Trong nước

Đại biểu muốn chất vấn, sao Bộ trưởng Giao thông, Y tế không đăng đàn?

Khi thăm dò ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, có 18 đoàn muốn chất vấn Bộ trưởng Y tế về quản lý nhập khẩu thuốc, 4 đoàn cùng muốn chất vấn cả Bộ trưởng GTVT và Thủ tướng về BOT nhưng cả 2 vị tư lệnh ngành không được chọn đăng đàn. UB Thường vụ Quốc hội giải thích lý do cụ thể…

Ngày 8/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ký báo cáo kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tổ chức hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Theo thống kế, đến 14h ngày 7/11/2017, có 443 văn bản ý kiến của đại biểu Quốc hội gửi về. Đại đa số ý kiến đại biểu nhất trí với cách đặt vấn đề, cách thức tổ chức, dự kiến thời gian tổ chức hoạt động chất vấn, số lượng người trả lời chất vấn, tiêu chí lựa chọn và nội dung các nhóm vấn đề do UB Thường vụ đề xuất.

Cụ thể, có 393/443 đại biểu đồng ý chọn nhóm vấn đề tài chính, 377 vị chọn thông tin và truyền thông, 345 chọn ngân hàng, 335 người chọn toà án và 315 chọn lao động - thương binh và xã hội.

Tại kỳ họp trước, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn trả lời chất vấn ngày 14/6/2017.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, một số ý kiến đề nghị chất vấn về công tác khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế; phòng, chống dịch bệnh, y tế dự phòng, quản lý giá thuốc và chất lượng thuốc chữa bệnh. Đại biểu cũng muốn chất vấn về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với tổ chức mô hình hợp tác xã, nông thôn mới, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo UB Thường vụ Quốc hội, đây đều là những vấn đề nổi lên trong đời sống xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Những nội dung nêu trên đã được Quốc hội yêu cầu có những giải pháp cụ thể để khắc phục, tạo chuyển biến trong thời gian tới. Do vậy, xin không đưa nội dung nêu trên vào nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 4.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị chất vấn về những vấn đề liên quan đến đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT, về định mức kinh tế-kỹ thuật, đơn giá xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý vốn ODA.

UB Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng đây đều là những vấn đề được đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận quan tâm.

Năm 2017, UB Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT” và ban hành nghị quyết về một số nhiệm vụ và giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập trong đầu tư các công trình giao thông theo hình thức này.

Ngoài những vấn đề trên, kết quả phiếu xin ý kiến còn ghi nhận một số ý kiến đề nghị bổ sung một số vấn đề về quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học; giải ngân vốn xây dựng cơ bản; về quản lý rừng; việc bán, cho thuê đất đai, tài sản công; về bảo hiểm xã hội…

UB Thường vụ Quốc hội vẫn khẳng định đây đều là những vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm nhưng do thời lượng dành cho hoạt động chất vấn có hạn, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn, đặc biệt là ưu tiên những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội lựa chọn (qua phiếu xin ý kiến) nên đề nghị xin được xem xét để tổ chức chất vấn các nội dung nêu trên tại kỳ họp Quốc hội hoặc phiên họp UB Thường vụ Quốc hội vào thời điểm thích hợp.

Vì vậy, việc Bộ trưởng Tài chính - Thông tin truyền thông, Thống đốc NHNN và Chánh án TAND Tối cao vào danh sách chất vấn chính thức lần này được khẳng định là đã cân nhắc nhiều mặt.

Sau phần đăng đàn của 4 bị này, theo nghị trình, Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn sau cùng, vào chiều 18/11.

Và với Thủ tướng, nội dung các nhóm vấn đề chất vấn không giới hạn. Kết quả phiếu xin ý kiến cũng đã cho biết có 16 nhóm vấn đề đại biểu muốn chất vấn Thủ tướng, từ BOT cho đến 12 dự án "đắp chiếu" của ngành công thương.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok