiện.

Tôi nhỏ nhẹ góp ý, bà đừng làm thế sẽ khiến con trẻ mất niềm tin vào lời hứa thì bà nói một thôi một hồi. “Hứa với thực hiện là cả một khoảng cách. Đâu phải cứ nói làm là làm đâu. Ngày xưa, bố nó tôi cũng nói như thế mà có thấy bố nó mất tin mẹ đâu. Cô cứ bày vẽ lắm chuyện”. Bà nói mà không quan tâm tới cảm xúc đứa trẻ, tôi thấy những khi bé được bà hứa mua này mua nọ xong không có nét mặt nó lại buồn rầu, nhìn rõ thương. Riêng quan điểm của tôi: “Người lớn nói là phải làm”.

Thế mà, khi tôi bày tỏ thêm, bà làm như vậy là sẽ tạo cho con thói quen nói dối để đạt được mục đích, bà liền giận dỗi và bảo tôi muốn “trứng khôn hơn vịt”. Thế là từ hôm bà mắng tôi tới nay, bà giận dỗi không chịu ăn cơm đúng bữa, bà còn suốt ngày bóng gió tôi hỗn láo. Chồng tôi cũng đôi lần giải thích nhưng bà vẫn không chịu hiểu: “Mặc kệ vợ chồng anh, tôi không thèm can thiệp”, “Anh đừng có bênh vợ nữa”, “Tôi biết, vợ chồng anh giỏi giang lắm rồi”,…

Những lần trước, tôi còn xuống nước xin lỗi bà nhưng lần này, tôi cũng quyết để mọi việc “thuận tự nhiên”, còn nếu bà vẫn không chịu hiểu thì tôi đành “bó tay” rồi.

Đôi lần, bà mắng bóng gió với chồng tôi “cũng vì tôi yêu con anh chị nên tôi mới thế, nếu anh chị không ưng thì tôi xin chừa”. Nói thật, thấy bà ngày càng hờn dỗi, tôi mệt mỏi vô cùng. Tôi bất lực khi không “hóa giải” được mối quan hệ này với mẹ chồng. Tôi phải làm sao đây?

Tác giả: Hạ Thu

Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok