Trong tỉnh

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐN, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Xác định công tác tuyên truyền, vận động là nhằm nâng cao nhận thức và tạo nên sự đồng thuận cao trong các cấp, các ngành và nhân dân là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong việc thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT nên ngay sau khi Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, công tác thông tin, tuyên truyền đã được các ngành, các cấp tỉnh Thanh Hóa quan tâm và triển khai thực hiện với nhiều hình thức và nội dung phong phú như: Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên định hướng các cơ quan báo chí thực hiện công tác tuyên truyền thông qua các hội nghị giao ban báo chí hàng tháng.

Kết quả trong giai đoạn 2010 - 2015 đã có 11.215 tin, bài tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho LĐNT; 997 cán bộ làm công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; 61.197 LĐNT được tư vấn học nghề và việc làm.

Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyêt việc làm cho LĐNT

Sau nhiều năm triển khai thực hiện đề án, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có các mô hình dạy nghề hiệu quả được nhân rộng, cụ thể: mô hình trồng nấm ở huyện Thạch Thành, Thường Xuân; mô hình đan hàng thủ công mỹ nghệ ở các huyện Thiệu Hóa, Nông Cống, Nga Sơn, Yên Định; mô hình trồng lúa năng suất cao, sản xuất rau an toàn ở huyện Thọ Xuân, Yên Định; mô hình sản xuất mạ khay, máy cấy huyện Nga Sơn, Triệu Sơn, Quảng Xương; mô hình dạy nghề thuyền trưởng, máy trưởng tại huyện Quảng Xương; mô hình trồng nấm, mục nhĩ ở huyện Hà Trung; mô hình Hợp tác xã sản xuất và chế biến và tiêu thụ nấm ăn tại huyện Đông Sơn, huyện Triệu Sơn, huyện Nga Sơn, huyện Thiệu Hóa...

Kết quả sau 6 năm (2009 – 2015) triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức được 1.255 lớp dạy nghề cho 38.395 LĐNT/119.984 LĐNT có nhu cầu học nghề, đáp ứng 32% số người có nhu cầu học nghề. Trong đó, nghề nông nghiệp là 20.665 người (chiếm 53%); Làng nghề 6.627 người (chiếm 17%); Công nghiệp-Dịch vụ 10.368 người (chiếm 27%); đánh bắt xa bờ 1.185 người (chiếm 3%). Tổng kinh phí thực hiện các hoạt động đề án giai đoạn 2010 – 2015 là 181.422,403 triệu đồng. Riêng năm 2016, Thanh Hóa đã đào tạo 6966 LĐNT.

Gắn với giải quyết việc làm

Song song với đào tạo nghề, các cấp, ban, ngành tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tìm kiếm, khai thác các thị trường lao động; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế; quan tâm công tác xuất khẩu lao động; tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia đầu tư, sản xuất trên địa bàn nhằm giải quyết việc làm cho người lao động như: Công ty TNHH Fruit Of The Loom Việt Nam đóng trên địa bàn xã Quảng Lợi (huyện Quảng Xương), đi vào hoạt động được 2 năm đã đào tạo và giải quyết việc làm cho khoảng 700 lao động. Hiện công ty đang mở rộng nhà xưởng, dự kiến sẽ đào tạo, tuyển dụng khoảng 2.500 lao động, trong đó ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương. Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nam Linh ở xã Quảng Bình (huyện Quảng Xương) đã phối hợp với huyện Quảng Xương đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho gần 150 lao động với mức thu nhập từ 3 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Đào tạo nghề mây tre đan gắn với giải quyết việc làm cho LĐNT

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho biết: “Để đổi mới và phát triển đào tạo nghề theo hướng chất lượng, hiệu quả, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, thời gian tới Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội; tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đào tạo nghề; có cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp để học nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; tăng cường quản lý Nhà nước về đào tạo nghề, việc làm và xuất khẩu lao động”.

Tác giả: HOÀNG MINH

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok