Giáo dục

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Bỏ viên chức, chẳng thầy cô nào lên dạy ở vùng cao!

Theo chương trình làm việc của Quốc hội, ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân sẽ đăng đàn trả lời chất vấn các nội dung về sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức...

Chia sẻ với PV Infonet, nhiều đại biểu cho biết rất muốn chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ trước những chế độ, chính sách, quy định đối với đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay.

Theo ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội (đại biểu đoàn An Giang) cho rằng, tất cả những thông tư, nghị định của Bộ Nội vụ, đặc biệt là việc tham gia tư vấn ban soạn thảo luật Công chức, viên chức thì phải hướng tới mục tiêu tháo gỡ những bất cập, những vấn đề đang gây khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

“Rất tiếc, hiện Bộ Nội vụ chưa có những giải pháp cụ thể. Đặc biệt có những nghị định, những thông tư do Bộ tham mưu, ban hành còn làm khó khăn hơn cho đơn vị trong việc hoàn thành nhiệm vụ.

Ví dụ, quy định hiện nay thống nhất giảm biên chế trong cùng hệ thống, tuy nhiên Bộ Nội vụ vẫn bám quan điểm bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo các cơ sở đều phải là viên chức.

Trong khi cứ yêu cầu giảm bớt biên chế viên chức, công chức… nhưng lại đặt ra tiêu chuẩn phải là viên chức, công chức mới được bổ nhiệm. Hai việc này mâu thuẫn nhau.”, đại biểu Lân Hiếu bày tỏ.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu


“Điều này tôi đã nhắc rất nhiều lần từ kỳ họp trước nữa. Ngay ở trường ĐH Y Hà Nội, một TS triết học nhiều kinh nghiệm là chủ nhiệm bộ môn triết của trường. Giờ sang bệnh viện ĐH Y bổ nhiệm chức danh một trưởng khoa nhưng vì TS này chưa có bằng trung cấp chính trị nên việc bổ nhiệm đành phải gác lại. Đây là những tình huống cười ra nước mắt. Theo tôi, Bộ Nội vụ cần tìm cách gỡ chuyện này”, Giám đốc BV ĐH Y Hà Nội bày tỏ.

Đối với vấn đề giảm biên chế, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Bộ Nội vụ thực sự cần phải đi sâu vào thực tế. Bởi có những nơi cần viên chức – đó là các cô giáo, bác sĩ vùng sâu vùng xa, nơi tiền tuyến hải đảo. Những chỗ đấy người lao động cần công chức, viên chức để củng cố niềm tin.

“Nếu bỏ viên chức đối với đội ngũ giáo viên thì tôi tin chẳng có thầy cô giáo nào lên dạy cho các cháu ở vùng cao”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng nhấn mạnh, việc tinh giản phải phù hợp với thực tế và phù hợp với yêu cầu của từng lĩnh vực với khối lượng, tính chất công việc.

“Ví dụ giáo dục dân số ở một số vùng tăng nhưng biên chế thì yêu cầu giảm, giảm đều hàng năm gắn với chỉ tiêu giảm 10%, trong khi đó viên chức giáo dục chiếm chủ yếu ở các địa phương.

Vấn đề này Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục cũng như Thủ tướng sẽ có hướng để làm sao việc giảm biên chế của chúng ta giảm đúng chỗ cần giảm, giảm đúng người cần giảm góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả của bộ máy nhà nước nhưng phải phù hợp chứ không phải cứ giảm đều như hiện nay. Điều này hoàn toàn không phù hợp”, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết nêu.

Tương tự, ĐB Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cũng cho biết, trong 4 nhóm vấn đề Quốc hội chất vấn, ông quan tâm đến nhóm vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ đăng đàn trả lời.

Theo đó, ông mong muốn sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân 4 nội dung. Thứ nhất là việc làm sao để tinh giảm biên chế đi vào thực chất, vừa tinh giảm biên chế nhưng lại phải nâng cao được hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính.

Thứ hai nâng cao trách nhiệm công vụ, kỷ cương, kỷ luật, tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh như lâu nay vẫn nói. Thứ ba, hiện trạng cán bộ không dám làm, né tránh trong thực thi công vụ. Và vấn đề thứ 4 là làm sao sớm hoàn thành việc bố trí lao động, sắp xếp lao động gắn với vị trí việc làm; phân loại, xếp loại cán bộ công chức, viên chức thực chất.

“Ngoài ra xử lý một số vi phạm trong công tác cán bộ, bổ nhiệm, xử lý kỷ luật nhất là các cán bộ trước đây là nguyên giữ chức vụ nọ, chức vụ kia”, đại biểu Thanh Hồng nhấn mạnh.

Nhiều tiêu cực trong thi nâng ngạch công chức

ĐB Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) rất hy vọng được chất vấn Bộ Nội vụ về việc thi nâng ngạch công chức. Bởi theo phản ánh của cử tri thì có tiêu cực trong thi cử và còn hình thức, xem nặng thì cử và thành tích, giống như việc yêu cầu công chức, viên chức phải có bao nhiêu loại bằng cấp, giấy chứng nhận nhưng đôi khi chẳng biết để làm gì… nên mới phát sinh chuyện bằng mua, bằng giả.

Tác giả: N. Huyền

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok